Doanh nghiệp gặp khó trong phát triển nguồn tôm giống

Bị kìm hãm bởi chính sách quy hoạch thiếu đồng bộ, hàng trăm doanh nghiệp vùng tôm danh tiếng ở Tuy Phong (Bình Thuận) phải đối mặt với những vướng mắc, khó khăn.

Ảnh minh họa
sản xuất tôm giốngtại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nơi có nguồn tôm giống được thị trường đặc biệt ưa chuộng nhất nước hiện nay. Nhưng có điều diện tích nuôi đang ngày càng chật hẹp. Thể tích nuôi tôm giống mới chỉ đạt hơn 45.000m3, không thể đủ cung cấp cho thị trường vốn đang rất “khát”.
Mặc dù đã tính đến bài toán duy trì lợi thế, tăng thu từ nguồn tôm giống bằng cách hình thành thêm một vùng sản xuất tôm giống tập trung, nhưng đến nay Bình Thuận vẫn dậm chân tại chỗ bởi những quy hoạch mới hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết: "Từ năm 2010 đến nay đã triển khai một khu quy hoạch mới để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên việc triển khai này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí".
Được biết Bình Thuận cũng nhận được sự hỗ trợ vốn đầu tư 341 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để quy hoạch vùng sản xuất tôm giống giai đoạn 2012 -2015. Năm 2014 tỉnh mới mới quyết định dành 98 tỷ cho giai đoạn đầu nhưng đến nay mới chi 20 tỷ đồng cho việc giải tỏa di dời. Bài toán con tôm hay làm du lịch cũng đang được các doanh nghiệp đặt lên bàn cân.
Ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống tỉnh Bình Thuận cho biết: “Trước kia chính quyền xây dựng quy hoạch dựa trên tiêu chí chưa sát với thực tiễn, do đó dẫn đến tình trạng đất quy hoạch cho du lịch không phát triển, trong lúc ngành nuôi tôm phát triển tốt nhưng vướng quy hoạch không phát triển được”.
Ông Thông còn cho rằng việc phát triển tôm giống còn bị sự chèn ép của nhiều dự án trong đó có cả dự án nhiệt điện tại khu vực. Vị đại diện Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cũng tỏ ý cần sớm có cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền, ngành chức năng với doanh nghiệp để cứu vãn tình thế hiện nay.
Ông Huỳnh Quang Huy cho biết thêm: "Những kế hoạch đặt ra trong sản xuất tôm giống đều bị phá vỡ bởi những thay đổi quy hoạch và điều này đang gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bởi đã đến giai đoạn doanh nghiệp cần bứt phá, cần làm lớn hơn".
Hiện Bình Thuận mới có hơn 100 cơ sở kinh doanh tôm giống nhưng số lượng cơ sở đầu tư đạt chuẩn còn quá ít. Bài toán quy hoạch dang dở đang khiến nguồn sản phẩm đắt giá này có nguy cơ bị lấn át bởi nguồn sản phẩm tôm giống nhập ngoại đang tìm cách xâm nhập ồ ạt vào thị trường.
Nguồn: TTNN Trọng Ninh/ VTV
 




Back
Top