Cập nhật tình hình nuôi cá biển khu vực châu Á- Thái Bình Dương

  • Thread starter ngochieu
  • Ngày gửi
Original article: Production update – Marine Finfish Aquaculture in the Asian-Pacific Region​
By Mike Rimmer - James Cook University

In Aquaculture Asia Vol. XIII, No. 1, January-March 2008 (pp.48- 51)​
(available at www.enaca.org )​


CẬP NHẬT THÔNG TIN và KẾT QUẢ SẢN XUẤT CỦA NGHỀ NUÔI CÁ BIỂN của CÁC NƯỚC THUỘC KHU VỰC CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG​
GIỚI THIỆU
Tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO) đã công bố những thông tin và các số liệu thống kê mới nhất về giá trị và sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu tại (http://www.fao.org/fi/website/FIRetrieveAction.do?dom=topic&fi d=16073).

Bài viết sau đây nhằm tổng hợp các chuyển biến mới trong xu thế sản xuất của nghề nuôi cá biển trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương dựa trên các thống kê của FAO cho đến năm 2005. Mặc dù các số liệu thống kê được tính từ năm 1950 (số liệu về sản lượng) và từ năm 1984 (số liệu về giá trị), tác giả bài viết chỉ thể hiện các số liệu trong 10 năm gần đây. Cũng lưu ý rằng các số liệu thống kê của FAO về sản lượng và giá trị nuôi trồng thủy sản của các quốc gia chính là do các nước đó cung cấp. Trong một số trường hợp, do công tác phân loại hoạt động nuôi trồng thủy sản của các quốc gia không giống nhau nên việc xem xét các số liệu thống kê nói trên phải được tiến hành cân nhắc và kỹ lưỡng (có thể tham khảo thêm website của FAO để biết thêm thông tin chi tiết về độ chính xác của cơ sở dữ liệu).

Sản lượng nuôi cá biển
Nghề nuôi cá biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong những năm gần đây đã có những bước phát triển khả quan. Tổng sản lượng nuôi cá biển của toàn khu vực tăng 11% từ năm 2004 đến năm 2005. Cụ thể như trong bảng 1 cho thấy sản lượng tăng từ 1,031,800 tấn (năm 2004) lên 1,143,719 tấn (năm 2005) với giá trị sản lượng tăng 9%, tương ứng với 3.815 tỷ USD (năm 2004) và 4.141 tỷ USD (năm 2005) trong bảng 2.

Quốc gia có sản lượng nuôi cá biển cao nhất hiện nay vẫn là Trung Quốc với sản lượng nuôi năm 2005 là 659,000 tấn và giá trị sản lượng ước tính khoảng 662 triệu USD. Đứng hàng thứ 2 là Nhật Bản với
256,000 tấn sản lượng nhưng lại đứng đầu về giá trị với hơn 2 tỷ USD vì đối tượng nuôi chủ yếu là các loài có giá trị kinh tế rất cao. Hàn Quốc là nước thứ nhì về giá trị tổng sản lượng với 698 triệu USD từ 80,522 tấn sản lượng nuôi cá biển.
Từ đó cho thấy, tuy tính về sản lượng có phần thấp hơn nhưng các đối tượng nuôi hiện nay ở Nhật Bản và Hàn Quốc là các loài có giá trị kinh tế cao hơn so với các đối tượng nuôi phổ biến ở Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, Nhật Bản hiện đang chiếm 22% trong tổng sản lượng cung cấp của toàn khu vực nhưng giá trị sản lượng cá biển của Nhật Bản chiếm đến gần 50% của toàn khu vực. Trong đó, chiếm ưu thế trong cấu trúc sản lượng nuôi cá biển của Nhật Bản vẫn là Japanese amberjack (Seriola quinqueradiata) với sản lượng ước tính khoảng 160,000 tấn.

Xu hướng biến động và kết quả sản xuất của một số đối tượng nuôi quan trọng
Cá Măng
Cá Măng (Chanos chanos) hiện vẫn là đối tượng chủ yếu trong nghề nuôi cá biển của Indonesia và Philippines. Sản lượng nuôi cá Măng tăng từ 514,666 tấn năm 2004 lên 542,842 tấn năm 2005 (Hình 1). Tuy nhiên, giá trị tổng sản lượng trong năm 2005 lại giảm xuống chỉ còn 552 triệu USD so với 627 triệu USD vào cùng kỳ năm 2004 (Hình 1) do giá bán giảm xuống từ 1.2 USD/kg chỉ còn 1.0 USD/kg.

