Nhà hàng Việt Nam Không tiếp người Việt

  • Thread starter ntkham_tb
  • Ngày gửi
Chính trị - Xã hội
Cỡ chữ : A- A A+
Chia sẻ:

Một cửa hàng ở Mũi Né từ chối khách Việt
05/03/2013 4:00
* Chủ cửa hàng đòi hành hung PV

Chiều qua 4.3, trong lúc tác nghiệp báo chí, chủ nhà hàng Cát Vàng (số 81 Nguyễn Đình Chiểu, P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) đã cho bảo vệ và nhân viên tấn công PV Báo Thanh Niên.

Trước đó, Báo Thanh Niên nhận được email của chị Đinh Thị Thu Hậu (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) với nội dung bức xúc về việc nhà hàng Cát Vàng (viết tiếng Anh là Golden Sand), không cho vào cửa hàng lưu niệm (nằm trong khuôn viên nhà hàng), chỉ vì chị là người Việt.

Trong email (có cả hình ảnh và băng ghi âm), chị Hậu cho biết, vào ngày 11 tháng giêng vừa qua, chị cùng gia đình đến nghỉ ở Mũi Né và đến ăn trưa tại nhà hàng Cát Vàng. "Trong khi chờ đợi các món ăn, chị gái của tôi bước vào phòng bán da cá sấu để mua túi da, nhưng không có ai phục vụ. Lát sau, mẹ và hai vợ chồng em gái tôi bước vào thì nhân viên bảo đang kiểm kê, không tiếp khách. Do lúc này, vẫn chưa có món ăn nên tôi bước vào cửa hàng bán đồ da cá sấu thì nhân viên đến nói thẳng vào mặt tôi "tiệm này không bán cho người Việt Nam".

Tôi thật sự sốc và hỏi lại cô ấy "Tại sao lại có sự đối xử phân biệt như thế?", thì nhân viên này không trả lời. Sau đó, tôi đem chuyện này kể cho mấy chị em gái và nói với nhân viên là chúng tôi muốn gặp ông chủ, nhưng họ nói không biết ông ấy ở đâu. Khi gặp được ông ấy (trong tiệm bán da cá sấu), thì tôi nghe ông chủ này đưa ra lý do vì sợ người Việt Nam giả dạng Việt kiều vào ăn cắp hàng... sợ "gián điệp" của các tiệm khác dò giá cả..." - email của chị Hậu viết.


Nhà hàng Cát Vàng, nơi mà cửa hàng từ chối bán hàng lưu niệm cho người Việt - Ảnh: Quế Hà


Ông Nghiêm Phúc, chủ nhà hàng Cát Vàng

“Không phục vụ vì người Việt xấu tính”

Chiều qua, PV Báo Thanh Niên đến nhà hàng Cát Vàng tìm hiểu sự việc. Khi vừa đến nơi, PV bước đến quầy lưu niệm xin vào mua hàng, thì ngay lập tức bảo vệ (thuê từ Công ty bảo vệ Bình Thuận) chặn lại và nói: "Anh không được vào". Nghe ồn ào, một nhân viên nhà hàng bước ra cũng nói thẳng: “Cửa hàng kiểm kê, anh không vào được”. Đến lúc này, PV xuất Thẻ Nhà báo và đề nghị được gặp ông chủ để hỏi vì sao không phục vụ người Việt, nhưng cũng không được chấp nhận.

Khi PV bước sang bên kia đường (đối diện) để chụp ảnh thì bất ngờ một người mặc quần đùi bước ra (sau này mới biết đó là ông Nghiêm Phúc, quê An Giang, chủ nhà hàng Cát Vàng) chỉ thẳng vào mặt PV chửi: “Thằng kia, là thằng nào mà dám chụp hình nhà hàng của tao. Đuổi nó đi!”. PV tiếp tục chụp thêm 2 tấm hình nữa thì ông này quát bảo vệ: “ĐM!. Nó vẫn chụp kìa, đập chết mẹ nó đi. Đập máy chụp hình của nó cho tao”. Lập tức, một bảo vệ và hai nhân viên lao qua đường định tấn công, buộc PV phải vào ô tô khóa chặt cửa gọi điện báo cơ quan chức năng.

