Xuất khẩu gỗ lúng túng trước các luật lệ mới

Xuất khẩu gỗ lúng túng trước các luật lệ mới


244.jpg

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam không còn nhiều thời gian ứng phó khi nhiều đạo luật mới của Mỹ (Lacey) và của EU (FLEGT) sắp có hiệu lực. Nhưng công tác chuẩn bị từ nhiều phía cho đến nay vẫn còn hạn chế.

Những luật này quy định và kiểm soát rất chặt chẽ về nguồn gốc và tính hợp pháp của gỗ, vi phạm có thể bị trừng phạt Ngày 1-4 sắp tới đạo luật Lacey cấm buôn bán lâm sản bất hợp pháp, trong đó có gỗ và sản phẩm từ gỗ, vào Hoa Kỳ, bắt buộc doanh nghiệp phải nộp tờ khai, chứng từ rõ ràng về tên, loại gỗ, quốc gia khai thác gỗ, cách thức khai thác…, tức là phải có chứng nhận FSC (Forest Stewardship Council) của Hội đồng quản lý rừng bền vững thế giới.
Sản phẩm phải có lý lịch rõ ràng
Đạo luật Lacey cũng đòi hỏi chứng nhận quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm CoC (chain of custody) để nhà chức trách Mỹ có thể dễ dàng kiểm tra toàn bộ quy trình, từ khai thác gỗ ở một nước, vận chuyển qua các cửa khẩu, cảng biển nào trước khi đến nhà máy chế biến gỗ ở Việt Nam…
Theo ông Heiko Woener, Trưởng hợp phần 2, Chương trình lâm nghiệp Việt Đức GTZ, tại hội thảo phổ biến những yêu cầu pháp luật và môi trường của sản phẩm gỗ xuất sang Mỹ và EU trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế VIFA 2010, thì ngoài đòi hỏi khắt khe về giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp lệ, nhà chức trách Mỹ còn tiến hành điều tra thực tế đối với tính hợp pháp của sản phẩm.
Cụ thể, nếu doanh nghiệp Việt Nam sử dụng một phần gỗ nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng nhưng có dùng thêm gỗ bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, từ Malaysia chẳng hạn, để chế biến đồ gỗ nội thất xuất sang Mỹ thì nếu bị phía Mỹ phát hiện sẽ bị tịch thu hàng hoá, phạt tiền; vi phạm nặng có thể bị phạt đến 5 năm tù giam.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), mặc dù thời hạn nộp tờ khai bắt buộc ngày 1-4 đã đến gần, đến nay họ vẫn chưa nhận được văn bản yêu cầu hoặc hướng dẫn cụ thể từ chính quyền Mỹ. Năm ngoái đến nay một số khách hàng đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có các chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc gỗ; một số khách hàng khác thì chưa yêu cầu, do vậy nhiều doanh nghiệp cảm thấy lúng túng.
Sau đạo luật Lacey, tháng 1-2012, đạo luật FLEGT của EU cũng sẽ có hiệu lực. Đặc điểm chung của cả FLEGT và Lacey đều đòi hỏi nhà xuất khẩu phải trình bày chuỗi hành trình của sản phẩm lâm sản, tất cả các khâu từ khai thác cho đến thành phẩm, một cách minh bạch, rõ ràng để nhà chức trách Mỹ và EU có thể truy xét nguồn gốc nguyên liệu.
Bất cập trong khâu chuẩn bị
Ngày 3-3 vừa qua tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra mắt nhóm công tác về FLEGT có nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin đầy đủ, đào tạo kỹ năng cho doanh nghiệp về thu mua lâm sản có nguồn gốc bền vững, không gây tác động xấu đến môi trường, tư vấn thủ tục xin cấp chứng chỉ FSC, hệ thống giám sát…
Nhưng các bộ ngành có liên quan vẫn chưa có ý kiến thống nhất rằng liệu cơ quan nhà nước hay một tổ chức phi chính phủ sẽ chịu trách nhiệm cấp chứng nhận FSC và CoC cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hawa nói với TBKTSG Online, ngoài các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ lớn sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu có chứng nhận FSC từ những nhà cung cấp gỗ cứng như Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Mỹ (AHEC), thì nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng gỗ có nguồn gốc không rõ ràng từ nhiều nước.
Ngoài yêu cầu của các đạo luật trên, khách hàng trên thế giới hiện nay cũng có tâm lý muốn dùng sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Chính vì vậy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói chung trong thời gian tới sang các thị trường chính chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Nhưng theo ông Hùng, "dù thế nào doanh nghiệp cũng phải chủ động đáp ứng để sản phẩm gỗ Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường thế giới”, ông nói.
Hiện thời Hawa đã liên kết với nhóm công tác về FLEGT, chương trình lâm nghiệp Việt-Đức và một số đơn vị, tổ chức khác để nghiên cứu, đưa ra những phương án đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp, giúp ngành xuất khẩu đồ gỗ không bị động đứng trước những yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu gỗ và đồ gỗ lớn như Mỹ và EU, ông Hùng cho biết.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 2 tháng đầu năm 2010, lâm sản và đồ gỗ có tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 360 triệu đô la Mỹ, trong đó, riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 319 triệu đô la Mỹ. Mỹ và EU tiếp tục là hai thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
 




Back
Top