Israel chia sẻ "kinh nghiệm xương máu" đối phó với hạn hán

25391641053_97626ba0db_o.jpg

Khách tham quan công nghệ nước ở Israel.
(Ảnh: Bùi Hoàn/Vietnam+)
Nằm giữa khu vực Trung Đông khô cằn, Israel có diện tích hơn 22.000km2, trong đó 60% diện tích là sa mạc và thường xuyên đối mặt với nguy cơ hạn hán.

Bất chấp những thực tế khắc nghiệt này, Israel hiện là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu, không những đáp ứng đủ cho 95% nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường khác.

Để đạt được thành quả đó, Israel đã có chiến lược đúng đắn nhằm bảo tồn nguồn nước, tái chế, phát triển công nghệ và quản lý nguồn nước cũng như nâng cao nhận thức của người dân.

Israel giờ đây không những có đủ nguồn cung nước, mà thậm chí có tiềm năng chia sẻ tài nguyên nước với các quốc gia láng giềng.

Đây là một cuộc cách mạng ấn tượng bởi chỉ cách đây vài năm, quốc gia nằm tại một trong những khu vực khô hạn nhất thế giới này phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng.

Israel đã làm gì để tạo nên bước đột phá quan trọng nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng nước?

Biến sa mạc thành vùng đất nông nghiệp trù phú

Lúa mọc trên sa mạc. (Ảnh: Bùi Hoàn/Vietnam+)​

Ngay từ khi lập quốc năm 1948, Israel đã lên kế hoạch, dự báo và xây dựng hạ tầng, chính sách, nghiên cứu công nghệ để chống hạn.

Mật độ dân cư đông đúc hàng đầu thế giới tập trung chủ yếu ở các vùng đô thị và khu vực duyên hải tạo áp lực rất lớn đối với các nhà hoạch định chính sách.

Israel đã đương đầu với những thách thức về nguồn nước thông qua ba biện pháp: thiết lập các cơ sở lớn để khử muối trong nước biển, khuyến khích người dân tiết kiệm nước và đầu tư vào việc kết nối dân cư với các nhà máy xử lý nước thải cũng như cải thiện khả năng xử lý nước thải.

Israel đã phát triển một hệ thống tái chế, tinh lọc, tích trữ và chuyển nước thải đã qua xử lý nhằm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho nông nghiệp.

Ý tưởng mang tính cách mạng về sử dụng nước thải tái chế cho nông nghiệp được đưa ra từ những năm 1980, khi các nguồn nước tự nhiên tại quốc gia này không đủ để hỗ trợ cho ngành nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Đây là mô hình sinh thái tái sinh khá hoàn hảo.

Nước thải từ các hộ gia đình ở các khu đô thị được xử lý tại các nhà máy, rồi đưa vào tưới cho các cánh đồng kế bên, thậm chí trên cả những vùng đất sa mạc không hề có giọt mưa nào.

Chuyên gia về xử lý nước thuộc công ty đầu tư S&TLanka, ông Israel Teiblum cho biết cách đây 60 năm, Israel đã thực hiện dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất thế giới, với tổng chiều dài 250km, đưa nước từ hồ Galilee ở phía Bắc Israel tới thành phố Tel Aviv và khu vực sa mạc.

Nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi. Israel không dùng nước sạch cho tưới tiêu trong nông nghiệp nữa mà dùng nước tái chế từ nước thải từ các khu dân cư.

Chuyên gia Teiblum nhấn mạnh: "Chính điều này về cơ bản đã biến sa mạc và những vùng đất khô cằn thành khu vực nông nghiệp chính của Israel."

Hiện Israel tái chế tới gần 90% lượng nước thải, trong đó khoảng 75% nguồn nước này (khoảng 400 triệu m3 nước tái chế mỗi năm) được dùng để tưới cho cây trồng, đáp ứng một nửa tổng lượng nước dùng cho nông nghiệp.

