Với nghề truyền thống là làm lược và các sản phẩm chế tác từ sừng trong tay, ông Nguyễn Văn Tâm ở thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã vươn lên làm giàu và trở thành triệu phú trên quê hương.
Cơ sở chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ sừng của ông mỗi năm cho thu hoạch vài trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho các thành viên trong gia đình và lao động trong vùng.
Cơ sở chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ sừng của ông mỗi năm cho thu hoạch vài trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho các thành viên trong gia đình và lao động trong vùng.
Nhờ sử dụng máy móc, công việc sản xuất các mặt hàng sừng nhanh hơn rất nhiều.
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất lược, muôi thìa mỹ nghệ nhà ông Nguyễn Văn Tâm khi cả chủ và thợ đang miệt mài cắt, gọt. Tiếp chúng tôi giữa những đống sừng trâu, bò và những chiếc "phôi" lược đã được cắt sẵn, ông Tâm cho biết: "Để làm ra được một chiếc lược sừng trông đơn giản như thế này phải mất gần 30 công đoạn. Sau khi mua được sừng trâu bò về phải cắt thành ống, hơ ép, réo thành khuôn... rồi mới cắt răng, chà lát, đánh bóng. Nói thì dễ vậy nhưng mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải tinh mắt, khéo tay thì mới làm được. Chỉ cần sơ sẩy một chút là hỏng". Làm lược đã vậy, làm hàng mỹ nghệ thì độ khó còn tăng lên gấp bội vì vậy chỉ những người thợ lão luyện mới làm được bởi vì sừng không phải chiếc nào cũng giống chiếc nào. Tùy từng chiếc sừng mà người thợ sẽ dựa vào đó để hơ, ép, pha cắt và tạo dáng cho sản phẩm. Là một người lính, sau khi rời quân ngũ trở về quê hương, tuy lúc đó có sẵn nghề truyền thống của làng là nghề làm lược sừng trong tay nhưng lúc khởi đầu, mọi công đoạn làm một chiếc lược sừng đều làm theo phương pháp thủ công vừa tốn công sức vừa cho thu nhập chẳng đáng là bao nên ông đã bỏ nghề chuyển sang làm máy cày bừa để tích lũy vốn. Một thời gian sau, khi đã có trong tay số vốn cần thiết, ông quay lại với nghề làm lược sừng truyền thống. Nhưng lúc này, do đã nắm bắt được sự phát triển của công nghệ hiện đại, ông mạnh dạn mở rộng nhà xưởng, thuê nhân công, mua sắm các loại máy móc hiện đại phục vụ cho việc sản xuất như: Máy cán, máy ép, máy cắt sừng… nhằm làm tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Nếu như trước kia làm nhề bằng phương pháp thủ công, mỗi tuần vợ chồng ông chỉ làm ra được một vài sản phẩm thì hiện nay, với máy móc và công nghệ hiện đại, cơ sở của ông đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm sừng mỹ nghệ có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Không dừng lại ở việc chỉ duy trì mỗi một mặt hàng là chiếc lược sừng truyền thống, ông còn tìm tòi và sáng tạo thêm và đưa vào sản xuất các mẫu sản phẩm như muôi, thìa, tẩu thuốc, quân cờ… từ sừng mỹ nghệ với số lượng lớn. Ông Tâm tâm sự: "Mình phải cố gắng làm sao để vừa giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại, vừa có thể vươn lên làm giàu thì mới có thể làm gương cho con cháu noi theo". Hiện nay, cơ sở của gia đình ông Nguyễn Văn Tâm là cơ sở sản xuất và chế tác sừng rất có uy tín trong vùng, nhiều mặt hàng của cơ sở đã có mặt ở khắp nơi trong nước và xuất sang các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Hồng Trần/Danviet