Chuẩn bị ao cho vụ nuôi mới

  • Thread starter ngoctule
  • Ngày gửi
N

ngoctule

Guest
Chuẩn bị ao là khâu không thể thiếu trong qui trình kỹ thuật nuôi tôm và có tính chất quyết định sự thành công của vụ nuôi.
Chuẩn bị ao

Đối với ao nuôi cũ (ao đất), sau khi thu tôm cần tháo dỡ dàn quạt hoặc hệ thống sục khí, rửa sạch các dụng cụ, phơi khô và cất vào kho. Tháo cạn, phơi khô đáy ao, dồn chất thải lại và chuyển ra ngoài ao. Đối với ao không thể tháo kiệt do nước ngấm qua bờ thì nên sên vét bùn đáy ao (lớp bùn đen) triệt để. Bùn đáy phải được bơm vào ao chứa bùn, không bơm bùn ra kênh rạch. Gia cố bờ ao, cống ao, hạn chế ao bị rò rỉ, phơi đáy ao nuôi thời gian tối thiểu 15 ngày. Giữ nước ao ở mức 40 - 70 cm, thả cá rô phi vào ao để cá ăn hết lượng mùn bã hữu cơ sót lại và các loài ký chủ trung gian gây bệnh. Đối với ao trải bạt, sau khi thu hoạch cần dùng bơm xịt rửa sạch các loại bùn, rêu bẩn bám vào mặt bạt, đồng thời kiểm tra nền đất đáy phía dưới bạt trải; nếu thấy nhiều bùn đen, cần cuộn lại bạt, loại bỏ bùn, dùng cát đổ xuống đáy dày 20 cm trở lên, lèn chặt, phơi khô và trải bạt trở lại. Tính từ khi thu hoạch đến vụ nuôi tiếp theo, cần cho ao nghỉ (thời gian ngắt vụ) 1 tháng trở lên, sau đó mới cải tạo để nuôi vụ tiếp theo.

z300-con-tom-765-.jpg


Sau khi thu tôm cần tháo dỡ dàn quạt, phơi khô - Ảnh: Thanh Ngân

Đối với nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh hiện nay, khi vấn đề ô nhiễm nguồn nước luôn thường trực ở mọi lúc mọi nơi thì việc sử dụng ao lắng để chứa nước sạch cho ao nuôi là cần thiết. Diện tích ao lắng thường chiếm khoảng 1/3 diện tích ao nuôi. Ao lắng thường đào sâu hơn ao nuôi 0,5 - 1 m, đáy ao được cày bừa kỹ, rải vôi để ổn định pH. Nên cải tạo và lấy nước cho ao lắng trước khi cải tạo ao nuôi 20 - 30 ngày.



Cải tạo ao

Vào vụ nuôi mới, cần tháo cạn nước ao, dùng vôi bột (CaO) rải đều xuống đáy, liều lượng 10 - 12 kg/100 m2, ao có nền đáy bị xì phèn (pH thấp) cần tăng lượng vôi bón gấp 1,3 - 1,5 lần so với bình thường, cày bừa lại đáy ao cho vôi lẫn vào đất. Lấy nước vào ao (sâu 20 - 30 cm), thau rửa 2 - 3 lần, xả khô, rải vôi nông nghiệp (CaCO3), sau đó tiếp tục phơi ao 5 - 7 ngày. Đối với ao trải bạt, dùng Chlorine 20 - 30 ppm phun lên mặt bạt khử trùng, phơi nắng 1 - 2 ngày cho Chlorine bay hơi hết mới lấy nước vào ao. Đối với ao nuôi tôm vụ trước bị bệnh thì thực hiện đúng qui trình kỹ thuật cải tạo như ao nuôi bình thường, nhưng cần thực hiện tốt các biện pháp: Vớt hết xác tôm chết, đem chôn tại nơi an toàn. Bơm hết bùn đen ở đáy ao vào ao chứa bùn, phơi đáy ao ít nhất một tháng nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Lấy nước vừa ngập nền đáy ao, dùng formol tạt đều khắp ao, liều lượng 100 lít/2.500 m2, ngâm 24 giờ, sau đó xả cạn. Sử dụng Chlorine diệt hết địch hại còn sót lại ở mương thải và bờ ao. Dùng vôi bột CaO rải đều khắp nền đáy và bờ ao, liều lượng như cải tạo ao. Tiếp tục phơi đáy ao 5 - 7 ngày trước khi lấy nước vào nuôi. Rào lưới xung quanh ao, ngăn địch hại và tiêu diệt hết các vật chủ trung gian trong ao nuôi.



Xử lý và gây màu nước

Chọn những ngày không mưa vào các ngày nước triều cường hàng tháng để lấy nước vào ao lắng, đảm bảo độ mặn 15 - 20 ‰. Để lắng 7 - 10 ngày trước khi cấp vào ao nuôi. Lắp đặt quạt khí hoặc sục khí trong ao nuôi, đây là khâu rất quan trọng liên quan đến tỷ lệ sống và năng suất tôm nuôi. Căn cứ vào nuôi TTCT hay tôm sú mà lắp đặt loại quạt nước phù hợp. Một dàn quạt (15 cánh) có thể cung cấp đủ ôxy cho 400 kg tôm trong ao, quạt lông nhím thì đủ ôxy cho 600 kg tôm.

Nước cấp vào ao nuôi phải qua túi lọc, độ sâu 1,2 - 1,5 m, tiến hành chạy quạt khí, kích thích trứng các loài giáp xác nở và để lắng ít nhất 3 - 5 ngày mới xử lý. Nước ao thường chứa nhiều virus, vi khuẩn, nguyên sinh động vật gây bệnh nên trước khi thả giống cần khử trùng nguồn nước bằng Chlorine 10 ppm (10 kg/1.000 m3nước), duy trì pH 7,5 - 8,0; độ kiềm lớn hơn 80 mg/l. Nước xử lý xong cần bật quạt nước cho Chlorine bay hơi. Bón phân gây màu, duy trì mật độ tảo trong ao, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống. Phân vô cơ (urê hoặc DAP), bón ngày đầu 2,2 kg/1.000 m2, sau đó giảm dần hoặc dùng cám gạo, bón 1 - 1,2 kg/1.000 m2trong 1 tuần. Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các dòng vi khuẩn (Lactobacillus, Nitrobacter, Nitrosomonas…) để khống chế vi khuẩn gây bệnh, làm sạch đáy ao, hấp thu khí độc NH3, H2S, NO2… Sau khi gây màu nước nên kiểm tra độ trong của nước ao, khi đạt 35 - 40 cm mới tiến hành thả giống.

>> Tuyệt đối không sử dụng thuốc có thành phần Cypermethrin, Deltamethrin để xử lý nước, diệt tạp trong ao nuôi tôm, vì dư lượng của chúng là nguyên nhân gây chết tôm hàng loạt và ảnh hưởng đến chất lượng tôm xuất khẩu.
Theo ThS Nguyễn Quang Chương
Tạp chí Thủy sản Việt Nam
 


Cái này ai cũng biết nhưng hok đc mấy người làm đúng quy trình như thế này. :( Hi vọng ,ọi người cố gắng làm đc để bội thu.
 
Cái này ai cũng biết nhưng hok đc mấy người làm đúng quy trình như thế này. :( Hi vọng ,ọi người cố gắng làm đc để bội thu.
Người dâ chủ yếu làm theo quy trình truyền thống tự phát, thấy ai mùa vụ trước làm đạt là lấy đó áp dụng y chang vào ao nuôi của mình một cách rất thụ động nên kết quả mùa vụ không cao
 


Back
Top