Sau khi nhận điện thoại của PV, Sở VH-TT-DL cử 2 cán bộ thanh tra cùng Công an P.Hàm Tiến đến hiện trường. Trong biên bản làm việc với cơ quan chức năng, ông này cũng không ngại nói rằng sở dĩ không phục vụ người Việt là do người Việt xấu tính. “Tôi đã thống kê rồi. Chưa tới 1% người Việt vào mua hàng. Nhưng hễ cứ có người Việt vào là thể nào cũng có chuyện với nhân viên của tôi, trong khi giao dịch chẳng được gì. Vì vậy tôi không phục vụ người Việt đã 2-3 năm nay rồi”. Trong biên bản thể hiện rõ những lời như vậy và ông này ký ngay không ngần ngại.

Có thể đóng cửa vĩnh viễn

Ngay trong chiều qua, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp đã đến tận nhà hàng Cát Vàng để tìm hiểu vì sao không phục vụ khách Việt. Nhận được thông tin, ông Lê Tiến Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã trực tiếp gọi điện thoại cho PV Thanh Niên chia sẻ và tỏ ra rất bức xúc khi biết được chuyện nhà hàng không phục vụ khách người Việt ở ngay Mũi Né. “Tôi đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL và UBND TP.Phan Thiết phải làm cho ra chuyện này. Nếu quá đáng, có thể đóng cửa vĩnh viễn. Không thể để một nhà hàng cỏn con như thế làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Bình Thuận”, ông Phương nói.

Nguồn Tin Báo Thanh Niên
 


Tạm giữ nhiều đồng hồ, rượu ngoại của Nhà hàng Cát Vàng

(NLĐO)- Chiều 5-3, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận phối hợp với Công an TP Phan Thiết kiểm tra hàng hóa của Nhà hàng Cát Vàng (Golden Sand, ở số 81 Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết – Bình Thuận). Kết quả ban đầu cho thấy có nhiều đồng hồ và rượu ngoại không có nhãn phụ.

CV2_0323c.jpg

Lực lượng chứng năng kiểm tra hàng hóa của Nhà hàng Cát Vàng

Các cơ quan chức năng đã kiểm điểm và tạm giữ 2 mặt hàng này và yêu cầu chủ Nhà hàng Cát Vàng xuất trình hóa đơn chứng minh xuất xứ hàng hóa để có hướng xử lý.

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra, ông Nghiêm Phúc, chủ nhà hàng Cát Vàng, cho biết việc không bán hàng cho khách Việt là có thật. Ông Phúc giải thích: qua thống kê cho thấy ở cửa hàng bán đồ lưu niệm, không có giao dịch nào với khách Việt thành công, nên từ hai năm qua, cửa hàng đã không tiếp khách Việt. “Tôi đã quy định ngầm với nhân viên rằng khi có khách Việt đến thì bảo cửa hàng đang kiểm kê” - ông Phúc thừa nhận.

CV1_e9084.jpg

Nhà hàng Cát Vàng

Cũng theo ông Phúc, nhà hàng ăn uống của Cát Vàng cũng không phục vụ khách Việt, nếu không đặt trước. “Khách nước ngoài đến đợi 30 phút không sao, trong lúc khách Việt thì phàn nàn, gây chuyện. Do đó chúng tôi quyết định không phục vụ khách Việt nếu họ không đặt trước”, ông Phúc nói.

Liên quan đến việc “tấn công” phóng viên Báo Thanh Niên, chiều 4-3, ông Phúc cho biết ban đầu không biết anh Quế Hà là ai và trong quá trình tác nghiệp, phóng viên này đã có những cử chỉ không đúng mực. “Việc đăng tin như thế đã ảnh hưởng đến danh dự của tôi. Sắp tới, tôi sẽ yêu cầu Báo Thanh Niên có lời giải thích về việc này” ông Phúc cho biết.

