Nghiên cứu SX thử nghiệm rau sạch tại Ðà Lạt

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Với độ cao trung bình là 1.500 m, khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 18 - 20oC, lượng mưa từ 1.400-1.800 mm, đất đai tốt, đã tạo cho Đà Lạt có điều kiện phát triển thành vùng chuyên canh rau, đặc biệt là các loại rau ôn đới. Do trồng rau có thu nhập cao nên những năm gần đây diện tích trồng rau đã mở rộng ra các vùng ngoại vi thành phố Đà Lạt như Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương...
Đến nay, diện tích gieo trồng rau các loại ở Đà Lạt có 4.500 ha, sản lượng rau hàng năm từ 100.000-120.000 tấn bao gồm nhiều chủng loại: cải bắp, cải thảo, cải bông, cà rốt, khoai tây, cà chua, đậu các loại... cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu một phần sang các nước Đông Nam Á, Đài Loan, Nhật Bản.
>
Tuy nhiên, với trình độ thâm canh cao, nông dân quen sử dụng phân cá, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng cao, quy trình chăm sóc thiếu khoa học đã gây ảnh hưởng không ít đến môi trường đất, nước, hệ côn trùng có lợi, dẫn đến chất lượng sản phẩm rau chưa đảm bảo.

Vì vậy, nghiên cứu xây dựng và áp dụng các quy trình sản xuất "sạch" ở quy mô đại trà cho vùng rau Đà Lạt là nhu cầu cấp bách để có sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, từng bước tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Với phương châm đó, trong những năm 1996-1998, Sở khoa học, công nghệ và môi trường Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây thực phẩm Đà Lạt tiến hành điều tra ô nhiễm môi trường vùng sản xuất rau Đà Lạt và nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất rau sạch với mục tiêu: Nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp và công nghệ sinh học, xây dựng các biện pháp kỹ thuật và quy trình sản xuất rau sạch trên quy mô đại trà trên đồng ruộng, phù hợp với điều kiện sản xuất tại Đà Lạt, nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm và suy thoái môi trường (nước và đất trồng trọt), duy trì một nền nông nghiệp sinh thái bền vững.

Nội dung nghiên cứu

- Khảo nghiệm các công thức phân bón hợp lý nhằm giảm thiểu dư lượng nitrat và các kim loại nặng trong sản phẩm rau;

- Khảo nghiệm các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hợp lý và có hiệu quả, giảm thiểu dư lượng nông dược trong sản phẩm rau;

- Xây dựng quy trình sản xuất rau sạch, rau an toàn, phổ biến cho nông dân trên quy mô đại trà.

Vật liệu thử nghiệm

- Đối tượng cây trồng: Tiến hành trên các loại rau chủ yếu có quy mô hàng hóa lớn ở Đà Lạt là cải bắp (giống Shogun), khoai tây (giống 07), cà rốt địa phương, đậu Hà Lan.

- Nước tưới: Nước mưa và nước mạch dự trữ trong hồ tưới.

- Các loại phân bón sử dụng:

+ Phân hóa học: các loại phân đơn chất urea (46 % N), superphosphate (15-16 % P2O5), kaliclorua (60% K2O), MgSO4, vôi (CaCO3), phân hỗn hợp NPK.

+ Phân chuồng: phân bò hoai mục.

+ Các loại phân bón sinh học hữu cơ: Phân bón lá, phân lân hữu cơ vi sinh, phân vi lượng...

- Các loại nông dược sử dụng:

+ Thuốc trừ sâu:

Nhóm pyrethroids: Polythrin, Cyperin, Decis, Cyper.

Nhóm kích thích sinh trưởng: Atabron, Mocab.

Nhóm vi sinh (Bacillus thuringiensis -BT): Centary, Bacterin, Thuricide.

Nhóm lân hữu cơ: Lanate, Regent.

Nhóm carbamate: o­ncol.

+ Thuốc trừ bệnh: Benlate, Curzate, Mancozeb, Daconil, Funguran.

Phương pháp thử nghiệm

Thực hiện thí nghiệm 10 công thức về phân bón có sử dụng các chế phẩm phân bón sinh học hữu cơ và lân hữu cơ vi sinh để gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu dư lượng nitrate, kim loại nặng và 3 công thức thí nghiệm về phòng trừ tổng hợp sâu bệnh trên cây cải bắp mà đối tượng chính là sâu tơ.

Để hạn chế dư lượng nông dược trong sản phẩm, áp dụng quy trình phòng trừ sâu bệnh đơn giản, trong đó hạn chế sử dụng các chế phẩm nông dược có tác dụng nội hấp và chậm phân giải, sử dụng chủ yếu các chế phẩm tác dụng tiếp xúc, phân giải nhanh, ít hoặc không độc với người và gia súc (nhóm pyrethroids, benzyl ureas, Bacillus thuringiensis, đồng và mancozeb).