Barramundi (cá Chẽm châu Á), còn có tên tiếng Anh là Asian seabass
Sản lượng nuôi cá Chẽm năm 2005 tương đối ổn định ở mức 26,584 tấn, chỉ tăng nhẹ so với 25,399 tấn năm 2004 (Hình 2). Số liệu thống kê được miêu tả trong hình 2 không bao gồm sản lượng nuôi cá Chẽm trong nước ngọt (và sản lượng này cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng cá Chẽm). Thái Lan hiện là nước dẫn đầu về sản lượng nuôi cá Chẽm trong khu vực. So với năm 2004, giá trị sản lượng cũng tăng nhẹ từ 65.08 triệu USD lên 68.52 triệu USD (Hình 2) với giá bán khá ổn định, trung bình mỗi ký cá Chẽm thương phẩm dao động trong khoảng 2.50- 2.60 USD.


Sản lượng nuôi cá Mú toàn cầu tăng từ 59,146 tấn năm 2004 lên 65,362 tấn trong năm 2005, tỷ lệ tăng 11% (Hình 3). (Lưu ý, trong báo cáo này bao gồm cả sản lượng nuôi cá Mú của các nước không thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tuy nhiên phần lớn sản lượng nuôi này từ các nước trong khu vực châu Á –TBD). Mặc dù số liệu thống kê thể hiện sản lượng nuôi cá Mú tăng lên nhưng tổng giá trị tương ứng lại giảm đến 12%, từ 208.5 triệu USD năm 2004 xuống chỉ còn 183.6 triệu USD năm 2005 (Hình 3). Điều này cho thấy hiện tượng bão hòa của thị trường đối với cá Mú nuôi, đặc biệt do người nuôi chuyển sang sản xuất các loài cá Mú có giá cả thấp hơn, nên dẫn đến giá bán trên thị trường giảm xuống.

Trác Nhật Bản (Japanese amberjack)
Dù hiện nay Hàn Quốc cũng có sản xuất cá Trác Nhật, tuy nhiên phần lớn sản lượng của loài này được cung cấp từ Nhật Bản (Hình 4). Sản lượng nuôi cá Trác Nhật Bản tăng từ 150,068 tấn năm 2004 lên 159,741 tấn năm 2005, và giá trị tương ứng tăng từ 1.276 tỷ USD lên 1.359 tỷ USD (Hình 4). Giá cả thị trường của cá Trác Nhật tương đối ổn định và giữ mức 8.50 USD/kg kể từ năm 2001 đến nay.

Cá Bớp – cá Giò.
Cá Bớp (Rachycentron canadum) là một loài quan trọng và đang được nhiều quan tâm chú ý trong nghề nuôi cá biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ mới có Trung Quốc và Đài Loan là hai nước báo cáo số liệu thống kê về sản lượng nuôi cá Bớp. Hiện tượng gia tăng đột biến về sản lượng cá Bớp thể hiện trên hình 5 chủ yếu do năm 2003 Trung Quốc bắt đầu chuyển cách biểu diễn số liệu thống kê theo từng loài thay vì gộp chung sản lượng như trước kia. Do đó, sản lượng nuôi cá Bớp của Trung Quốc trước đó bị gộp vào số liệu chung thì nay được thống kê đầy đủ và cụ thể hơn.
Trong giai đoạn 2004 – 2005, sản lượng nuôi cá Bớp tăng từ 20,461 tấn lên 22,745 tấn (Hình 5). Ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ có hai nước Mayotte và Réunion đóng góp thêm một phần nhỏ (ước tính khoảng 7 tấn) vào tổng sản lượng nuôi cá Bớp toàn cầu. Giá trị sản lượng tương ứng tăng từ 36.2 triệu USD lên 41.2 triệu USD (Hình 5) với giá cả thị trường ổn định khoảng 1.80 USD/kg cá thương phẩm.


Kết luận
Nghề nuôi cá biển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian sắp tới. Trong thập kỷ qua, tổng sản lượng nuôi cá biển toàn khu vực đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm xấp xỉ 10% và gần nhất là 11% từ năm 2004 đến năm 2005 cho thấy nghề nuôi biển vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng. Tính về giá trị sản lượng, sự gia tăng giá trị 9% trong 2 năm 2004 – 2005 cho thấy nhu cầu thị trường vẫn còn khá cao, đặc biệt có chiều hướng tăng nếu so với mức gia tăng giá trị hàng năm (trung bình 4% mỗi năm) trong suốt giai đoạn 1996- 2005.
 




Back
Top