Làm giàu với cây mãng cầu xiêm

Nhờ biết cách cho cây mãng cầu ra trái theo ý muốn mà quanh năm, mùa nào trái mãng cầu cũng có mặt trên thị trường và thu nhập cả năm của ông Hoàng lên đến hàng trăm triệu đồng. Ông Trần Bửu Hoàng, ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được nhiều người biết đến với mô hình trồng mãng cầu xiêm. Điều đặc biệt là ông biết cách cho cây mãng cầu ra trái theo ý muốn, vì vậy mà quanh năm, mùa nào trái mãng cầu cũng có mặt trên thị trường và thu nhập cả năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Trước đây, khi còn làm ruộng thì với thu nhập của 4 công đất chỉ giải quyết được cho phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình, còn tất cả chi tiêu khác đều phải nhờ vào tiền chăn nuôi hoặc làm thuê thêm của 4-5 thành viên trong nhà.

24_7%281%29.jpg
Ông Hoàng bên vườn mãng cầu xiêm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm
Từ khi chuyển sang trồng mãng cầu xiêm đến nay, gia đình đã khá lên rất nhiều, thu nhập từ 200 gốc mãng cầu xiêm được trồng trên diện tích 3.000m2 đã đem lại lợi nhuận cho ông đến 200 triệu đồng/năm. Ông Hoàng cho biết: “Lúc trước, gia đình tôi vẫn cứ loay hoay bám ruộng của ông bà để sinh sống cộng với việc làm kinh tế nhỏ như nuôi lợn. Nhưng thu nhập từ ruộng lúa đem lại thì đâu có là bao, trong khi con cái lớn đang tuổi ăn tuổi học phải tốn thêm nhiều chi phí nên cuộc sống luôn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Nhưng thời gian sau này, thấy những gốc mãng cầu sau nhà cho trái khá nhiều mới nhận ra vấn đề là cần phải làm một cái gì đó để đổi đời”. Thế là suy nghĩ cải tạo vườn tạp trồng và nhân rộng giống mãng cầu xiêm được ông thực hiện. Dẫu biết rằng cây mãng cầu xiêm không thích hợp với vùng đất phèn, nhưng với sự tìm tòi học hỏi kỹ thuật từ những người đi trước và các phương tiện thông tin đại chúng, cuối cùng ông Hoàng đã thành công. Nếu như giống mãng cầu này thường chỉ thu hoạch từ tháng 9 kéo dài đến tháng 2 hàng năm là kết thúc, thì với cách chăm sóc của mình từ việc đào xới đất, tưới vôi diệt khuẩn đến khâu ghép cành thụ phấn, nên cây mãng cầu của ông cho trái quanh năm. Có lẽ nhờ vậy mà gần 10 năm nay nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào cây mãng cầu này đem lại. Không những thế, khi đã có thu nhập ổn định, ông còn chiết cây giống bán cho các hộ dân lân cận, có khi bán qua đến tỉnh Đồng Tháp. Ông Phạm Văn Hậu- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Long Mỹ, Hậu Giang, cho biết: Mô hình trồng mãng cầu xiêm của gia đình ông Hoàng đã đem lại nhiều hiệu quả, nhất là giúp cho địa phương thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, đây được xem là một hướng đi mới cho nông dân trong vùng.
Minh Đương/Danviet
 
Ở huyện Tân Phú Đông - Tiền Giang thì cây mãng cầu xiêm được gọi là cây "xóa đói giảm nghèo" vì nhờ cây mãng cầu xiêm mà một bộ phận đáng kể người dân ở đây thoát nghèo và trở nên khá giả. Hiện tại diện tích mãng cầu xiêm của huyện trên 400ha và liên tục được mở rộng do giá mãng cầu xiêm được giữ ổn đinh gần 20.000đồng/kg trong thời gian dài (giá hiện tại 15.000đồng/kg). Cây mãng cầu xiêm phát triển khá mạnh trên vùng đất phèn, mặn Tân Phú Đông nhờ gốc ghép bình bát. Ở đây người dân không mua mãng cầu xiêm giống bán sẵn ngoài thị trường (không kiểm soát được phẩm chất cây giống) mà tự trồng bình bát theo đúng vị trí và khoảng cách, khi bình bát có đường kính gốc khoảng 1cm thì sẽ ghép da mãng cầu vào. Cây mãng cầu được chọn là cây có sức sống mạnh và năng suất cao trong vườn.
Nhiều người cho rằng mãng cầu ghép sẽ giảm phẩm chất trái do ảnh hưởng của gốc ghép bình bát. Tuy nhiên, tôi khẳng định quan điểm này không đúng vì thực tế đã cho thấy mãng cầu trên gốc bình bát có năng suất cao hơn hẳn (nhờ bộ rễ mạnh mẽ của gốc bình bát) nhưng phâm chất trái không khác gì so với cây mãng cầu trồng bằng hạt (ghép mãng cầu chua thì ra chua, ngọt thì ra ngọt và đậm đà không kém). Nhưng hiện nay chất lượng trái mãng cầu xiêm bán trên thị trường giảm do người dân chủ động cho trái chín sớm để bán được giá (trái mãng cầu chưa phát triển hoàn thiện, có khi hạt còn trắng) và do dư lượng thuốc trừ sâu (ruồi đục trái và rệp sáp rất thích tấn công cây mãng cầu xiêm nên lượng thuốc và tần suất phun thuốc trừ sâu khá lớn). Thực tế này cho thấy việc sản xuất mãng cầu xiêm ở đây mang tính không bền vững và người dân cũng thấy được điều này nên họ đã sử dụng biện pháp bảo trái bằng túi lưới để tránh sự tấn công của rệp sáp và ruồi đục trái, nhờ đó mà lượng thuốc trừ sâu được giảm thiểu.
 
Back
Top