Xuất khẩu thủy sản Cà Mau: Gian nan đường tăng trưởng

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
G

Guest

Guest



<b class="vl6">Nguồn tin:</b>


Báo Cà Mau, 26/07/2011


Ngày cập nhật trên web Việt Linh:


28/7/2011




6 tháng đầu năm 2011, tỉnh Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 381 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2010, bằng 41% so kế hoạch năm. Tình hình nguyên liệu vẫn tiếp tục thiếu, các nhà máy chỉ hoạt động trên 40% công suất. Giữa các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh cạnh tranh nguyên liệu ngày càng gay gắt.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng 26% nhưng doanh nghiệp chế biến lại không lãi nhiều. Đặc biệt, với các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ thì tình hình còn bi đát hơn do lãi suất ngân hàng cao, việc tiếp cận với nguồn vốn cũng hạn chế hơn so với trước đây. Song, trong hoàn cảnh khó khăn đó, các DN vẫn cố gắng giữ vững thị trường và giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Khó khăn kép

<IMG
src="http://www.baocamau.com.vn/database/newsimg/nam%202011/thang%2007/ngay%2027/kinhte.jpg">

Công ty Cổ phần XNK nông sản thực phẩm Cà Mau, đơn vị đang tăng cường chế biến hàng giá trị gia tăng. Ảnh: NHÂN KIỆT

Hiện nay, hàng thủy sản xuất khẩu của Cà Mau có mặt ở hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thị trường xuất khẩu chính là: Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Australia. Sản lượng chế biến hàng thủy sản xuất khẩu 39.700 tấn, đạt 41% kế hoạch năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2010.
Tỉnh đang xây dựng ngành chế biến xuất khẩu thủy sản thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Toàn tỉnh hiện có 37 nhà máy chế biến thủy sản, với 33 nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản, với tổng công suất 180.000 tấn/năm, trong đó chế biến hàng xuất khẩu 157.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2011, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, do các ngân hàng đồng loạt thắt chặt tín dụng và tăng trần lãi suất. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có trên 40% vốn nhờ vào ngân hàng. Bên cạnh đó, trở ngại lớn nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu thiếu trầm trọng khiến các DN bị động.

Những tháng đầu năm 2011, mặc dù tình hình thiếu tôm nguyên liệu có cải thiện hơn đôi chút, nhưng dịch bệnh lan ra cả khu vực ĐBSCL khiến tình trạng khan hiếm nguyên liệu ngày càng trầm trọng hơn. Chính sự khan hiếm này đã đẩy giá tôm lên cao trong thời gian qua, chứa đựng nhiều bất ổn. Khi con tôm có giá cao, nuôi tôm lãi nhiều nên nông dân ào ạt thả giống để đuổi kịp giá bán mà không quan tâm nhiều đến yếu tố kỹ thuật, chất lượng con giống hoặc việc cải tạo ao đầm theo đúng quy trình. Chính sự nóng vội này đã góp phần làm cho nhiều đầm tôm (đặc biệt là tôm công nghiệp) bị dịch bệnh hoành hành trong thời gian qua.

Hiện một số doanh nghiệp đã phải chọn phương án giảm công suất, chỉ sản xuất với mức độ vừa phải để giải quyết việc làm cho công nhân, và quan trọng hơn là thực hiện các đơn đặt hàng để giữ mối hàng, giữ uy tín. Không chỉ khó khăn về thiếu nguyên liệu mà lãi suất ngân hàng, chi phí vận tải, trả lương nhân công nhân, điện, nước… cũng tăng cao, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp. Theo dự báo, tình hình này sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2011 và những tháng đầu năm 2012.

Tăng trưởng trong bộn bề nỗi lo

Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến thủy sản Cà Mau (CASEP), cho biết, sản lượng chế biến không tăng nhưng giá tăng mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 26%… Mặc dù giá tốt, cao hơn khoảng 20% so cùng kỳ năm 2010, nhưng dịch bệnh lại hoành hành, làm thiếu tôm nguyên liệu. Bên cạnh đó, nhiều DN vừa và nhỏ điêu đứng trước tình trạng thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, hiện Sở NN&PTNT đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm thực hiện cơ chế chính sách phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này đã có 8 doanh nghiệp lớn đăng ký liên kết vùng nuôi với nông dân.

Tuy nhiên, do chưa thống nhất được hình thức hợp tác và cơ chế chưa thông nên vẫn chưa thực hiện được. Riêng ngành điện lực đã vào cuộc trong việc hạ thế điện 3 pha cho một số cụm nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn.

Mặc dù Nghị quyết 11 của Chính phủ có nêu rõ: “… kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng nhưng phải ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, sản xuất của doanh nghiệp nhỏ và vừa…”, nhưng trên thực tế, cơ chế chính sách để khuyến khích xuất khẩu thì chưa rõ ràng (ngoại trừ việc giảm thuế đối với một số DN trên toàn quốc), đối với ngân hàng thì giảm vốn vay và tăng lãi suất là thấy rõ nhất. Đầu tư của Nhà nước cho vùng nguyên liệu thì đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Một số doanh nghiệp tính toán rằng, trước đây nếu chế biến ra 1 kg tôm phải tốn chi phí khoảng 50.000 đồng, nay tăng lên 100.000 đồng. Nguyên nhân là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhất là lãi suất ngân hàng quá cao, làm lợi nhuận giảm xuống. Nếu lãi suất từ 5-10% thì doanh nghiệp còn có lãi, nhưng lãi suất vốn vay hơn 20%, trừ chi phí, lợi nhuận bằng không hoặc thua lỗ.

Ông Lý Văn Thuận nhận định, mới hết tháng 6 nhưng có thể thấy áp lực ngày càng đè nặng lên các doanh nghiệp. Thủy sản là một trong những lĩnh vực xuất khẩu đem về nguồn ngoại tệ lớn, đồng thời liên quan đến công ăn việc làm của rất nhiều công nhân. Do đó, mục tiêu chính trong lúc này là không đặt nặng lợi nhuận bởi tất cả đều khó khăn. Vấn đề là làm sao tăng cường sản xuất, xuất khẩu để góp phần ổn định an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Để làm được điều đó, trong khi chờ đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, từng doanh nghiệp tự thân tìm vùng nguyên liệu nhằm ổn định việc làm cho công nhân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp từng bước tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh phát triển vùng nuôi để tăng nguồn nguyên liệu trong thời gian tới.

Theo kế hoạch của CASEP, từ nay đến năm 2015 sẽ không xây thêm nhà máy mới mà tập trung thay đổi trang thiết bị hiện đại, vừa tiết giảm nhiên liệu, vừa tăng công suất chế biến. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, cùng với mặt hàng tôm đông lạnh, Cà Mau sẽ đẩy mạnh chế biến hàng giá trị gia tăng và các sản phẩm khác ngoài tôm như: mực, cá, bạch tuộc… để tăng doanh thu và tăng việc làm. Phấn đấu năm 2011, xuất khẩu thủy sản của Cà Mau đạt 950 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD so với năm 2010./.

Ngọc Huệ
 


Last edited:


Back
Top