Kỹ thuật trồng rừng và các mô hình rừng trồng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển

Kỹ thuật trồng rừng và các mô hình rừng trồng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển




Vùng đất cát và vùng ven biển Việt Nam được hình thành cách đây khoảng 600.000 năm, hiện nay chúng vẫn đang tiếp tục được hình thành và có địa hình bằng phẳng. Đặc điểm tự nhiên ở các vùng đất cát ven biển nước ta vô cùng khắc nghiệt, trong khi đó những vùng này có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển là một giải pháp rất có hiệu quả và đã được thực hiện ở nước ta hàng chục năm nay.

1. Xây dựng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển
- Xây dựng dải rừng phòng hộ xung yếu chống cát bay trên đất cát mới bồi nằm sát bờ biển, đây là loại đất cát trẻ nhất, cần trồng ngay các dải rừng phòng hộ xung yếu với mật độ cây tương đối cao và liên tục với bề dày tối thiểu của đai rừng này là 100 m, chạy song song với bờ biển.
- Xây dựng rừng phòng hộ để cố định các cồn cát di động và bán di động, trên các cồn cát này, cần phải trồng ngay các rừng phòng hộ phủ kín toàn bộ diện tích của các cồn cát di động hoặc bán di động này.
- Xây dựng các dải rừng phòng hộ chống cát bay, trên đất cát ven biển để phát triển sản xuất nông nghiệp, xung quanh các bờ ruộng đắp cao từ 0,8 - 1,2 m với bề rộng của mặt ruộng từ 0,6 - 1 m hoặc rộng hơn nữa theo dạng ô cờ.
- Xây dựng các dải rừng phòng hộ, phục vụ nuôi tôm trên đất cát ven biển.

2. Loài cây
Do phải tạo rừng phòng hộ trên những vùng đất cát khô hạn, nghèo dinh dưỡng với chức năng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển nên việc lựa chọn loài cây trồng rừng rất được quan tâm, đây là một trong những khâu cốt yếu quyết định đến thành bại của công tác trồng rừng.
Một số tiêu chí lựa chọn loài cây trồng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển như sau:
- Cây được chọn trồng trong đai rừng có đặc điểm sinh thái phù hợp khí hậu đất đai của địa phương, để có thể sinh trưởng tốt, ổn định và phải sống lâu.
- Cây được chọn trồng phải có chiều cao nhất định (càng cao càng tốt) để đáp ứng yêu cầu phòng hộ. Nên chọn cây mọc nhanh, mau khép tán, tán lá đều đặn và không rụng lá nhiều về mùa có gió hại.
- Cây dễ trồng, dễ chăm sóc, sẵn nguồn giống, tái sinh thiên nhiên bằng hạt hay bằng chồi tương đương rõ ràng.
- Cây có thể cung cấp gỗ, củi, nguyên liệu xây dựng. Bản thân cây phòng hộ ít gây tác hại cho cây nông nghiệp như rễ không ăn quá sâu, không phải là cây ký chủ sâu bệnh của cây nông nghiệp.
- Cây có bộ rễ phát triển sâu, rộng, khoẻ, vững; lá có cấu tạo hạn chế thoát hơi nước. Tán lá dày, thường xanh.
- Cây sống lâu năm, có khả năng chống chịu với bão, gió cát, khô hạn.
- Cây đa tác dụng, mang lại thu nhập cho chủ rừng mà không ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ.
- Cây không có hoặc ít ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây nông nghiệp.
Các loài cây ưu tiên trồng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển như: keo dây, keo lá liềm, keo lá tràm, keo tumida, phi lao, xoan chịu hạn, bạch đàn trắng Caman, bạch đàn trắng têrê, dừa, muồng đen, keo dậu...
Tuỳ theo vị trí và nhiệm vụ của cây trong đai rừng mà chia ra cây chính, cây bạn, cây bụi, cây ăn quả.

3. Các nguyên tắc xây dựng hệ thống rừng phòng hộ trên đất cát ven biển
- Phải nhanh chóng tạo lập được các dải rừng phòng hộ phân bố hợp lý để chặn đứng nạn cát bay và cố định các cồn cát di động.
- Các hoạt động lâm nghiệp, xây dựng rừng phòng hộ trên đất cát phải đi trước một bước để tạo tiền đề cần thiết cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản trên đất cát.
- Cải thiện được các điều kiện khắc nghiệt của môi trường vùng đất cát.
- Nâng cao được năng suất các loài cây trồng nông nghiệp, vật nuôi và năng suất nuôi trồng thuỷ sản trên đất cát.
- Sức sản xuất và độ phì nhiêu của đất cát không ngừng được cải thiện và nâng cao.

