Cúm gà và biện pháp phòng chống

  • Thread starter tiduta
  • Ngày gửi
Dịch cúm gia cầm, tuy thời gian gần đây ít xảy ra, nhưng do nguồn vi rút vẫn còn trong môi trường. Theo tổng hợp của Cục Thú y, đến nay mới có 28 tỉnh, thành tổ chức tiêm phòng và tiêm được gần 45 triệu con, đạt khoảng 30% so với kế hoạch. Để nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc phòng chống dịch, hạn chế dịch bệnh xảy ra, chúng tôi cung cấp tới bạn đọc một số thông tin về cúm gà và biện pháp phòng bệnh.
Các triệu chứng về hô hấp biểu hiện sớm và khá điển hình như: khẹc, lắc đầu, vẩy mỏ, chảy nước mũi, nước mắt, gà há mồm thở dốc, mí mắt viêm sưng, mặt phù nề và mào sưng to. Mào gà dầy do phù thũng, có nhiều điểm xuất huyết tới da vùng chân. Ngoài ra, gà còn có các biểu hiện đi lại không bình thường, run rẩy, nằm li bì hoặc tụm đông với nhau. Gà bị tiêu chảy nặng, năng suất trứng giảm rõ rệt.
Vi rút cúm gà - Chúng nguy hiểm như thế nào?
Cúm gà là bệnh do vi rút gây hại trên các loại gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng, chim... Gia cầm có thể chết ngay trong cùng một ngày khi triệu chứng bệnh xuất hiện, thậm chí chết ngay khi chưa biểu hiện bệnh. Bệnh lây lan rất nhanh và lây đến đâu thì gây tử vong cho gia cầm tới đó. Bệnh cúm gà sẽ lây từ gà sang người nuôi, người mổ gà và người ăn phải thịt gà bệnh. Trong một số trường hợp WHO đã cho rằng có thể vi rút H5N1 lây trực tiếp từ người sang người. Người mắc bệnh có triệu chứng sốt, ho khan, đau ngực, khó thở rồi suy hô hấp, truỵ tim mạch và gây tử vong nhanh. Nguy hiểm hơn nữa là hiện nay chưa có vắc xin phòng loại vi rút H5N1 này. Vi rút cúm gà có trong dãi, phân của gà bệnh. Trong 1g phân gà chứa một lượng vi rút đủ gây bệnh cho 1 triệu con gà khác. Chúng rất nhỏ, không thể nhìn thấy và phát tán mạnh trong không khí khi phân, dãi gà khô nên dịch bệnh lan nhanh trong không khí và gây bệnh cho gia cầm xung quanh. Các dụng cụ như giầy dép quần áo của người tiếp xúc với gà bệnh cũng là phương tiện gây phát tán bệnh. Bệnh lan từ lãnh thổ này sang lãnh thổ khác thông qua nguồn nước, chim trời và các phương tiện vận chuyển, thậm chí do các phương tiện thông tin di chuyển từ vùng có bệnh sang vùng không có bệnh.
Các chuyên gia nghiên cứu còn cho biết: Vi rút cúm gà còn thấy trong thịt lợn, thịt gia cầm đông lạnh nên khuyến cáo người tiêu dùng phải đun kỹ các loại thịt trước khi ăn, chúng ta rửa sạch đồ dùng và phải rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với thịt sống trong giai đoạn đang có dịch.
Có thể phòng bệnh và khống chế bệnh bằng cách nào?
- Người chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ và phát hiện bệnh trong đàn gia cầm của mình.
- Nhốt gia cầm đang nuôi để chúng không tiếp xúc với gia cầm trong thời điểm dịch đang phát triển.
- Người nuôi cần có các phương tiện tự bảo vệ như quần áo, mũ, găng kính khi chăm sóc, cho gà ăn (thậm chí ngay khi gà chưa thể hiện bệnh).
- Khi phát hiện có bệnh cần khoanh vùng, cách ly vùng dịch ở bán kính 3 km. Nghiêm cấm đưa gia cầm ra khỏi vùng dịch. Đặt các trạm kiểm soát khử trùng các phương tiện vận chuyển, phương tiện giao thông đi lại trên đường từ vùng dịch sang vùng chưa có dịch.
- Tiêu huỷ toàn bộ gia cầm trong vùng, khu vực có dịch (kể cả gia cầm chưa mắc bệnh).
- Việc tiêu huỷ gia cầm phải thực hiện nghiêm túc để chống lây lan bằng hình thức đốt hoặc chôn gà (cho gà vào túi ni lông và chôn sâu 2,5m, sau đó rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng quanh khu vực chôn gà).
- Khử trùng toàn bộ khu vực đã nuôi gia cầm như chuồng nuôi, nơi thả bằng cách cọ rửa và phun thuốc sát trùng, rắc vôi, chống bụi có vi rút phát tán vào nơi ở.
- Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền trên loa đài, các phương tiện thông tin đại chúng, vận động từng gia đình để nông dân ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch cúm gia cầm, vệ sinh chuồng trại và khu vực đang sống.
- Chính quyền địa phương cần có các biện pháp khẩn trương trợ giúp kinh phí cho nông dân có gia cầm bị tiêu huỷ, hướng dẫn kỹ thuật và kiểm soát những hộ nuôi gia cầm để việc tiêu huỷ gia cầm trong vùng dịch hiệu quả, an toàn.

<!--Tac gia-->
Cục Thú y
 




Back
Top