Đồng bằng sông Cửu Long: Quá đà với cá tra

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Đổ xô tranh mua đất bãi bồi, thậm chí còn bỏ cả núi tiền mua vườn cây ăn trái rồi chặt bỏ để đào hầm nuôi cá. Tất cả dường như không thể dừng lại được tham vọng "lên đời" với con cá sau những ngày tháng lận đận lại đang vươn lên đứng ở chót vót lợi nhuận.
Liệu sự quá đà này có trượt theo vết xe đổ của làn sóng chạy theo con bò, con dê hay cây càphê, nhãn, xoài... trước đây: Tranh đua ở đầu vào rồi gục ngã thảm hại ở đầu ra?

Làm giàu tốc hành
Tháng 4, mùa vụ đang cận kề, nhưng nhiều người dân vùng cù lao như vẫn đang ở ngoài cuộc. Tại Mỹ Hoà Hưng (Long Xuyên), Hoà Bình (Chợ Mới - An Giang), Tân Lộc (Thốt Nốt - Cần Thơ), rồi Châu Thành, Cao Lãnh, Hồng Ngự, Thanh Bình (Đồng Tháp), đã thưa dần những cuộc bàn luận đồng áng. Thay vào đó là những thông tin nóng hổi về con đường làm giàu ngắn nhất như câu chuyện về sự kỳ diệu của đôi hài vạn dặm trong chuyện cổ tích.
Dù đã chuẩn bị khá đầy đủ thông tin trước lúc lên đường, nhưng tôi vẫn choáng ngợp với giá đất trong những ngày người người, nhà nhà tranh nhau đào hầm nuôi cá tra, đẩy giá đất cao ngất trời.
Tại cù lao Tân Lộc, giá đất có vị trí tốt đã vượt ngưỡng 200 triệu đồng/công (1.000m2), thậm chí có nơi lên đến 280 triệu đồng/công. Tương tự, các vùng bãi bồi ở An Giang giá đất cũng ngất ngưởng ở mức trên 250 triệu đồng/công.
Vì vậy thay vì phải chịu cảnh một nắng hai sương với lợi nhuận bấp bênh từ củ khoai hột lúa, nhiều người đã chọn lựa sự "đổi đời" chớp nhoáng từ việc chuyển quyền sở hữu mảnh ruộng, vườn của mình.
Thế là từ đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp đến tận cuối nguồn Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang... đã rộ lên phong trào bán đất đào hầm. Chỉ tính riêng xã An Hiệp (Châu Thành - Đồng Tháp) diện tích đào hầm mới đã lên đến trên 50ha và đã thoả thuận xong giá khoảng 80ha.
Không chỉ có đất tốt, mà ngay cả vùng đất "chết", sạt lở đe doạ hàng năm giờ cũng được nhiều người tranh mua. Ông Phan Thanh Dư - Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp - tỏ rõ ngạc nhiên: "Lâu nay chúng tôi xem địa bàn ấp An Thạnh như vùng "đất chết", bởi mỗi năm sạt lở lấy đi 5-7ha, vậy mà bây giờ nhiều đại gia đến tranh mua với giá cả chục triệu đồng/công".
Trước tốc độ phát triển phi mã của việc đào hầm nuôi cá, nhiều địa phương đã ra quyết định hạn chế tình trạng chuyển đổi đất sai mục đích. Thậm chí ở An Giang, Đồng Tháp còn buộc khôi phục lại hiện trạng như trước khi đào bới.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đào hầm cứ như con ngựa bất kham. Dọc theo sông Tiền, sông Hậu, những bãi đất xanh màu cây trái ngày nào, giờ được thay bằng hình ảnh của đại công trường hầm nối hầm. Chỉ tính riêng tại hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp, diện tích hầm cá mới đào đã lên đến 600ha và con số này sẽ còn tiếp tục tăng.
Còn tại An Giang, tuy áp dụng mức phạt lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng trên thực tế việc đào hầm cũng vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Phó GĐ Sở NNPTNT - thừa nhận: "Với mức giá trên dưới 17.000 đồng/kg, người nuôi lãi khoảng 6.000 đồng/kg, quả là cú hích mạnh. Vì vậy can thiệp bằng biện pháp hành chính lúc này không phải cách làm hiệu quả".
Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước cơ sở lại lúng túng với khâu xử lý. Ông Nguyễn Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hoà Hưng, một điểm nóng đào hầm của TP.Long Xuyên - bức xúc: Ban ngày, họ ém binh bất động để "né" lực lượng kiểm tra. Khi màn đêm xuống, mới tiến hành đào bới nên rất khó".
Còn tại Đồng Tháp, nhiều địa phương lại khá mâu thuẫn trong khâu xử lý, khi một mặt vừa lập biên bản vi phạm, một mặt lại đề xuất tỉnh mở rộng vùng quy hoạch để "hợp thức" trường hợp lỡ đào.
Ông Nguyễn Thành Sang - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - bộc bạch: "Thấy dân đào nhiều hầm thì ra quyết định hạn chế, thì nhiều khi không phát huy hết tiềm năng của đất bãi bồi. Bởi đến nay, chúng ta vẫn chưa có căn cứ giới hạn cho từng vùng nuôi cụ thể để cơ quan chức năng làm cơ sở thuyết phục người dân chấp hành".
Đổ tiền tỉ vào vết xe đổ
TS Nguyễn Tri Khiêm - Trưởng khoa Kinh tế-Quản trị kinh doanh, ĐH An Giang - nhấn mạnh: "Đến nay, chúng ta vẫn chưa có khảo sát được nhu cầu tiêu dùng cá tra trên thị trường nước ngoài như thế nào, mà sự trồi sụt liên hồi của con cá tra trong thời gian qua là minh chứng. Vì vậy, việc đổ xô nhau nuôi tự phát càng làm gia tăng nguy cơ rủi ro".
Theo TS Khiêm, nếu không có biện pháp điều tiết hữu hiệu, nhiều khả năng con cá tra sẽ trượt theo vết xe đổ của cây càphê.
Ông Nguyễn Thành Sang - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Đồng Tháp) - âu lo: Khi trái ổi có giá, nhiều người đổ xô nhau phá đất lúa lên vườn trồng ổi. Sau đó, thấy nhãn có giá hơn lại ùn ùn chặt ổi trồng nhãn. Công sức, tiền của bao năm trời bỗng chốc trở thành con số không. Rồi bây giờ đến khi cá tra có giá, họ lại phá bỏ vườn nhãn để lên hầm nuôi cá".
Theo giới chuyên môn, nếu cứ sản xuất chạy theo đuôi kiểu này, chuyện vỡ nợ của người nuôi cá chỉ là vấn đề thời gian, bởi phần lớn đều là "lính mới".
GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng ĐH An Giang - đau đáu: Đành rằng sau khi bán đất, nhiều nông dân trở thành triệu phú, nhưng chẳng chóng thì chày, họ sẽ chới với cái túi rỗng. Bởi với thực trạng hiện nay, rời bỏ đất là nông dân mất tất cả.
                                                (Theo Lao Động, 12/04/2007)
 
Last edited:
Back
Top