Ngành thủy sản châu Á khốn đốn vì dịch bệnh EMS

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
G

Guest

Guest
Trong thời gian gần đây, dịch Hội chứng tôm chết sớm (EMS) hay Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) ở tôm, đã lan rộng ở một số quốc gia châu Á, gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản những nước này. Theo ước tính của Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), thiệt hại do dịch EMS đối với ngành nuôi tôm của châu á - nơi có khoảng một triệu người vẫn sống phụ thuộc vào nghề nuôi trồng thuỷ sản - có thể lên tới khoảng 1 tỷ USD/năm.

Khi dịch EMS tác oai

EMS xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 2009 nhưng ban đầu, phần lớn những người nuôi tôm không chú ý nhiều tới căn bệnh này. Hai năm sau đó, EMS bắt đầu tác oai, tác quái tại các trại nuôi tôm ở Trung Quốc.

Đáng chú ý, tỷ lệ tôm bị chết trong giai đoạn đầu của chu kỳ sinh trưởng do nhiễm phải căn bệnh bí ẩn này cực kỳ cao. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), trong một số trường hợp, tỷ lệ này lên tới gần 100%.

Năm 2011, các trại nuôi tôm tại các tỉnh Hải Nam , Quảng Đông, Phúc Kiến và Quảng Tây của Trung Quốc đã bị thiệt hại tới gần 80% do dịch EMS.

Sau khi hoành hành tại Trung Quốc, căn bệnh này đã lan sang một số nước khác, trong đó có Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, gây ra những thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho những nước này. Chẳng hạn, ở Thái Lan, Hiệp hội Tôm Thái Lan cho biết lượng tôm xuất khẩu của Thái Lan có thể sụt giảm khoảng 50% trong năm nay so với mức trung bình 350.000 tấn/năm.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ của Thái Lan giảm 27%. Mức giảm trong giai đoạn từ tháng 1 đến 4/2013 là 23%.

Thiraphong Chansiri, Chủ tịch Thai Union Frozen Products PCL - công ty xuất khẩu thủy sản lớn nhất Thái Lan, dự báo doanh số và lợi nhuận trong lĩnh vực kinh doanh tôm của công ty này sẽ giảm 30% trong năm nay. Riêng trong quý 1/2013, lợi nhuận của công ty đã giảm 54% xuống còn 674 triệu baht.

Do lo ngại về nguy cơ lan truyền dịch EMS, hàng loạt nước, trong đó có Philippines và Mexico đã cấm nhập khẩu tôm từ các nước bị ảnh hưởng dịch EMS.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 7/2013, chính quyền Cộng hoà Dominican đã quyết định cấm nhập khẩu tôm trong mọi giai đoạn phát triển (tôm giống hay tôm thành phẩm...) và dưới bất kỳ hình thức nào (tôm chế biến hay tôm đông lạnh...) từ Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Bangladesh và Mexico.

ông Luis Ramon Rodríguez, Bộ trưởng Nông nghiệp Dominican cho biết nếu dịch bệnh trên xâm nhập vào nước này bất chấp các biện pháp phòng ngừa mà chính quyền Dominican đã triển khai, nó có thể gây nguy hại cho ngành sản xuất tôm trong nước do bệnh này gây ra tỷ lệ tử vong cao trên đàn tôm.

Gần đây, Trung tâm Thương mại Thái Lan ở Mỹ đã lên cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của nước này về khả năng Mỹ sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm của Thái Lan do lo ngại về dịch EMS.

Bà Pichalai Siripanich, Giám đốc Trung tâm Thương mại Thái Lan ở Los Angeles (Mỹ), cho biết các thượng nghị sỹ bang Louisiana đang cố gắng thúc đẩy một dự luật về việc cấm nhập khẩu tôm nhiễm EMS, với mục đích bảo vệ ngành nuôi tôm của Mỹ.

Dự luật này vẫn chưa được phê chuẩn trong cuộc họp của Thượng viện Mỹ hồi tháng 5. Các thượng nghị sỹ Mỹ đã được chỉ thị tiến hành một phiên điều trần trước khi tái đệ trình dự luật lên Thượng viện trong cuộc họp sắp tới.

Bà Pichalai nói: "Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành tôm Thái Lan. Nếu Mỹ thông qua dự luật này, ngành tôm Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vì, một số khu vực ở Thái Lan vẫn chưa thể xử lý xong dịch EMS."

Không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho những người nuôi tôm ở châu á, dịch EMS/AHPNS đang ảnh hưởng trực tiếp tới hầu bao của người tiêu dùng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ.

Do nguồn cung tôm suy giảm vì dịch EMS , theo tờ Business Standard, giá tôm trên toàn cầu đã tăng chóng mặt. Chỉ trong 4 tuần, giá tôm thế giới đã tăng thêm 1 USD/kg.

Đáng chú ý, tại Mỹ, trong tháng 7/2013, giá tôm đã tăng thêm khoảng 1 USD/pound (1 pound = 0,45 kg). Đây là mức tăng cao chưa từng có từ trước đến nay.

Theo mạng seafood.com, giá tôm bóc vỏ có xuất xứ từ châu á, loại từ 16-20 con/pound, đã tăng từ 7,05 USD lên 8,05 USD/pound. Giá tôm loại từ 21-25 con/pound tăng từ 6,05 USD lên 7 USD/pound. Trong khi đó, loại tôm loại từ 31-40 con/pound thậm chí còn tăng mạnh hơn.