 
Họ là người Việt , kinh doanh trên đất Việt , mà có thái độ không tôn trọng người Việt ????
Các cơ quan nên đóng cửa cái nhà hàng này lại , đỡ mất thuần phong mỹ tục của dân Việt .
 
Cũng có 1 số khách hàng Việt không lịch sự , nên mới có cơ sự xảy ra. Nhưng không tiếp người Việt trong nhà hàng Việt trên đất Việt là quá đáng
 
Họ là người Việt , kinh doanh trên đất Việt , mà có thái độ không tôn trọng người Việt ????
Các cơ quan nên đóng cửa cái nhà hàng này lại , đỡ mất thuần phong mỹ tục của dân Việt .

Cũng có 1 số khách hàng Việt không lịch sự , nên mới có cơ sự xảy ra. Nhưng không tiếp người Việt trong nhà hàng Việt trên đất Việt là quá đáng

Ngọc đồng ý với hai bác !
Dù gì đi nữa thái độ này là không thể chấp nhận được !
 
Cửa hàng Lưu-niệm:
- Không bán cho người Việt-nam.

Không biết cái thời mà một số điểm du-lịch có 2 giá vé còn áp-dụng không: Giá vé cho người Việt trong nước và giá vé cho người Việt sống ở nước ngoài?

Cửa hàng Lưu-niệm không bán cho người Việt, là do bởi "bán không được"! Mà bán không được là họ nói thật.
Không như các điểm du-lịch của các nơi khác trên thế-giới, khách du-lịch vừa thăm thú cảnh đẹp lạ, vừa mua sắm hàng lưu-niệm rẻ. Nhưng tại Việt-nam thì khác! Chủ tiệm mà cho cả hai loại khách Việt và nước ngoài cùng vào chung, là bán không được hàng. Bởi:
- Khách ngoại-quốc thì không trả giá. Giá do người bán đưa ra, chịu thì mua, không thì thôi, không ai nói gì ai.
- Khách Việt: Biết rõ hàng tốt xấu, giá thật hay giá chặt chém. Nên không thể bán cái vỏ ốc chạm khắc nầy cho khách Việt 10 đô-la mà lại nói giá 100 đô cho khách Tây được!
Mà cái màn trả giá, kỳ kèo của khách Việt, sau đó không mua thì người bán cũng không thể chửi bới, rồi lấy một nắm vàng bạc ra đốt... "phong-lông" trước mặt cả đám khách da vàng, da trắng, da đen được!

Vậy là chủ tiệm chọn cách: "Không tiếp người Việt".
Ôi! Nghĩ theo góc nào cũng thấy đau!
 
Tôi dự đoán nhà hàng này chắc sẽ giải thể, đóng cửa. Rõ là khôn 3 năm dạy một giờ.
không có cái ngu nào giống cái ngu nào, câu nói này ngẫm nghĩ thật có lý.
 

Tôi dự đoán nhà hàng này chắc sẽ giải thể, đóng cửa. Rõ là khôn 3 năm dạy một giờ.
không có cái ngu nào giống cái ngu nào, câu nói này ngẫm nghĩ thật có lý.

