Công nhận giống cây trồng: Gọn nhẹ hơn

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Thời gian qua, DNSX, kinh doanh giống cây trồng cũng như nông dân kiến nghị gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện quy định về khảo nghiệm, công nhận mới giống cây trồng, khiến việc đưa các bộ giống tốt vào SX bị chậm.


Để tháo gỡ vấn đề này, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đang soạn thảo, lấy ý kiến để ban hành các thông tư mới về khảo nghiệm, công nhận mới cũng như công nhận chất lượng giống cây trồng theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn.


Hiện tại, Cục Trồng trọt đã hoàn thành xong 2 Dự thảo thông tư mới quy định về lĩnh vực này để thay thế cho các thông tư cũ gồm: Dự thảo Thông tư quy định về khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới (Thay thế cho thông tư kèm theo Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới) và Dự thảo Thông tư quy định về công nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật (Thay thế cho thông tư kèm theo Quyết định số 41/2007/QĐ-BNN quy định công nhận giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn).


Để hoàn thiện nội dung 2 Dự thảo thông tư mới này, hôm qua (21/9) tại Thái Bình, Cục Trồng trọt đã tổ chức hội thảo nhằm nghe ý kiến góp ý từ phía các DN SX, kinh doanh giống, của nông dân cũng như lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương về các quy định trong thông tư mới trước khi trình Bộ NN-PTNT quyết định chính thức.


Tại hội thảo hôm qua, hầu hết các đại biểu đều thống nhất quan điểm về sự cần thiết phải có thông tư mới thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các tiến bộ về giống mới sớm được đưa ra SX đại trà thay vì quy trình khảo nghiệm, công nhận giống phức tạp như hiện nay. Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP giống cây trồng Thái Bình nêu dẫn chứng: Để đưa một giống lúa mới ra SX đại trà và được phép kinh doanh trên thị trường, hiện nay DN thường phải trải qua quá nhiều "cửa" như khảo nghiệm DUS, khảo nghiệm VCU mất 2-4 năm, sau đó phải được Bộ NN-PTNT cho phép SX thử từ 1 năm trở lên mới được công nhận giống mới chính thức và đưa vào SX đại trà.


Chưa hết- theo ông Báo, đối với giống đã được công nhận chính thức, để đưa vào địa phương nào đó SX đại trà, Cty cung ứng giống lại phải được sự cho phép của UBND địa phương đó để tiếp tục... được khảo nghiệm tiếp! Việc đưa giống mới vào SX lòng vòng như vậy nên không chỉ DNSX kinh doanh giống phải mất hàng tỉ đồng để tiến hành khảo nghiệm, mà nông dân dù rất muốn đưa giống mới vào SX cũng đành chịu vì giống chưa hoàn thành khảo nghiệm. Điều này khiến thời gian đưa giống mới vào SX đại trà bị chậm lại, nhiều lúc giống được đưa ra SX đại trà thì đã cũ. 


Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu đều thống nhất các quan điểm cho rằng, thông tư mới nên lược bỏ phần quy định về thủ tục công nhận SX thử. Thay vào đó, nên đồng nhất các khâu trong quy trình khảo nghiệm như khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm SX, SX thử... thành một khâu duy nhất để rút ngắn thời gian khảo nghiệm...


Theo dự thảo thông tư mới về lĩnh vực khảo nghiệm, công nhận giống mới lần này sẽ có thêm một số điều theo hướng vừa giám sát chặt hơn chất lượng giống mới, vừa tạo điều kiện thông thoáng, gọn nhẹ cho DN SX kinh doanh giống so với thông tư kèm theo Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN như: kiểm tra cơ sở khảo nghiệm giống, bồi thường thiệt hại cho nông dân nếu do giống gây ra... Đặc biệt thông tư có bổ sung quy định về khảo nghiệm, công nhận giống mới đối với cây trồng biến đổi gen. Về dự thảo thông tư mới quy định việc công nhận chất lượng giống cây trồng, đại diện nhiều nhà khoa học cũng như DN SX kinh doanh giống cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về việc, nên mở rộng chỉ định nhiều hơn cho các đơn vị có đủ năng lực và điều kiện cấp chứng nhận chất lượng giống cây trồng thay vì 17 đơn vị trên cả nước như hiện nay.






"Giống tốt, được các tác giả tạo ra thì chính tác giả đó hay DN SX, cung ứng giống đã chịu hoàn toàn trách nhiệm với nông dân. Vì vậy khi giống mới được công nhận, nông dân SX thử thấy tốt và muốn được SX rồi thì phải cho đưa vào SX ngay, không trải qua quá nhiều quy trình khảo nghiệm lãng phí thời gian tiền bạc..." - ông Trần Mạnh Báo.



Ông Hà Quang Dũng, GĐ TT Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia cũng cho rằng, Dự thảo thông tư mới nên quy định rõ hơn về đơn vị được chỉ định cấp chứng nhận giống cây trồng. Theo đó, đơn vị nào được chỉ định thì không được phép cấp chứng nhận chất lượng cho chính sản phẩm giống của đơn vị đó, như vậy thì mới bảo đảm khách quan, tránh tình trạng "mình tự khen mình" như thời gian qua. Về quy định tiền kiểm, hậu kiểm giống trước và sau khi đưa vào SX, nhiều đại biểu đều nêu quan điểm nên bỏ các quy định về vấn đề này để việc kinh doanh giống thuận lợi hơn.


PGS.TS Nguyễn Thị Trâm kiến nghị: "Tiền kiểm đối với giống lúa lai hai dòng bố mẹ chỉ đánh giá được kiểu hình bên ngoài mà thôi. Còn hiệu quả tính dục, ưu thế lai... thế nào, khi đưa ra SX có bị bất dục hay không thì cơ quan tiến hành Tiền kiểm không thể đánh giá được. Tương tự, đối với giống lúa lai 2 dòng NK từ Trung Quốc, cơ quan quản lí của Việt Nam cũng không thể sang tận nơi SX để Tiền kiểm, khi NK về nước SX nếu tiến hành hậu kiểm thì cũng chỉ đánh giá được kiểu hình của giống bên ngoài, còn chất lượng ra sao thì không thể biết... Vì thế, nên bỏ khâu tiền kiểm, hậu kiểm trong trong thông tư mới".


Thông tư mới về công nhận chất lượng giống cũng có thêm nhiều điều khoản theo hướng quản lí chặt chẽ hơn chất lượng giống cây trồng, tránh tình trạng giống kém chất lượng xẩy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top