Nguồn vốn tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng (14/7/2016)


“Gần 400.000 tỷ đồng – là tổng dư nợ tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kết quả cho vay nông nghiệp, nông thôn của khu vực ĐBSCL những năm gần đây liên tục tăng, đến 30/6/2016 đạt dư nợ khoảng 190.000 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2015. 7 tổ chức tín dụng tiếp tục cam kết tài trợ vốn cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế -xã hội vùng ĐBSCL, với tổng số tiền cam kết cho vay gần 28.500 tỷ đồng, trong đó 16 hợp đồng tín dụng tiêu biểu với số tiền gần 10.000 tỷ đồng được ký kết tại Hội thảo”- Đó là những con số đưa ra tại Hội thảo Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL” do NHNN, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND tỉnh Hậu Giang vừa tổ chức tại TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Chính sách tín dụng đặc thù

Bên cạnh các chính sách chung đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong vòng 3 năm trở lại đây, NHNN đã ban hành khoảng 44 văn bản chỉ đạo điều hành trong đó có 24 văn bản là chỉ đạo riêng các chương trình dành cho khu vực ĐBSCL như: Cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá lúa trong thời kỳ thu hoạch rộ; Chính sách tín dụng hỗ trợ cho người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh không trả được nợ vay ngân hàng; Chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, Chính sách tín dụng phục vụ phát triển thủy sản, hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ...

14072016_MDEC_a1.JPG


Trước diễn biến ngày càng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, NHNN đã kịp thời ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, theo đó NHNN chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay mới để người dân khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Sau gần 4 tháng triển khai, tại các tỉnh ĐBSCL đã có 4.163 khách hàng được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu là 120,5 tỷ đồng; 9.719 khách hàng được các TCTD cho vay mới ổn định sản xuất với số tiền là 220,37 tỷ đồng.

Những cánh đồng lúa, mía, cây ăn quả héo rũ do bị hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL những tháng đầu năm 2016, nay nhờ sự góp sức những đồng vốn của ngành Ngân hàng để trồng mới đã đang hồi sinh trở lại do được vay mới nguồn vốn để đầu tư sản xuất. Đứng trước khu ruộng trồng mía, lúa của gia đình đầu năm 2016 bị hạn, xâm nhập mặt chết khô, ông Nguyễn Hồng Hận, thôn Thạnh Xuân – xã Hỏa Tiến - TP.Vị Thanh, Hậu Giang bùi ngùi cho biết, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, hai con lớn 17 tuổi , nhỏ 15 tuổi đều đã bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình. 20 triệu đồng vay của Ngân hàng để trồng lúa và mía trên diện tích hơn 40 sào (20.000m2) đã mất trắng bởi bị hạn hán, xâm nhập mặn. Mới đây, ngân hàng cho vay mới thêm 20 triệu đồng tôi mua giống mía, lúa trồng mới để khôi phục lại sản xuất. “Số tiền 20 triệu đồng tuy không lớn, nhưng với hộ nghèo như gia đình tôi là không hề nhỏ, nếu không được tiếp tục vay vốn mới thì tôi không biết lấy đâu ra tiền để mua giống mía, lúa. Mong muốn của gia đình được tiếp tục vay mới thêm 10 triệu đồng để đầu tư trồng mía”, ông Hận chia sẻ.

Hạn, xâm nhập mặn cũng làm chết 600 / 1300 cây cam của hộ ông Phan Văn Em cũng ở thôn Thạnh Xuân –xã Hỏa Tiến- TP. Vị Thanh, Hậu Giang. Giá 01 cây cam giống giá từ 9 đến 12 nghìn đồng. Để giúp gia đình vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, ông Em đã được Ngân hàng tạo điều kiện cho vay mới thêm 20 triệu đồng để mua thêm cây cam giống, phần tiền còn lại đầu tư mua phân bón, chăm sóc số cây cam còn lại không bị chết. Mong muốn của gia đình ông Em được vay vốn thêm 20 triệu đồng để đầu tư trồng cam.

Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định những đóng góp của ngành Ngân hàng trong việc thúc đẩy kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL là rất đáng ghi nhận. Thông qua nguồn vốn tín dụng của các NHTM trên địa bàn, kinh tế khu vực ĐBSCL đã có nhiều bước chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL mà mới chỉ nói đến nguồn vốn tín dụng từ hệ thống NH thì chưa đủ.