Kết luận

Môi trường đất và nước mặt vùng rau Đà Lạt tuy có những dấu hiệu ô nhiễm do nhiều tác nhân khác nhau, trong đó có phần do việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng phương pháp, nhưng chưa ảnh hưởng nghiêm trọng và gây ô nhiễm đối với các sản phẩm rau, nên có thể khắc phục bằng các biện pháp kỹ thuật canh tác hợp lý.

Qua thử nghiệm theo các công thức, liều lượng phân bón và các biện pháp bảo vệ thực vật trên đồng ruộng đã có những kết luận:

- Lượng phân đạm 300-400 kgN /ha bón theo tập quán bón phân của nông dân là không cần thiết, gây lãng phí và ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm cũng như tính chất hóa lý của đất. Chỉ cần lượng đạm 150 kg N/ha, có thể đạt năng suất cao (khoai tây trên 20 tấn/ha, cà rốt trên 30 tấn/ha và cải bắp trên 90 tấn/ha), chất lượng an toàn theo quy định Nhà nước.

- Do đất canh tác và nước tưới chưa bị ô nhiễm đáng kể nên dư lượng kim loại nặng trong các sản phẩm rau thử nghiệm đều không vượt mức cho phép. Để đạt dư lượng nitrate dưới ngưỡng cho phép, cần lưu ý sử dụng phân đạm vô cơ ở mức vừa phải và chấm dứt bón thúc càng sớm càng tốt. Sử dụng thêm phân bón lá có chứa các nguyên tố vi lượng Cu, Mn, Mo, Zn, Mg và chất điều hòa sinh trưởng có tác dụng tốt hạn chế tích lũy nitrate trong sản phẩm rau, đặc biệt là rau ăn lá như cải bắp.

- Không nên dùng phân cá (xác mắm) làm phân bón. Nếu biết phối hợp sử dụng phân chuồng và các loại phân bón sinh học hữu cơ thì cải bắp có thể đạt năng suất trên 100 tấn/ha, cà rốt trên 40 tấn/ha, khoai tây trên 20 tấn/ha mà không cần phân cá. Sử dụng phân hữu cơ và sinh học còn có tác dụng bồi dục đất trồng trọt, gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Nếu sử dụng nông dược đúng đắn có thể phòng trừ hữu hiệu sâu bệnh hại trên các loại rau và lượng nông dược trong sản phẩm sẽ ở dưới mức cho phép. Khi sử dụng nông dược trên rau cần bảo đảm nguyên tắc:

+ Sử dụng phối hợp các chế phẩm vi sinh, điều hoà sinh trưởng côn trùng vô hại với người, gia súc và thiên địch tự nhiên;

+ Đối với thuốc hóa học: dùng phối hợp chủ yếu các chế phẩm ít độc, nhanh phân giải và ngưng sử dụng sớm ít nhất 15-20 ngày trước khi thu hoạch hoặc theo khuyến cáo;

+ Trong điều kiện sản xuất nhỏ, cần kết hợp áp dụng biện pháp căng lưới, bắt sâu, tưới nước hợp lý, các biện pháp IPM...

- Cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, khảo nghiệm nhằm chọn các giống năng suất cao, kháng sâu bệnh, xây dựng quy trình sản xuất rau sạch cho một số cây trồng chính tại Đà Lạt và vùng ven như: cải thảo, artichaut, dền củ, đậu cô-ve, cải xanh, cải ngọt, dâu tây, cà chua...

Từ những kết quả nghiên cứu sản xuất thử, dự án đã đề ra được quy trình sản xuất các loại rau sạch chủ yếu cho vùng rau Đà Lạt như bắp cải, khoai tây, cà rốt, đậu Hà Lan theo kỹ thuật trồng trọt đơn giản, sử dụng hợp lý các loại phân bón sinh học hữu cơ, các nông dược ít hoặc không độc hại với người và gia súc, hoàn toàn có thể sản xuất rau sạch với dư lượng nitrate, nông dược và kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép. Năm 1998, Sở khoa học, công nghệ và môi trường Lâm Đồng, Trung tâm nghiên cứu cây thực phẩm Đà Lạt, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp Đà Lạt đã phổ biến và ứng dụng các quy trình này ra diện rộng tại các vùng trồng rau của Đà Lạt. Do quy trình canh tác đơn giản, mức đầu tư thấp, năng suất vẫn đạt cao, giá thành sản phẩm không cao hơn sản xuất truyền thống nên được nông dân hưởng ứng và áp dụng. Trong thời gian tới, Tỉnh sẽ mở rộng việc phổ biến và áp dụng các quy trình sản xuất rau sạch cho các vùng trồng rau trong tỉnh nhằm từng bước hình thành một nền nông nghiệp sạch, góp phần ổn định thị trường và nâng cao đời sống cho nông dân vùng rau.

VÕ KHIẾM

Sở KHCN&MT Lâm Đồng


 


Last edited:


Back
Top