Nếu chỉ phạt hành chánh…thì là chuyện nhỏ …nhà hàng nếu phải đóng cửa thì..cho vợ đứng tên mở 1 nhà nhà hàng ngay chỗ cũ với tên khác. Thủ tục chỉ trong …vài giờ…thay bảng hiệu cũng chỉ vài giờ
Nhưng Coi chừng bị truy cứu với 1 tội danh khác…có thể ngồi tù mà còn sạt ngiệp

Thời bao cấp.. đổi tiền mới..mỗi gia đình chỉ được đổi…khoảng 100 ngàn…nhưng toàn tiền chẵn trong đó nhiều nhất là tờ 50 ngàn đồng..,,,rất ít tiền lẻ…
Xã hội hầu như ngưng trệ vì quá ít tiền lẻ…cầm tờ 50 ngàn đồng không thể đi chợ được vì người ta không có tiền lẻ để thối lại…
1 tô phở giá chỉ có vài trăm đồng…khách đưa tờ 50 ngàn đồng là ông chủ…chết ngắc..chỉ có cách cho khách đi luôn khỏi trả tiền….vì không có tiền thối
Có 1 quán phở..sau khi bị quá nhiều…trường hợp cho khách ăn rồi đi luôn…ông chủ bèn treo 1 bảng nhỏ nơi quầy tính tiền : xin quí khách đừng đưa tờ 50 ngàn đồng..
Bữa sau tôi thấy người hàng xóm báo tin ông chủ quán phở bị bắt rồi
Từ đó quán phở đóng cửa luôn…và căn nhà…có chủ mới về ở
Đáng tiếc cho ông vì nếu ông là người cẩn trọng…thì nên đóng cửa quán…
Vì chỉ 1 tháng sau tiền lẻ được phát hành thêm là giao dịch mua bán thành bình thường rồi
Nhưng ông muốn làm ăn ngay…không bỏ phí 1 ngày.. vì thì giờ là vàng bạc và chính cái bảng nhỏ của ông đã bị quy thành tội : từ chối tiền của chính phủ phát hành
 
ÔI!... Mọi vấn đề đều có ít nhất là hai cách nhìn nhận. Hạnh phúc cho ai có được cách nhìn thật thoải mái, khách quan mà không bị phụ thuộc vào bản thân mình. ( Vâng! nhiều người (có tôi) đang chỉ là cố gắng tìm điều đó nhưng chưa được.)
 
theo ý kiến của em củng có 1 số khách việt không đúng .. nhưng mà không bán cho dân việt la điều quá đáng là coi thương người vn chả lẻ người tây họ tốt lắm àk,, tốt mà đem quân qua đánh chiếm việt nam thế hả.. chổ nào củng có người tốt kẻ sấu cả..
 
Có nhiều cửa hàng có mặc cả, và có cửa hàng không mặc cả.
Nếu đã cho mặc cả, bán một mặt hàng cho người này 1 đồng,
cho người khác 100 đồng, thì là tài của người bán hàng.
Nếu bán 1 đồng, cũng đã có lời rồi mới bán. Vì vậy, chính
sách của tiệm do chủ đặt ra để có lời, không thể đổ tội cho
khách hàng mặc cả được.
*
Tiệm cho phép mặc cả, thì nhân viên phải là người đáng tin
cậy. Nếu người bán hàng gian, thì cố bán cho được 1 trăm
đồng, rồi làm hóa đơn 1 đồng thôi, để ăn 99 đồng. Vì cố bán
cao giá, kết quả mất khách, thu nhập của tiệm giảm, dẫn đến
lỗ vì không đủ trả tiền cửa tiệm.
*
Chuyện hành hung người chụp tiệm của mình là vi phạm pháp
luật, có thể kiện, đòi tiền phạt, và cho ngồi tù. Đường phố
là nơi công cộng, càng chụp nhiều càng dễ làm ăn. Ai không
muốn cho chụp, có thể đóng cửa tiệm lại, để cho người ta tha
hồ chụp bên ngoài.
*
Những cách buôn bán và luật lệ trên đây, ở các thành phố lớn
thì bà con rất rành, nhưng ở nơi xa, tỉnh lẻ, thì bà con dần
dần học sau. Bây giờ thì vẫn xảy ra cho bà con mới kinh doanh
tham khảo.
*
 
