Ngẩn ngơ nhìn nước bạn: Gia tăng giá trị thương mại của Dừa

Bài học thương mại từ trái dừa Coco Easy
Trái dừa xiêm sau khi hái xuống được gọt sạch và xử lý bằng tia laser với nắp khui cắm vào vỏ quả dừa, khi uống chỉ việc bật nắp như bật lon nước ngọt.

2-1.jpg

Bà Orasa Dissataporn, giám đốc Cục xúc tiến và quản lý hàng hóa nông nghiệp Thái Lan tự hào trước quầy sản phẩm Coco Easy.
Tại triển làm ngành làm vườn Châu Á (HORTI ASIA 2014) vừa diễn ra tại Thái Lan, PV NNVN đã tận mắt chứng kiến nhiều loại nông sản được chế biến rất đa dạng, phong phú để gia tăng giá trị thương mại.

Trong số đó, ấn tượng nhất là nghệ thuật dùng tia laser và nắp khui lon gắn trên từng trái dừa được trưng bày tại triển lãm có thể gợi mở cho DN dừa VN một hướng kinh doanh mới…

Đến với Triển lãm Ngành làm vườn Châu Á (HORTI ASIA 2014) lần này, nhiều người trầm trồ với công nghệ sơn phủ mái nhà kính trong nông nghiệp nhằm giảm 5-7 độ so bên ngoài, hay máy làm bờ be ruộng, hoặc ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của những giống lan mới lai tạo.

Riêng với PV NNVN, gian hàng giới thiệu nông sản chế biến là độc đáo và hấp dẫn nhất. Nói về các sản phẩm tham dự triển lãm lần này, bà Orasa Dissataporn - Giám đốc Cục xúc tiến và quản lý hàng hóa nông nghiệp Thái Lan cho biết: Phần lớn mặt hàng nông sản chế biến là sản phẩm mới tung ra thị trường năm 2014, như viên rau nén nhỏ xíu khi “bung” ra tương đương một bát rau; các sản phẩm chuối sấy khô, chuối sấy bọc sô cô la, bọc trà xanh; hay si rô chuối, si rô gấc; các sản phẩm từ dừa như bột dừa khô, cơm dừa sấy… Đặc biệt, ấn tượng mạnh với mọi du khách là sản phẩm trái dừa tươi có nắp khui với tên gọi “Coco easy”.

Theo đại diện của gian hàng, trái dừa xiêm sau khi hái xuống được gọt sạch và xử lý bằng tia laser với nắp khui cắm vào vỏ quả dừa, khi uống chỉ việc bật nắp như bật lon nước ngọt.

Với phát kiến này, từ nay, người tiêu dùng sẽ không còn nỗi sợ vung dao vạt vỏ trước khi ăn hay uống dừa. Cũng nhờ công nghệ tia laser, vỏ dừa không bị dập nát, vụn vỡ khi người tiêu dùng muốn ăn cơm dừa. Sản phẩm Trái dừa tươi Coco Easy bảo quản được 1 tháng.

4-1-1.jpg
Nhân viên quầy hàng giới thiệu cách sử dụng Coco Easy

Theo số liệu của FAO, thị trường nước dừa trên thế giới đã mở rộng nhanh chóng, trong đó Brazil là một trong những nước xuất khẩu nước dừa chính trên thế giới. Philippines, Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia cũng là nước xuất khẩu nước dừa lớn trong khu vực. Giá xuất khẩu nước dừa cũng có xu hướng tăng từ 0.8 USD/liter trong năm 2008 lên 1.02 USD/liter vào năm 2010, sau đó đến 1.03 USD/liter vào năm 2012.
Người tiêu dùng không chỉ tiện lợi khi sử dụng dừa tươi mà còn được đảm bảo tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Orasa Dissataporn cho biết, trái dừa tươi thông thường tại Thái có giá 20 bath, sau khi xử lý công nghệ laser và có nắp khui, giá thành tăng hơn gấp đôi, khoảng 45 bath (tương đương 1 Euro).

Hiện nhà máy sản xuất dừa Coco Easy có 20 công nhân, mỗi ngày sản xuất được 2.000 trái dừa Coco Easy. Với sự tiện lợi và an toàn của sản phẩm, sau khi tung ra thị trường đầu năm 2014, Coco Easy nhanh chóng được thị trường trong nước (Thái Lan) và nước ngoài như Canada, Nhật và châu Âu đón nhận.
Hiện diện tích trồng dừa Thái Lan khoảng 213.000 ha, sản lượng trên 844 triệu quả/năm.

Trong khi đó, Việt Nam cũng có diện tích dừa lớn với khoảng 150.000 ha, sản lượng 818 triệu quả/năm (tương đương 181.800 tấn cơm dừa). Trong đó riêng khu vực ĐBSCL đóng góp hơn 75 % sản lượng dừa của Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trước đây vào năm 1991, Việt Nam đã có 330.000 ha dừa. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, diện tích dừa Việt Nam suy giảm liên tục. Từ năm 2004 đến nay, diện tích và sản lượng đang dần phục hồi.

Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Dư, nhiều năm qua, những sản phẩm từ cây dừa là nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Trong đó, cây dừa của Bến Tre đã đóng góp nhiều vào tên tuổi thương hiệu của xứ sở, tạo ra giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ 22-25%, kim ngạch xuất khẩu từ 60-90 triệu USD, chiếm khoảng 47% giá trị xuất khẩu, đứng thứ hai sau xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bến Tre.

Tuy nhiên, ngoài 2 sản phẩm có giá trị cao là cơm dừa nạo sấy và than hoạt tính, hầu hết các sản phẩm còn lại được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu, chưa phải là sản phẩm cuối cùng. Để có thể xuất khẩu dừa trái đạt hiệu quả kinh tế cao, việc áp dụng công nghệ laser tạo nên sản phẩm dừa có nắp khui cũng là một hướng đi mới, tạo thêm cơ hội nâng cao giá trị cho trái dừa “made in Việt Nam”.

Phương Chi
Theo NNVN
 


Bài viết hay và rất đáng học hỏi! Hi, mà có chút góp ý: Chủ thớt chú ý cái tiêu đề nha! Sai chính tả kìa..
 
Hy vọng Việt Nam sớm có cái này để dùng
 



Back
Top