Xâm nhập mặn là cơ hội để làm giàu

khucthuydu

ĐT/zalo/fb: 0948.101010
Nhiều nhà khoa học cho rằng giảm bớt diện tích trồng lúa nước, chuyển sang nuôi thủy sản tận dụng nguồn nước mặn sẵn có sẽ là cơ hội làm giàu cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình trạng khô hạn diễn ra căng thẳng ở đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng nhà nước và người dân phải chấp nhận và thích ứng. "Nên làm bạn với mặn vì nó sẽ là cơ hội làm giàu. Tư duy mặn là kẻ thù không còn phù hợp", ông nói.

Theo giáo sư Xuân, tại vùng ven biển nhiễm mặn, người dân nên chuyển từ chuyên trồng lúa sang mô hình canh tác bền vững như quy trình lúa - tôm, tức là trồng vụ lúa khi mùa mưa bắt đầu, đến khi mưa hết thì lúa cũng thu hoạch xong. Tiếp đó, nông dân cho nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, cua...

"Huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã thực hiện phương pháp này và lợi gấp 4-5 lần trồng lúa. Nhiều huyện ven biển khác cũng đang áp dụng và đem lại lợi ích cao", giáo sư Xuân nói và cho biết các vùng ven biển ở Indonesia thường nuôi tôm và mang lại hiệu quả cao. Tại đây họ còn trồng các loại cây đước để lọc nước phục vụ nuôi trồng, bên cạnh việc xây dựng hệ thống tháo nước để xử lý vệ sinh.

Sự chuyển đổi trên theo giáo sư Xuân là hợp với quyết định của Chính phủ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đất lúa sang nuôi trồng cây con có giá trị.

lua-3869-1458557583.jpg

Hàng nghìn ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long chết do hạn mặn. Ảnh: Cửu Long.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long cũng khuyên người dân nên dần thích ứng bằng cách chuyển đổi sang hệ thống canh tác mặn. Khư khư giữ cây lúa dưới danh nghĩa an ninh lương thực là không phù hợp vì Việt Nam đang xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. "Canh tác lúa trong điều kiện khắc nghiệt ven biển đã là không phù hợp, mà canh tác lúa trong mùa khô ven biển lại càng không phù hợp hơn", ông nói.

Theo ông Thiện, ở ven biển, người dân vẫn có thể canh tác lúa nhưng luân canh lúa - tôm với một vụ lúa trong mùa mưa và vụ tôm trong mùa mặn. Thay vì đầu tư vào những công trình vĩ đại để kiểm soát mặn triệt để với những hệ quả chưa lường hết được, thì Việt Nam nên làm những công trình vừa phải ở cấp địa phương, để kiểm soát mặn theo mùa và đầu tư giúp người dân chuyển đổi.

Trong khi đó, dù đồng ý với việc cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Quy hoạch thủy lợi miền Nam lại bày tỏ lo ngại, bởi ngay cả vùng mặn nuôi tôm sú cũng cần có nước ngọt. Thời kỳ đầu con tôm cần độ mặn khoảng 20 phần nghìn, đến giữa kỳ sinh trưởng, tôm chỉ cần độ mặn 10 phần nghìn, do đó phải có nước ngọt pha loãng với nước mặn.

"Thực tế đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long là con hàu ở Bình Đại (Bến tre) hay tôm sú ở Sóc Trăng đang chết hàng loạt vì hạn, mặn quá nồng độ cho phép, do không có nước ngọt để pha loãng", tiến sĩ Trường phân tích và cho rằng ở những vùng chuyển đổi phát triển cây, con cần có quy hoạch, tránh phát triển tràn lan theo phong trào, nhất là yêu cầu mặn ngọt theo kiểu sản xuất đan xen "da báo, xôi đỗ" thì không có công trình nào thích ứng nổi.

Dự báo cần đi trước

Để phòng tránh và ứng phó với xâm nhập mặn, tiến sĩ Trường đề xuất giải pháp là phải có trước thông tin dự báo. Thông tin dự báo nếu đến được người dân và nhà quản lý trước 3-6 tháng họ sẽ có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hợp lý, tránh xảy ra mất mùa.

Theo vị chuyên gia này, El Nino và La Nina có từ rất lâu đời, và thường có chu kỳ dài ngắn khác nhau, nhưng có quy luật khá rõ ràng. Vì vậy các nhà quản lý phải biết đưa các trị số tác động của hai hiện tượng thời tiết này vào quy hoạch ở tần suất bảo đảm để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân.

Về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cũng cho rằng, việc xâm nhập mặn có thể đoán trước vài tháng mà không cần hệ thống cảnh báo cao siêu. Ông dẫn chứng mùa lũ năm 2015 vừa qua, mọi người đểu có thể quan sát được là mùa lũ, hay "mùa nước nổi" không về đồng bằng sông Cửu Long.

"Ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên thay vì hàng năm lũ ngập 2-3 mét thì mùa lũ 2015 chỉ ngập tới đầu gối, điều này cho thấy mùa khô 2016 vùng ven biển sẽ bị xâm nhập mặn sâu và vì vậy hoàn toàn có thể chủ động khuyến cáo người dân các tỉnh ven biển né tránh thiệt hại bằng cách không xuống giống mùa Đông Xuân", ông nói.

Xâm nhập mặn xuất hiện sớm gần hai tháng và chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nơi nước mặn vào sâu đất liền tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 15-20 km. Kinh tế và đời sống dân sinh của người dân 10/13 tỉnh thành phố như Long An, Tiền Giang, Bến Tre... bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay gần 160.000 ha, trong đó phần lớn là không có thu hoạch. Gần 300.000 hộ gia đình trong tháng qua không có thu nhập.

Để đối phó với tình trạng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (dự báo kéo dài hết tháng 5), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã yêu cầu người dân không dùng nước cho sản xuất mà tập trung cho sinh hoạt, tiếp tục sử dụng phương tiện lưu động cung cấp và tích trữ nước. Bên cạnh đó địa phương cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất, chuyển từ giống cây cần nhiều nước sang ít nước, hoặc có thể chuyển sang chăn nuôi và làm các nghề phi nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ngăn mặn và trữ nước ngọt.

Ngoài ra, Chính phủ đã hỗ trợ gần 700 tỷ đồng xây dựng đập tạm để ngăn mặn, trạm bơm nước ngọt và hệ thống dẫn nước sinh hoạt cho người dân; 2 triệu đồng/ha lúa cho nhân dân mua giống trồng vụ lúa sau và 15 kg gạo mỗi người một tháng. Mới đây Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng gửi công hàm đề nghị Trung Quốc xả nước từ hồ chứa đập Cảnh Hồng để giúp Đồng bằng sông Cửu Long.

Phạm Hương (http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-s...m-nhap-man-la-co-hoi-de-lam-giau-3373940.html
 


Nói chung chung không gì cụ thể. Toàn trên giấy thực tế chẳng thấy đâu!
 
Cho giáo sư Xuân và Th.s Thiện về làm ăn theo hướng mà các vị ý nói là biết ngay. Kết của việc làm ăn của họ sẽ trả lời là họ nói đúng hay sai.
 


Back
Top