Bảo tồn cây dó trầm cuối cùng của Bảy Núi

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Những cây dó trầm (Aquilara sp.) được người dân Bảy Núi quen gọi là cây tóc, vốn thuộc rừng tự nhiên được bà con lão lâm lưu giữ, hiện đang bị đe doạ mất trắng trong những cơn lốc tìm trầm của những thương nhân từ các tỉnh xa đổ về.
Cây tóc chẳng những là loài cây quý hiếm của rừng nhiệt đới, được Công ước quốc tế CITES quy định trong vận chuyển mua bán như những loài có nguy cơ tuyệt chủng mà còn là loài cây có giá trị kinh tế rất cao hiện nay trong vùng. Sản phẩm trầm hương của dó trầm gắn bó với đời sống văn hoá, tinh thần, tín ngưỡng của người dân Bảy Núi qua những nghi thức cúng bái, lễ hội cúng chùa của dân trong vùng. Chính nhờ tập quán thờ cúng này của người dân mà cây tóc Bảy Núi vẫn được âm thầm lưu giữ, bảo vệ và tự tạo trầm (thô) như những vật phẩm linh thiêng không thứ gì thay thế được trong nghi lễ cúng chùa, đặc biệt đối với người dân theo đạo Hiếu Nghĩa nơi này. </font />Những năm 90, trên vùng Bảy Núi các nhà khoa học vẫn tìm thấy hằng chục cây cổ thụ có đường kính trên dưới 100cm. Thế nhưng sức ép từ nhu cầu trầm hương với giá cả “đắt đỏ” của cây dó trầm so với thu nhập quá thấp của người dân nghèo vùng núi đã khiến nhiều cây dó trầm cổ thụ biến mất vĩnh viễn trên vùng núi này. Số lượng cây cổ thụ cứ bị giảm dần qua từng năm. Hiện nay, những cây tóc tự nhiên lớn nhất cũng chỉ trong khoảng 40-50 năm tuổi (kính 50-60cm). Số lượng trong toàn khu Bảy Núi không còn nhiều, khoảng 12 cây trên Núi Cấm, 11 cây trên Núi Giài, 3-5 cây Núi Cô Tô. Những cây tóc này không chỉ là nguồn gien quý hiếm đặc trưng của dó trầm Bảy Núi, mà còn là những cây mẹ cuối cùng trong vùng lưu trữ nguồn giống phong phú hằng năm cung cấp cho cả vùng. Thế nhưng, cho tới nay nhiều cây tóc lâu năm trong số này đã và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều thương nhân từ các nơi khác tới thu mua khai thác tạo trầm. Có những cây to người thương lái đã mua trên 20 triệu đồng. Gần đây, tại Núi Cấm người dân cũng bán được với giá 15-16 triệu đồng/cây (trên 50 tuổi). Trong khi chưa đánh giá và chọn lọc cây trội cho nghiên cứu phát triển giống trồng rừng tương lai và nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây rừng nơi đây thì việc bảo vệ duy trì những nguồn vốn quý này cần được ưu tiên gìn giữ.
dotram2.jpg
Thêm vào đó, sau năm 2004 kết quả nghiên cứu cấy tạo trầm nhân tạo đã bắt đầu lan rộng. An Giang trở thành tỉnh đi đầu trong việc hợp tác với tổ chức nghiên cứu nước ngoài (TRP - Rừng mưa nhiệt đới) nghiên cứu thành công cơ chế hình thành trầm từ cây tóc (<i>Aquilaria crassna</i>) và hoàn thành kỹ thuật kích thích cấy tạo trầm, được cấp bằng phát minh tại Hoa Kỳ và công nhận trên nhiều nước khác của Châu Âu và Việt Nam. Hội thảo Quốc tế về tạo trầm lần thứ nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11/2004 với hơn 21 quốc gia sản xuất, tiêu thụ trầm hương trên thế giới tham dự đã công nhận sự thành công của những nghiên cứu này. Những kết quả này góp phần thúc đẩy nhu cầu phát triển trồng rừng dó trầm trên toàn tỉnh và nhiều nơi khác. Nguồn tài nguyên đất đai trong tay đã sẵn đáp ứng mong muốn làm giàu từ rừng cho người dân vùng núi, kỹ thuật tạo trầm đã chắc chắn có hiệu quả trên 100% số cây được kích thích tạo trầm, còn lại là nguồn giống, nguồn cây rừng để có thể kích thích tạo trầm và chính sách hỗ trợ đầu tư. An Giang không bảo tồn được nguồn gen quý hiếm cho nghiên cứu, phát triển lâu dài thì sẽ tụt hậu, dù đã từng là tỉnh đi đầu trong nghiên cứu, có tập quán lâu đời về bảo tồn dó trầm trong nhiều năm qua.