Ở bên Úc, may-mắn không bị luộm-thuộm về vụ giá bán. Bạn là chủ cửa hàng, bạn muốn bán giá cao ư? Bạn phải suy-nghĩ cẩn-thận trước khi dán giá đó cho món hàng bạn trưng-bày. Đây là trò chơi xì-phé trong buôn-bán: Bạn ra giá thấp, bán chạy; bạn để giá cao, khách hàng nhìn, rồi đi, không nói tiếng nào.
Nhân-viên bán hàng cũng không thể ăn gian, người thu-ngân chỉ cẩn đưa món hàng qua máy quét hàng sọc "Code giá" (Scanner) là ra giá tiền, không thêm, mà cũng chẳng bớt.
Nhưng có phải lúc nàn Scan ra cũng đúng giá trên Code Bar không?
- Không! Tui đã gặp trường-hợp Scan ra, giá cao hơn giá đã ghi trên món hàng.

Có một vài nhu-yếu-phẩm, mà người bán chịu áp-lực của 3 phía như các cây xăng:
- Từ khách hàng: Luôn tìm cây xăng giá rẻ,
- Từ công-ty cung-cấp xăng. Ví-dụ như ở Úc có các hảng xăng như Esso, Caltex, BP thì các hảng nầy luôn áp-lực chủ các cây xăng bán lẻ hạ thấp giá, để bán ra số-lượng lớn, cạnh tranh với các hảng xăng khác.
- Từ chính-quyền: Các cây xăng có quyền quyết-định tăng giá xăng trong mức hợp-lý, do chính-quyền ấn-định mức cho phép tối-đa. Nhưng như đã thưa trên, còn phải cạnh tranh giá với các cây xăng khác, với các hảng xăng khác nữa, nên chuyện tăng giá đơn-phương khiến mất khách hàng: tài-xế sẽ kiếm cây xăng rẻ mà đổ xăng.
Điều nầy dẫn đến tình-trạng: - Các Cây Xăng nghéo tay nhau tăng giá! Được, nếu bạn dám!
Năm ngoái, có mấy cây xăng ra Tòa, bị phạt rất nặng, do họ bị chứng-minh là trước khi tăng giá, họ có thông-đồng với nhau.
Sự thông-đồng tăng giá, khiến cho khách hàng bị đẩy vào tình-trạng không còn tự-do lựa chọn. Và như vậy, hành-động nghéo tay đồng loạt tăng giá không phải chỉ bị khép vào tội trộm, mà hơn thế, đây chính là tội cướp có hệ-thống!

Về mặt nào đó, Úc là một nước Xã-hội Chủ-nghĩa: Người dân được bảo-vệ.
 
Last edited:
em thấy có vấn đề gì bức bối lắm ông chủ mới làm vậy thôi, đồng ý là ổng sai nhưng ổng chắc cũng có 1 phần khổ tâm
 
Mặc cả là cách bán hàng xưa, mà bây giờ chỉ áp dụng với
những mặt hàng độc hiếm. Ai đã bán hàng lối mặc cả, thì
phải chịu cho khách hàng mặc cả, hoặc trả giá thật thấp,
hoặc mặc cả hết ngày rồi không mua, vẫn vui vẻ tươi cười.
Nếu không làm được như vậy, là không biết bán hàng. Nhân
viên làm thuê, có thể ăn lương theo ngày, không bán được
hàng vẫn có lương. Cũng có thể nhân viên ăn lương theo tỷ
lệ hàng bán, thì ai chịu nổi thì ở lại cửa hàng. Ai không
bán được hàng, thì đi tìm việc khác. Vụng múa thì chê đất
lệch. Không bán được hàng, thì đổ tại khách hàng xấu?
*
 
thanks các bác đã tham gia bình luận về vấn đề trên. mong các bác cứ bình luân tiếp. để nhà hàng trên đóng cửa càng nhanh càng tốt. vì việc này đối với người việt của chúng ta thì đây là điều đáng buồn. con người chỉ biết cư xử với nhau bàng tiền thật ?!
 
