Trại nấm của bà Nguyễn Thị Mai (xã Sông Trầu, Trảng Bom) vừa tháo dỡ, đốt bỏ.
Giá các loại nấm tại Đồng Nai hiện đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua, điều này khiến nông dân trồng nấm rơi vào cảnh lao đao. Trước thực trạng cây nấm không cho lãi, người trồng nấm tại tỉnh này đã đồng loạt “treo” trại.
Hiện tại, giá nấm mèo trắng (khô) chỉ ở mức 45.000- 50.000đ/kg, giảm 50.000đ/kg; nấm mèo đen (khô) chỉ đạt khoảng 40.000- 45.000đ/kg, giảm gần 20.000đ/kg so với đầu năm. Giá các loại nấm tươi như nấm bào ngư hiện chỉ còn khoảng 10.000đ/kg, nấm sò chỉ còn khoảng 4000 - 5000đ/kg, giảm khoảng một nửa so với đầu năm.
Với mức giá trên, người trồng nấm đang bị rơi vào tình trạng thua lỗ nghiêm trọng. Ông Trương Công Học, một người trồng nấm cho biết: “Mỗi trại nấm mèo với số lượng 10.000 bịch nấm có chi phí đầu tư khoảng 15-16 triệu đồng nhưng giá nấm thu về chưa đến 7 triệu đồng/trại. Hồi đầu năm gia đình tôi đầu tư 10 trại nhưng do thu không bù chi nên bây giờ tôi quyết định ngừng sản xuất 9 trại”. Ông Học cho biết thêm, giá nấm thời điểm này giảm kỷ lục so với nhiều năm trước.
Ngoài sự tác động bởi giá nấm giảm sút, người trồng nấm đang phải gánh chịu thực trạng nấm thành phẩm tồn đọng và bị hư hỏng do không có đầu ra. Theo nhiều nông dân, nấm mèo khô là sản phẩm tồn kho nhiều nhất và đang bị ẩm mốc, hư hỏng. Bà Nguyễn Thị Huệ, người trồng nấm tại thị xã Long Khánh, Đồng Nai cho hay, gia đình bà hiện đang tồn kho khoảng 1,5 tấn nấm mèo khô các loại. Bị tồn đọng từ đầu tháng 6 đến nay nên nấm bị tác động bởi thời tiết ẩm và bắt đầu bị hư hỏng. Cũng theo bà Huệ, giá nấm giảm và bị hư hỏng do để lâu ngày nhưng nông dân chỉ biết “khoanh tay đứng nhìn” vì không biết bán cho ai.
Cây nấm không cho lãi nên nông dân tại Đồng Nai đang đồng loạt ngưng sản xuất hoặc phá trại để tìm hướng sản xuất mới. Đơn cử như gia đình bà Nguyễn Thị Mai (xã Sông Trầu, Trảng Bom) vừa tháo dỡ, đốt bỏ 10 trại nấm vì thua lỗ. Bà cho biết: “Tôi trồng nấm gần chục năm nhưng chưa bao giờ rơi vào tình trạng thua lỗ nặng như năm nay. Tôi dự tính bỏ nghề trồng nấm, chuyển sang làm nghề khác kiếm sống”. Bà Nguyễn Thị Phương Dung- Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Long Khánh cho hay, nông dân trồng nấm tại địa phương chủ yếu theo thương lái xuất sang thị trường Trung Quốc. Từ nhiều tháng nay việc giao thương bị đình trệ, các đại lý thu gom trong vùng ngừng thu mua nên xảy ra thực trạng người trồng nấm đành “treo trại”.
Theo Dân Việt.