Hiện nay, hằng năm với 2 vụ thu quả, những “lão lâm” còn dưỡng lại vài ba cây tóc to (30-50 tuổi) có thể thu được 30-40 triệu đồng tiền bán hạt. Những hộ có công mở rộng trồng thêm nhiều cây từ nguồn giống cây tự nhiên này, với khoảng vài chục cây (trên dưới 10-15 tuổi) cũng có thể thu được 40-50 triệu/năm từ hạt hoặc vài trăm triệu đồng từ tiền bán cây giống cho những người dân vùng khác tới. Nhiều hộ dân đã thu nhập sau 5-6 năm trồng với mức thấp nhất là 60 triệu/ha (200.000 đ/cây). Hiện nay, dọc đường đi lên núi Giài đất rừng được phát dọn cỏ, lọai bỏ cây tạp, chủ rừng đã trồng cây tóc ngay hằng thẳng lối. Người dân vùng đất này đã tìm ra lối thoát cho việc trồng, khôi phục lại rừng nhưng vẫn nâng cao được đời sống mà từ nhiều thập niên qua các chính sách của nhà nước khó  thành công được tại vùng đất này.
Việc phát triển nghề rừng khoa học và bền vững phải gắn liền được việc ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật với hiệu quả kinh tế và lợi ích xã hội. Việc điều tra qui hoạch phát triển rừng kể cả tập trung và phân tán lâu dài cho cây tóc ở vùng Bảy Núi là rất cần thiết. Cây tóc tuy phân bố tự nhiên ở nhiều vùng đồi núi tỉnh An Giang, nhưng không phải mọi nơi đều phù hợp cho việc phát triển nó. Do đó, việc quy hoạch và hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cũng như  đầu tư cho người dân trồng rừng không thể thiếu tính chuyên nghiệp. Hiện nay, mức đầu tư  cho việc khôi phục và phát triển rừng tập trung và cây phân tán hằng năm trong toàn tỉnh trên 4-5 tỷ đồng/năm, nhưng tỉ lệ đầu tư phát triển cho cây dó trầm lại khiêm tốn chưa tới mức 4% trên tổng số. Cây tóc cũng thuộc loài cây quý hiếm bản địa, có hiệu quả cao nhưng nó chưa thực thực sự được quan tâm đúng tầm. Việc đầu tư phát triển rừng trồng dó trầm cho dân vừa hiệu quả vừa rẻ tiền nhưng lại hiệu quả hơn rất nhiều lần so với những loài cây rừng khác. Ngoài ra, do hiệu quả kinh tế của nó trong 5-7 năm đầu sau khi trồng cao, từ sản phẩm trầm thô cũng là điều hấp dẫn giúp phong trào dễ dàng nhân rộng.   
Trước mắt, với những cây tóc lâu năm, cần có những chính sách hỗ trợ nhằm duy trì, bảo tồn một cách thoả đáng như mua lại cây đứng cho dân với giá thỏa thuận, vừa phù hợp lòng dân, khuyến khích người dân bảo vệ rừng vừa giữ được giá trị cây rừng mà sau này dù nhà nước có đầu tư  gấp nhiều lần tiền vốn cũng không thể tái tạo được. Việc mua lại cây tóc lâu năm này vừa nhằm tạo nguồn cung cấp giống ổn định lâu dài vừa tạo nguồn lợi cho người dân tại vùng núi này. Nếu nguồn giống này gieo tạo tại chỗ, cung cấp cho nhu cầu trồng rừng địa phương và bán ra các tỉnh ngoài thì hiệu quả rất cao và sử dụng được lao động tại chỗ.
Việc điều tra đánh giá lại cây dó trầm hiện còn trên toàn vùng và có những chính sách bảo tồn phát triển đúng mức không chỉ là nhiệm vụ của mỗi người chúng ta trước tương lai phát triển kinh tế và môi trường mà còn là nhu cầu trước mắt nhằm cải thiện đời sống người trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng theo hướng sử dụng bền vững có hiệu quả. Về lâu về dài, việc tuyển chọn đánh giá nhằm xây dựng khu bảo tồn, rừng giống hoặc vườn giống cho vùng sẽ là một  trong những mục tiêu quan trọng cần đạt được của ngành lâm nghiệp. Việc đầu tư sớm và phù hợp là điều kiện không thể thiếu, đảm bảo hiệu quả đầu tư cao không chỉ trong kinh tế mà cả trong việc bảo vệ rừng và môi trường trong giai đọan này.
</td /></tr /></tr /></tbody /></table />
 


Last edited:


Back
Top