Tỷ lệ này cao gấp nhiều lần so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Không dừng lại ở đó, Israel đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có thể tái sử dụng tới 95% lượng nước thải để phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp.

Chìa khóa công nghệ

Cơ sở xử lý nước Shafdan. (Ảnh: Bùi Hoàn/Vietnam+)​

Trong suốt hơn 15 năm qua, Israel luôn đi đầu về xử lý nước thải thành nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, nước này cũng áp dụng các công nghệ biến nước mặn thành nước ngọt dù chi phí khử mặn cao gấp đôi so với chi phí tái chế nước thải.

Bước đột phá trong việc xử lý nước biển là công nghệ màng khử mặn đã giúp giảm đáng kể chi phí, từ 1 USD mỗi m3 xuống còn 40 cent mỗi m3.

Trong vòng 10 năm, Israel đã xây dựng năm nhà máy khử mặn dọc theo bờ Địa Trung Hải tại các thành phố Ashkelon, Ashdod, Sorek, Palmachim và Hadera, với chi phí khoảng 400 triệu USD mỗi cơ sở.

Những nhà máy này do tư nhân sở hữu nhưng được nhà nước đảm bảo bằng việc mua sản phẩm nước và bán cho người dân. Israel hiện sản xuất hơn 300 triệu m3 nước ngọt từ công nghệ này, cung cấp tới 50% nhu cầu về nước uống, nước sinh hoạt và dự kiến tăng lên 70% vào năm 2050.

Đây quả là điều phi thường nếu biết rằng chỉ khoảng 10 năm trước, người dân Israel sống trong cảnh khan hiếm nguồn nước, trong khi giờ đây nguồn cung đã vượt cầu.

Nhờ đáp ứng được nhu cầu về nước, Israel có thể tập trung vào việc lên kế hoạch dài hạn hơn về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị.

Bên cạnh giải pháp chống hạn nói trên, Israel cũng phát triển nhiều công nghệ tiên tiến nhằm tiết kiệm và tăng tối đa hiệu quả sử dụng nước cho nông nghiệp, trong đó được biết đến nhiều nhất là phương pháp tưới nhỏ giọt.

Theo các chuyên gia, phương pháp tưới tràn làm lãng phí khoảng một nửa lượng nước do bay hơi, trong khi tưới nhỏ giọt đạt hiệu quả tới 90-95% lượng nước và tăng sản lượng vụ mùa.

Tại Israel hiện có tới 75% cánh đồng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và 25% còn lại được tưới phun mưa.

Thay đổi nhận thức
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Israel cũng hiểu rằng việc quản lý và đảm bảo an ninh nguồn tài nguyên nước phải được thực hiện một cách toàn diện, bắt đầu từ giáo dục.

Năm 2012, Israel đã phát động một chiến dịch quốc gia rất thành công về tiết kiệm nước, đưa ý thức bảo tồn nguồn nước vào chương trình giáo dục từ bậc mẫu giáo để dạy trẻ về giá trị của nước và cách tiết kiệm nước.

Bên cạnh đó, Israel cũng phát động các chiến dịch quảng cáo nhằm thúc đẩy việc bảo tồn và xây dựng ngành nước riêng xung quanh việc tái chế nước thải.

Người dân được dạy cách sử dụng nước hiệu quả, không lãng phí, cũng như bảo vệ môi trường và các nguồn nước. Điều này đã trở thành triết lý sống của người Israel.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cộng với biến đổi khí hậu và sự suy giảm nguồn tài nguyên, đã ảnh hưởng tới người dân và môi trường khắp thế giới.

Năm 2011, chính phủ Israel đã quyết định xây dựng kế hoạch quốc gia để phát triển xanh, tập trung vào việc tách rời tăng trưởng kinh tế khỏi tác động xấu tới môi trường.