14072016_MDEC_a2.jpg



Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, nhiều năm nay ngành Ngân hàng tham gia tích cực vào rất nhiều các chương trình hỗ trợ vốn đầu tư vào các khu vực kinh tế vùng “3 Tây” là: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Tuy nhiên, hiện nay dường như nguồn vốn tín dụng vẫn phải “đi” một cách đơn độc. Bởi cơ chế phối hợp đầu tư tài chính phục vụ liên kết vùng kinh tế chưa được thể hiện một cách rõ ràng.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để đẩy mạnh hơn nữa việc cung ứng nguồn tài chính cho vùng ĐBSCL các TCTD cần phải xác định rõ việc đầu tư cho nông nghiệp – nông thôn, nhất là đầu tư vào các mô hình sản xuất hàng hóa lớn là tất yếu. Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, với gần 30 năm đồng hành, gắn bó cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân, có thể nói, ĐBSCL đã trở thành một phần máu thịt và là địa bàn hoạt động quan trọng, chiến lược đối với Agribank. Tính đến 30/6/2016, dư nợ cho vay của Agribank tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL đạt trên 103 ngàn tỷ đồng chiếm 15,6% tổng dư nợ toàn hệ thống Agribank (hơn 30% thị phần trong khu vực). Trong đó, dư nợ cho vay theo các chính sách, phát triển NNNT và chương trình xây dựng nông thôn mới đạt trên 88 ngàn tỷ đồng, chiếm 85,4% tổng dư nợ. “Agribank tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020 phù hợp với định hướng, mục tiêu của Agribank và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Nghiên cứu mở rộng các mô hình cho vay khép kín, liên kết giữa Ngân hàng - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp”, ông Thành nhấn mạnh.

Minh chứng thành công của mô hình cho vay khép kín là chương trình thí điểm “Chuỗi liên kết dọc cá tra” cho thấy mô hình này đã giải quyết được những khó khăn, bế tắc tồn tại nhiều năm đối với lĩnh vực này. Được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá cả hợp lý, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết cá tra của Công ty TNHH TMDV Thuận An – An Giang giảm chi phí được 500 đồng/kg, có lãi cao gấp đôi so với hộ dân ngoài chuỗi liên kết. Ông Nguyễn Văn Tấn, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang cho biết, chuỗi liên kết còn mang lại cho tôi nhiều lợi ích như được đào tạo, cung cấp giống, thức ăn và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra… và đặc biệt giá thành sản xuất thấp, lợi nhuận cao.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, ngành Ngân hàng tiếp tục đảm bảo cân đối nguồn vốn cho vay khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, nguồn vốn phải đưa vào những dự án hiệu quả. Trong điều kiện nguồn lực tài chính của các DN còn khó khăn, vốn NH sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp DN phát triển.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hỗ trợ DN thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Hiện NHNN mới ban hành chương trình hành động triển khai 2 Nghị quyết trên, trong đó quyết liệt cải cách thủ tục hành chính. Mặc dù các NHTM không phải cơ quan quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính nhưng trong quan hệ với người dân và DN thì thủ tục cho vay, chúng tôi xem như tính chất hành chính. Do đó, ngoài sản phẩm dịch vụ tốt, NH phải tạo thuận lợi về thủ tục trong việc cho vay vốn. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai quyết liệt nhiệm vụ này.

Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh, tất cả các chương trình chính sách tín dụng đã và đang thực hiện ở ĐBSCL sẽ được tiếp tục được triển khai tích cực nhất như: Chương trình cho vay liên kết, chương trình tín dụng xanh...Còn với tín dụng chính sách, thì NHNN cũng đang chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội tích cực cho vay vốn khu vực ĐBSCL. Phải gắn kết với tín dụng thương mại, theo hướng sau khi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thoát nghèo thì người dân chuyển sang vay vốn NHTM để có thể mở rộng sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Thành công trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới với những đóng góp thiết thực, hiệu quả của ngành Ngân hàng đã tạo cho vùng ĐBSCL bước đột phá trên con đường phát triển kinh tế xã hội, đã, đang và sẽ mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân trong vùng; đồng thời là động lực chắp cánh cho vùng châu thổ “Chín rồng” tiến nhanh, tiến mạnh hơn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế thành công, bền vững.

Quang Tùng (agribank.com.vn)
 
Back
Top