4. Phương thức và kỹ thuật trồng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển
* Trồng các dải rừng phòng hộ xung yếu sát bờ biển, trên đất cát mới bồi ven biển:
- Cây phi lao thích hợp trồng trên dạng đất này. Mật độ trồng 5.000 cây/ha (cây trồng hàng cách nhau 1 m, hàng cách hàng 2 m, chạy song song bờ biển). Kích thước hố đào 40 x 40 x 50 cm.
- Trồng bằng cây con rễ trần, 8 tháng tuổi, cây có chiều cao 70 - 80 cm.
- Bề rộng của dải rừng phi lao trồng tối thiểu là 100 m và dải được trồng liên tục, chạy song song với bờ biển.
- Chăm sóc rừng 1 lần sau khi trồng 3 tháng. Có thể trồng xen một số cây bạch đàn Urophylla, keo lưỡi liềm, hoặc keo lai để nâng cao giá trị kinh tế của rừng.
* Trồng rừng phi lao với mật độ dày để cố định các cồn cát di động và bán di động:
- Trồng bằng cây con rễ trần 12 tháng tuổi với chiều cao của cây 90 - 100 cm. Hố trồng đào sâu tới 50 - 60 cm và có bón phân hữu cơ.
- Trồng vào các ngày mưa trong đầu mùa mưa. Trồng đủ 3 mặt cồn phía gió chính.
- Trên các cồn cát di động ở vùng nhiệt đới bán khô hạn như Nam Trung bộ, khi trồng rừng phi lao để cố định các cồn cát di động, cần thực hiện các kỹ thuật phức tạp hơn:
+ Tuyển chọn các xuất xứ phi lao có khả năng thích nghi được với vùng khí hậu khô hạn.
+ Cây con trồng có đủ tiêu chuẩn để chịu được hạn như: cây con đã đủ 12 tháng tuổi, cây có chiều cao từ 120 - 150 cm, cây đã mộc hoá đều, cứng thân, cứng ngọn, hệ rễ phát triển bình thường.
+ Trồng sâu là biện pháp kỹ thuật đặc biệt cho vùng cát.
* Mô hình nông lâm kết hợp chống cát bay, phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất cát:
- Các hàng cây gỗ trong các dải rừng phòng hộ được trồng với mật độ rất dày 40 x 40 cm hoặc 50 x 50 cm và ít nhất trong mỗi dải rừng phòng hộ phải trồng tối thiểu 2 hàng cây.
- Khoảng 8 - 9 năm, sau khi trồng, có thể bắt đầu khai thác dần các cây trong các dải rừng phòng hộ.
- Đai rừng phòng hộ chính được sắp xếp vuông góc hoặc gần vuông góc với hướng gió hại.
- Khoảng cách giữa các đai rừng chính từ 100 - 120 m, tuỳ thuộc từng điều kiện cụ thể ở từng khu vực.
- Đai rừng phòng hộ phụ rộng 15 m, được bố trí trồng vuông góc với các đai rừng chính.
- Mỗi hố trồng cây lâm nghiệp có kích thước 40 x 40 cm, sâu 50 cm.
- Tiêu chuẩn cây con đem trồng:
+ Phi lao 8 tháng tuổi, có chiều cao 70 - 80 cm
+ Keo lá tràm 4 tháng tuổi, chiều cao 35 - 40 cm
+ Keo chịu hạn 4 tháng tuổi, chiều cao 35 - 40 cm
- Thời vụ: Trồng vào các ngày mưa trong mùa mưa.

TTKNQG
Nguồn:
1/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/e-khcn/ky-thuat-trong-rung-va-cac-mo-hinh-rung-trong-phong-ho-chan-gio-chan-cat-ven-bien/view
2/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/e-khcn/ky-thuat-trong-rung-va-cac-mo-hinh-rung-trong-phong-ho-chan-gio-chan-cat-ven-bien-1/view
 




Back
Top