Kế hoạch này dựa trên nhận thức rằng môi trường có thể làm động cơ để thúc đẩy hiệu quả việc tiết kiệm tài nguyên và tăng trưởng kinh tế, cũng như phát triển những ngành công nghệ sạch mới, tạo việc làm, củng cố hạ tầng xã hội và tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Những giải pháp và hướng đi đúng đắn cùng với khả năng xử lý, quản lý và bảo tồn nguồn nước hiệu quả đã giúp Israel chuyển mình từ một vùng đất khô hạn thành quốc gia có nguồn nước dồi dào hàng đầu khu vực.

Trong suốt 60 năm qua, Israel phải gắng sức chống đỡ những mùa Đông khô hạn và mùa Hè nóng bỏng, nhưng quốc gia này giờ đây đã không còn phải lo lắng về nguồn nước nữa, ngay cả khi phải trải qua những đợt hạn hán nghiêm trọng./.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/israel-chia-se-kinh-nghiem-xuong-mau-doi-pho-voi-han-han/377598.vnp
 
Không biết đến khi nào VN ta mới làm được như hiện nay ở Israel? 100 năm, 200 năm hay chẳng bao giờ? Mình thì có cái tâm, có ý thức tiết kiệm nước để bảo vệ môi trường, để không có lỗi với con cháu sao này vì đã sử dụng hoang phí nguồn nước. Mình rất bức xúc khi phải chứng kiến mỗi ngày mẹ vợ của mình bỏ một hai giờ để kéo ống nước đi tưới khắp miếng vườn rộng chừng 1500m2, mùa nắng mà đất lúc nào cũng ẩm ướt mình thấy tiếc cho nguồn nước ngầm đang sử dụng hoang phí quá. Phận là con rể mình đâu thế nào nói gì được.
Về việc tuyên truyền tiết kiệm nước trong nhà trường của ta hiện nay thì không được quan tâm. Vì vậy biết đến khi nào nguồn nước sạch của thiên nhiên mới được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.
( Vài lời ưu tư cùng bài viết trên)
 
Không biết đến khi nào VN ta mới làm được như hiện nay ở Israel? 100 năm, 200 năm hay chẳng bao giờ? Mình thì có cái tâm, có ý thức tiết kiệm nước để bảo vệ môi trường, để không có lỗi với con cháu sao này vì đã sử dụng hoang phí nguồn nước. Mình rất bức xúc khi phải chứng kiến mỗi ngày mẹ vợ của mình bỏ một hai giờ để kéo ống nước đi tưới khắp miếng vườn rộng chừng 1500m2, mùa nắng mà đất lúc nào cũng ẩm ướt mình thấy tiếc cho nguồn nước ngầm đang sử dụng hoang phí quá. Phận là con rể mình đâu thế nào nói gì được.
Về việc tuyên truyền tiết kiệm nước trong nhà trường của ta hiện nay thì không được quan tâm. Vì vậy biết đến khi nào nguồn nước sạch của thiên nhiên mới được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.
( Vài lời ưu tư cùng bài viết trên)
Đầu tư cho Bác ấy cái hệ thống tự động đi ạ!
Em cũng như anh, biết tiết kiệm nước nhiều hơn từ cuối năm 2015, nước dùng ở nhà bếp tận dụng để tưới rau, nhà tuy chỉ có 2 chị em tiền nước chưa đầy 50k, nhưng gần đây đâu đó cứ văng vẳng bên tai nơi này hạn, nơi kia nước mặt thì với mình 1 ít nước thừa cũng thấy phí
 
Góp thêm 1 chút bạn LoanNguyen nhé...
Dưới đây là 8 kỹ thuật tiêu biểu mà nông dân Israel đã áp dụng thành công và được giới thiệu ở nhiều quốc gia trên thế giới:

- Công nghệ tưới nhỏ giọt:

Không giống các công nghệ khác bắt nguồn từ phòng nghiên cứu và cần những phân tích, thử nghiệm cầu kỳ. Công nghệ tưới nhỏ giọt vô cùng đơn giản và được người nông dân Israel sử dụng rộng rãi, qua đó làm nên điều thần kỳ tại Trung Đông.

