Nghề nuôi dông: Cơ hội làm giàu cho người dân ven biển miền Trung

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
G

Guest

Guest
Ở Ninh Thuận, nhiều gia đình đã thành công trong việc đưa vào chuồng nuôi con dông hoang dã, loài bò sát sinh sống trên những động cát. Nghề nuôi này đã mở ra hướng đi mới cho ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung.
Anh Võ Minh Sơn, một trong những người đầu tiên xây dựng mô hình chuồng nuôi dông thành công ở làng Từ Tâm, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), cho biết: “Mô hình này ví như một động cát tự nhiên được thu nhỏ. Dùng gạch xây cao lên 1,2m; dưới đáy chuồng đổ một lớp xi-măng dày khoảng 2cm (để con dông không thể đào hang chui ra) nhưng phải đảm bảo không bị ứ nước khi trời mưa. Sau đó, đổ lớp cát dày 1m lên đáy chuồng; đắp gò, trồng cỏ… tạo khoảng trống cho con dông chạy nhảy, đào hang. Thức ăn ưa thích nhất của dông là giá đậu, rau và hoa quả. Tỷ lệ sống đạt 95%, đặc biệt chúng sinh sản nhanh, mau lớn và không bị dịch bệnh”.
Anh Phạm Trung Nhớ, ở làng Hòa Thủy, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, xây chuồng trên đồi cát rộng 500m2, cách khu dân cư vài trăm mét. Đầu năm ngoái, anh thả nuôi 10.000 con giống, đến nay đàn dông tăng hơn 70.000 con. Anh Nhớ cho biết: “Dông sinh sản rất nhanh, một lần đẻ từ 6 - 8 trứng; 30 ngày sau trứng nở ra dông con. Và năm kế tiếp đàn dông con trưởng thành, tiếp tục sinh sản. Dông chỉ lên khỏi hang kiếm ăn một lần vào khoảng giữa trưa, thức ăn chủ yếu là các loại rau, quả như cà chua, dưa hồng, rau muống... tươi, được rửa sạch”. Cách đây hai tháng, anh Nhớ thu được hơn 80 triệu đồng khi xuất lứa dông loại I, chủ yếu là dông đực (từ 8 - 12 con/kg) cho các thương lái đến từ TP.HCM, Nha Trang, Bình Dương…
Dan-dong2.jpg
Một "chuồng" nuôi dông ở Ninh Thuận

Theo cách tính của anh Nhớ, mỗi tháng chi ra 3 triệu đồng tiền mua thức ăn cho 70.000 con dông; nếu giá thị trường từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, thì sau một năm chăm sóc, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng. “Khi đưa dông hoang dã vào chuồng nuôi cần chú ý đến 3 điểm: trước hết là diện tích chuồng nuôi phải rộng (trên 200m2); mùa khô phải thường xuyên phun nước tạo độ ẩm; chuồng phải cách xa khu dân cư, tránh sự rượt bắt của mèo, chuột cống. Hiện tại, nhiều chủ trại nuôi không muốn bán dông cái đã sinh sản, chỉ bán giống (3.000 đồng/con bằng ngón tay út), nên dông thịt rất khan hiếm, không đủ cung cấp cho thị trường”, anh Nhớ tâm sự.
Trừ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ở Ninh Thuận hiện có rất nhiều hộ nuôi dông quy mô lớn (từ vài ngàn đến vài chục ngàn con). Dông đạt trọng lượng từ 6 - 12 con/kg, với giá bình quân 120.000 đồng/kg, người nuôi sẽ lãi từ 5 - 100 triệu đồng/chuồng/năm. Nghề nuôi dông ở Ninh Thuận phát triển rất nhanh, nhiều người ở Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định… đến tìm hiểu, mua con giống về nuôi. Mô hình này đã hé mở cơ hội làm giàu cho người dân ven biển miền Trung.
(TNO)  Theo mientrung.com
 


Last edited:


Back
Top