Biến nước phèn chua thành nước ngọt bằng DS-3

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Lần đầu tiên, một công nghệ đơn giản để xử lý nước phèn chua ra đời, tạo cơ hội đáp ứng đủ nước sinh hoạt cho gần một nửa vùng ĐBSCL. Ở vùng này vào mùa khô, nước kênh rạch nhiễm phèn nên chứa nhiều ion sunphát, sắt, nhôm... không dùng được, người dân chỉ biết trông chờ vào lượng nước mưa ít ỏi.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Trinh và cộng sự, Viện Hoá học (thuộc Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phát triển vật liệu rắn DS-3 và và triển khai áp dụng công nghệ xử lý rất đơn giản cho các hộ gia đình và cụm dân cư ở đây.

Mùa khô ở vùng ĐBSCL (gồm 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ và một phần TP HCM) rất rõ rệt, hầu như 5 tháng trời không có mưa, nên người dân rất thiếu nước sinh hoạt. Họ phải mua nước ngọt từ nơi khác chở tới với giá đắt (gần 25.000 đồng/m3), hoặc phải khoan nước ngầm tới trên 400 mét. Trong khi dân cư ở nhiều vùng lại sống rải rác nên hệ thống cấp nước sạch chưa tới nơi. Vì thế, đa số vẫn dùng kinh nghiệm dân gian xử lý bằng vôi, tro để giảm độ chua, song nước uống có vị mặn chát và hay gây đau bụng. Khác với các loại "nước phèn" thông thường chủ yếu chứa sắt, nước phèn ở ĐBSCL còn bị chua, nên rất khó xử lý. Từng có công trình nghiên cứu đề nghị bổ sung bicarbonat, song khó khăn nảy sinh là người dân không biết dùng liều lượng bao nhiêu cho vừa, khiến nước sau xử lý có độ pH cao, khó mà uống được. Ông Trinh cho biết ngay cả thế giới cũng chưa có công trình nào giải quyết tận gốc vấn đề này, và công trình của Viện hoá học là đầu tiên.

Khảo sát nguồn gốc và đặc tính phèn ở đây, nhóm nghiên cứu đã tìm ra loại vật liệu rắn DS-3, phù hợp cho việc xử lý phèn chua. Vật liệu này hoạt động trên cơ sở hiệu ứng tích số tan, giữ các ion kim loại trên bề mặt vật liệu lọc. Ngoài ra, do vật liệu ở dạng rắn, nên việc sản xuất thiết bị lọc trở nên đơn giản, nông dân có thể tự tạo.Một thùng lọc đơn giản có cấu tạo như sau: Ngoài cùng là một thùng chứa nước lớn, bên trong là một xô nhựa úp ngược chứa cát. Đáy xô được nối với vòi dẫn nước lọc ra ngoài. Lớp DS-3 trong thùng cao khoảng 50 cm, nằm phía ngoài xô cát. Nước phèn từ trên cao dội xuống, qua lớp DS-3 để tăng pH và loại bỏ ion kim loại, qua tiếp lớp cát để làm trong và theo ống dẫn nước ra ngoài.

Ngoài khả năng cố định sắt (II), mangan, nhôm, sunphát, DS-3 còn giữ được các ion kim loại khác. Nhờ vậy, nó còn có thể được dùng để xử lý nước giếng, nước nhiễm flo, kim loại nặng cũng như nước lũ. Nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn dùng cho sinh hoạt. Bản thân DS-3 là hỗn hợp khoáng và chất hữu cơ có nguồn gốc sinh học, nên an toàn cho người sử dụng và môi trường.

Từ năm 2000 đến nay, loại thùng lọc đơn giản trên đã được lắp đặt rộng rãi cho hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang... Tuy nhiên, công suất thùng lọc thấp, không đáp ứng cho gia đình khi cần lượng nước lớn. Ngoài ra, do mùa mưa vùng này còn bị lũ, nên để có thể cấp nước quanh năm, cần có công nghệ tổng hợp xử lý cả nước phèn mùa khô, lẫn nước lũ mùa mưa. Trước đòi hỏi này, nhóm nghiên cứu tiếp tục thiết kế trạm xử lý nước phèn nước lũ, khắc phục được những nhược điểm nêu trên. 3 trạm như vậy (mỗi trạm có thể cấp nước cho khoảng 100 hộ dân) đã đi vào hoạt động ở xã Bình An và xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, Long An.

Ước tính, nếu sử dụng DS-3, người dân chỉ phải trả khoảng 2.000 đồng/m3 nước, rẻ hơn nhiều giá hiện hành. Sau khoảng 2 năm sử dụng mới cần thay vật liệu lọc.
 
Last edited:
Back
Top