Trong khi đó, theo mạng tin fis.com, tại Nhật Bản, giá tôm hùm đen đã tăng thêm 5 USD lên mức 15,95 USD/kg do tình trạng khan hiếm hàng. Giá tôm chân trắng có xuất xứ từ Indonesia ở Nhật Bản cũng tăng 1,8 USD lên 13,1 USD/kg.

Theo các chuyên gia phân tích, giá tôm có thể sẽ tiếp tục tăng bởi vì, phải mất vài tháng nữa, sản lượng thủy sản này ở Đông á mới phục hồi trở lại. ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty Thủy sản Minh Phú, dự đoán giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung tôm từ các nước xuất khẩu thu hẹp do dịch bệnh EMS lan truyền, trong khi nhu cầu gia tăng từ các khách hàng lớn như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu âu (EU) đã đẩy giá tôm trong các tháng cuối năm nay.

Trong tình hình hiện nay, theo các chuyên gia phân tích, Ecuador và Ấn Độ đang là những nước hưởng lợi lớn bởi họ chưa bị ảnh hưởng bởi dịch EMS. Các nhà máy chế biến tôm ở châu á đang phải phụ thuộc vào nguồn tôm nhập khẩu từ Ấn Độ để thực hiện các hợp đồng mà họ đã ký với các khách hàng châu âu và Mỹ.

ông Anwar Hashim, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Ấn Độ, nói do các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các cam kết với Mỹ, họ phải mua tôm với bất cứ giá nào bởi vì, nếu không thực hiện được các hợp đồng xuất khẩu, họ sẽ bị phạt nặng.

Vẫn còn nhiều bí ẩn

Mặc dù bệnh EMS/AHPNS xuất hiện từ năm 2009 nhưng theo FAO, cho đến nay, chưa ai/tổ chức nào tìm ra nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Điều này khiến cho việc phòng ngừa và chữa trị căn bệnh này trở nên khó khăn hơn.

Theo FAO, vào đầu tháng 5/2013, các nhà khoa học của Đại học Arizona mới chỉ xác định được tác nhân gây ra EMS/AHPNS. Đó chính là vibrio parahaemolyticus, một loại vi khuẩn vẫn thường thấy ở các vùng nước lợ ven biển trên khắp thế giới.

FAO khẳng định đây là bước tiến cực kỳ quan trọng trong quá trình nghiên cứu để tìm ra các biện pháp hữu hiệu nhằm chống lại căn bệnh bí ẩn này.

FAO cho biết mặc dù có một số chủng vi khuẩn hiếm gặp của vibrio parahaemolyticus có thể gây ra bệnh ở dạ dày hoặc ruột của một người nếu người đó ăn tôm hoặc hàu còn sống hoặc chưa chín kỹ nhưng điều may mắn là chủng vi khuẩn visio parahaemolyticus gây ra bệnh EMS không gây hại cho sức khỏe con người.

Chuyên gia an toàn hải sản Iddya Karunasagar của FAO nói: "Vẫn chưa có báo cáo nào về các trường hợp người bị mắc bệnh có liên quan tới EMS, và các phát hiện mới này có xu hướng xác nhận rằng tôm nhiễm bệnh EMS không gây ra rủi ro về sức khỏe cho con người."

Điều đáng lưu ý là EMS tác động tới hai loài tôm vẫn được nuôi phổ biến trên khắp thế giới là tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (P. vannamei). Các dấu hiệu bệnh lý của căn bệnh này gồm tôm uể oải, tăng trưởng chậm, dạ dày và ruột trống rỗng, gan tụy bị teo và nhợt nhạt, và thường xuất hiện các sọc đen. Trong vòng 30 ngày sau khi một ao tôm bị nhiễm căn bệnh này, hiện tượng chết hàng loạt bắt đầu xảy ra.

Theo FAO, đến giữa tháng 5/2013, những quốc gia đã chính thức thông báo về sự xuất hiện của dịch EMS/AHPNS gồm Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Tuy nhiên, FAO cho rằng bất cứ nơi nào nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều phải đối mặt với nguy cơ xuất hiện dịch bệnh này. Nó bao gồm phần lớn châu á và nhiều nước ở Mỹ Latinh cũng như các nước châu Phi (như Madagascar, Ai Cập, Mozambique và Tanzania).

Cùng chung nhận định như vậy, các nhà khoa học thuộc Đại học Mahidol của Thái Lan cho biết dịch EMS có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên thế giới bởi vì, vi khuẩn này sống trong nước tự nhiên.

FAO cho biết có vẻ như việc bệnh EMS lan rộng là do sự gần gũi về mặt địa lý giữa các trại tôm nhiễm bệnh và chưa nhiễm bệnh hoặc do sự di chuyển của các tôm nhiễm bệnh nhưng vẫn còn sống.

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Lightner thuộc Đại học Arizona không thể tái sinh EMS khi sử dụng các mẫu tôm đông lạnh. Điều này cho thấy việc đông lạnh có thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

Do phần lớn hoạt động buôn bán tôm trên thị trường quốc tế đều chủ yếu dưới dạng tôm đông lạnh nên FAO cho rằng có vẻ như nguy cơ truyền nhiễm căn bệnh EMS từ các sản phẩm này là không có hoặc rất thấp./.


THANH TùNG
TTXVN/Vietnamplus
Nguồn:http://uv-vietnam.com.vn/
 


Last edited:


Back
Top