Cám ơn bác botienthi đã dẫn bài cho đọc. Bài có nhiều chi-tiết đúng là hết sức đáng buồn về cung-cách, về ứng-xử của bà con mình. Nhưng có chi-tiết nầy là khác với bên tui:
Là chủ cửa hàng, ông ta hoàn toàn có quyền quyết định từ chối phục vụ bất cứ ai mà mình không thích. Không pháp luật nào qui định một chủ doanh nghiệp phải phục vụ tất cả mọi người cả.
Bên tui, khi mở một cửa hàng, là đã trở thành nơi công-cộng, nên có bổn-phận phải phục-vụ hết tất cả mọi khách hàng. Chủ tiệm, chủ nhà hàng nào mà từ-chối phục-vụ một người, chỉ vì người đó là đàn ông, đàn bà, là mập quá, ốm quá, là da màu sậm quá... thì sẽ nếm mùi ra Tòa trả giá cho cái sự phân-biệt.
Người mở một cửa hàng, một quán ăn, một Bar rượu thì phải xin phép chính-quyền để được trở thành một nơi công-cộng. Và phải thi-hành nghiệp-vụ của mình: Phục-vụ công chúng. Và phục-vụ một cách không phân-biệt bất cứ khách-hàng nào, nếu vị khách đó tuân-thủ điều-lệ của hàng quán do người chủ đưa ra một cách hợp với luật-pháp.
Tui đã từng từ-chối nhiều khách hàng, nhưng phải lấy cớ là dụng-cụ máy móc... hư! Một đôi khi, có khách-hàng đòi hỏi quá đáng, tui đuổi thẳng tay. Nhiều người nổi giận xung-thiên nhào tới tui. Mặc! Anh ngon, anh đánh tui bên trong cửa hàng của tui đi! Và tui quát đuổi họ ra! Nói nào ngay, về điểm nầy, phải nói là quá nễ người Úc chính-mạch. Họ rất tư-cách.

Nói thêm cho rõ: Một chủ quán nhậu, hay Câu-lạc-bộ, thường có bảo-vệ. Bảo-vệ ở đây được huấn-luyện kỹ và họ có quyền mang súng. Chủ quán thì phải phục-vụ công chúng, nhưng ông ta cũng có quyền đưa ra những điều-lệ riêng. Ví dụ khách:
- Không được mang vũ-khí,
- Không được có hành-vi phạm thuần-phong mỹ-tục,
- Không được mặc quần Short,
- Không được mang dép,
- Không được nói lớn tiếng,
- Không được chữi thề,
- Không được làm mất vệ-sinh...
Người nào vi-phạm, bảo-vệ (security) mời ra ngay. Cưỡng lại là họ dùng áp-lực: 2-3 bả0-vệ nắm cổ kẻ vi-phạm quăng ra lề đường. Thường thì khi bị quăng như vậy, không ai có thể còn lành lặn! Mà hành-hung lại họ, là họ bắn! Đã có nhiều trường-hợp khách hàng bị bắn. Có nhiều trường-hợp bắn chết luôn! Ngay chính tại chỗ tui có 2 trường-hợp bảo-vệ bắn chết khách hung-bạo trước khi cảnh-sát đến. Rồi khi ra Tòa, cũng tha bổng. Không ai bênh-vực kẻ làm rối loạn trật-tự, xâm-phạm đến tự-do của người khác.

Ông chủ trên cấm người Việt là sai. Nhưng nếu khách Việt vi-phạm điều-lệ hợp-pháp nào đó của người chủ, thì khách đó phải bị mời ra. Hung-bạo cưỡng lại thì sẽ bị đối xử tương-xứng.

Chỉ có điều nầy khó: Tại xứ mình, thành-phần cùi không sợ lở hơi nhiều! Tiếp hạng người nầy thì không phải dễ. Trừ trường-hợp có chính-quyền nhúng tay vào, giúp làm sạch bộ mặt xã-hội.
 


Back
Top