Theo đó, một hệ thống đường ống nước sẽ được kiểm soát để tưới nhỏ giọt cho từng gốc cây trồng với liều lượng nhất định. Hệ thống này chắc chắn sẽ tiết kiệm nước hơn so với việc phun nước tưới thông thường nhưng vẫn đảm bảo lượng nước cần thiết cung cấp cho cây trồng.

- Lấy nước từ không khí:

Israel cũng sử dụng một kỹ thuật có chi phí khá thấp là xây các hộp nhựa được thiết kế bao quanh gốc cây, qua đó hấp thụ những giọt sương ban đêm và làm giảm 50% nhu cầu nước của cây trồng.

Vào những ngày mưa, các hộp nhựa này nâng cao 27 lần tác dụng tưới nước trên mỗi milimet nước mưa.

Hơn nữa, những hộp nhựa này có thể bảo vệ cây trồng khỏi sự thay đổi nhiệt độ đêm ngày đột ngột tại Israel.

- Hệ thống trồng cây Runoff Agroforestry Systems:

Theo đó, người nông dân sẽ trồng cây xen kẽ với cây lương thực. Như vậy, các rễ cây sẽ giữ được nước cho các hạt giống và những lá cây sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng cho hạt giống cây lương thực.

- Phát triển giống cây trồng mới:

Rất nhiều giống cây trồng chỉ cần ít nước và có thể trồng tại những vùng đất khắc nghiệt dưới ánh mặt trời nóng bỏng. Nhiều tổ chức và công ty công nghệ tại Israel đã liên tục nghiên cứu và cho ra đời những giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ những cũng như khí hậu ở đây.

Năm 1973, hai nhà khoa học Haim Rabinowitch và Nachum Kedar đã phát triển thành công một giống cây cà chua mới có thể chịu được thời tiết nóng và khô hạn, qua đó tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành xuất khẩu rau xanh của Israel.

- Tiêu chuẩn công nghệ cao:

Bên cạnh việc phát triển những giống cây trồng mới, Israel cũng nghiên cứu các công nghệ thích hợp để tăng năng suất cho cây trồng, như đảm bảo điều kiện ánh sáng, thời điểm thụ phấn...

- Tích cực trồng cây:

Việc trồng cây sẽ ngăn chặn được đà sa mạc hóa và cung cấp chất dinh dưỡng cho đất theo một chu kỳ tuần hoàn. Trong 100 năm qua, Israel là quốc gia duy nhất trên thế giới có tốc độ tăng trưởng ròng về diện tích cây trồng.

- Tái sử dụng nguồn nước:

Hệ thống tái sử dụng nguồn nước của Israel có chất lượng hàng đầu thế giới và không một quốc gia nào có thể so sánh.

Khoảng 50% nguồn nước sử dụng của quốc gia này là được tài chế, cao hơn rất nhiều so với mức 20% của nước đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng là Tây Ban Nha.

- Bảo vệ giống cây trồng:

Việc để các giống cây trồng bị thất thoát, hư hỏng là điều vô cùng lãng phí với người dân Israel và họ luôn bảo quản các giống cây của mình ở điều kiện tốt nhất, tránh xa không khí bẩn và ẩm mốc.

Nhiều loại vật liệu và công nghệ đã được phát triển nhằm đảm bảo rằng mỗi hạt giống sẽ được bảo quản tốt nhất và cho ra năng suất cao nhất.
 
Hiện tôi cũng đang thiếu nước cho ao cá, đêm phải đi tranh nhau với mấy người dân bản đầu nguồn nước. Nhưng không có cách nào khác khi mà tiền không có để kiên cố bờ chống rò rỉ và làm mái che chống bốc hơi. Nếu không có mưa trong một tháng tới thì giải pháp của tôi chính là đánh cá lên làm nước mắm.
 
Cần tuyên truyền ý thức tiết kiệm nước một cách sâu rộng hơn, nếu không tương lai gần thôi, người dân sẽ không còn nước ngọt mà dùng. :(
 
Back
Top