Nuôi cá nước ngọt ở các huyện trung du-miền núi

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
G

Guest

Guest
Trong những năm qua, phong trào nuôi cá nước ngọt ở các huyện trung du - miền núi (TD-MN) ở Bình Định phát triển rất mạnh. Chỉ từ một vài mô hình khuyến ngư, đến nay ở các địa phương này đã có gần 1.500 hộ nuôi với khoảng 1.100 ha.
Quá trình đưa con cá nước ngọt đến với bà con ở các huyện TD-MN là một chặng đường dài đáng ghi nhận của cán bộ Trung tâm Khuyến ngư tỉnh. Ngày đó (khoảng năm 1993-1994), những cán bộ khuyến ngư tỉnh, khuyến nông huyện đã phải đến từng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số để vận động từng người và chuyển cá giống hỗ trợ đến thả cho từng ao nuôi. Tuy đã có sự vận động và giúp đỡ, nhưng bởi bà con vùng cao lâu nay chỉ quen với việc bắt con cá trên sông, trên suối, nên nhiều người không tin con cá có thể nuôi được. Mặc dù vậy, nhưng những cán bộ khuyến ngư vẫn không nản lòng và luôn hy vọng rồi đây người vùng cao sẽ nuôi được cá. Bằng phương pháp "cầm tay chỉ việc", cán bộ khuyến ngư tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt thành công trong đồng bào dân tộc thiểu số. Với những gì tai nghe mắt thấy và lợi ích thiết thực của con cá nuôi đem lại, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện TD-MN trong tỉnh đã rủ nhau đào ao nuôi cá. Bây giờ họ không còn chờ cán bộ khuyến ngư đến vận động nữa mà đã tìm gặp để được chỉ dẫn cách thức đào ao nuôi cá. Nhiều hộ không chỉ đào ao trong vườn nhà, mà còn tận dụng hồ thủy lợi nhỏ, cải tạo các đoạn sông, suối để thả cá nuôi. Đối tượng nuôi cũng không chỉ những giống cá dễ nuôi như trắm, trôi, mè, chép… mà còn các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá chim trắng, cá bống tượng, cá sặc rằn, cá thác lác Campuchia…
>

Hiện nay, tại các địa phương TD-MN trong tỉnh có rất nhiều hộ nông dân xem nguồn thu nhập chính của gia đình là nuôi cá. Chúng tôi về huyện Vĩnh Thạnh, nơi phong trào nuôi cá nước ngọt phát triển mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế khá cao trong tỉnh để tìm hiểu kỹ hơn về phong trào này. Ông Đinh Yang Xin, Phó chủ tịch Hội nông dân huyện, cho biết: "Trong những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Thạnh phát triển rất mạnh. Năm 1994, từ mô hình điểm do Trung tâm Khuyến ngư tỉnh nuôi ở hồ A Vĩnh Sơn, đến nay đã nhân rộng ra toàn huyện với 250 hộ nuôi. Nhờ đó, diện tích mặt nước ao hồ có khả năng nuôi trồng thủy sản trong huyện đều được bà con tận dụng để nuôi cá".


Ông Đinh Ngưa ở làng L7, xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Thạnh) là người đầu tiên của xã đầu tư cải tạo ao hồ gần nhà để nuôi cá. Từ năm 1994 đến nay, mỗi năm ông thu nhập gần 10 triệu đồng từ tiền bán cá. Ông Ngưa cho biết: "Ngày trước tôi chỉ làm rẫy và đi rừng nên kinh tế khó khăn lắm. Từ khi đầu tư nuôi thêm cá đã tăng thu nhập nên kinh tế đỡ hơn. Bây giờ tôi không còn lo đói nữa mà đã có tiền mua được xe máy, ti vi…". Còn ông Đinh K’Răng, ở làng Hà Ri, xã Vĩnh Thịnh, được xem là người nuôi cá nước ngọt thành công nhất Vĩnh Thạnh hiện nay. Năm 1995, ông bắt đầu cải tạo ao nuôi các loại cá: trắm, trôi, mè, chép… Kết quả vụ đầu tiên cho ông một nguồn thu nhập đáng kể và giải quyết được tình trạng thiếu thức ăn tươi trong gia đình. Từ kết quả mang lại như vậy, hàng năm ông luôn cải tạo thêm ao hồ bỏ hoang để mở rộng diện tích. Đến nay ông đã có 2 ao cá với 2.000 m2, mỗi năm thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Nhờ đó, từ một hộ kinh tế khó khăn hiện nay ông đã có của ăn, của để. Ông thổ lộ: "Đây chỉ mới là bước đầu, sắp đến tôi sẽ cải tạo thêm ao hồ và đầu tư thâm canh để có thu nhập cao hơn". Ông Đinh Yang Xin, cho biết thêm: "Không chỉ riêng 2 ông, hiện nay trên địa bàn huyện còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nuôi cá có thu nhập cao như vậy".


Nhờ phong trào nuôi cá nước ngọt phát triển, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện TD-MN trong tỉnh đã thay đổi rõ rệt. Từ mô hình này, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ông Đinh Y Nam, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: "Lâu nay, người dân địa phương vật vã với nhiều mô hình chăn nuôi, nhưng con gì cũng chỉ một thời, sau đó giá cả biến động, khiến không ít người phải trắng tay. Nhưng với lợi thế và sự ổn định đầu ra của con cá nước ngọt như trong thời gian qua, có thể khẳng định đây là mô hình kinh tế lý tưởng nhất ở các huyện miền núi hiện nay".


Phong trào nuôi cá nước ngọt không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Vĩnh Thạnh mà còn ở các huyện khác: An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Vân Canh…, khẳng định hướng đi phù hợp, khai thác tiềm năng ao, hồ nước ngọt khu vực trung du - miền núi. Ông Võ Đình Tâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, cho biết: "Trong thời gian đến, ngoài phát triển diện tích, Trung tâm sẽ hỗ trợ thêm về kỹ thuật và đưa các đối tượng mới như cá chim trắng, cá sặc rằn, cá thác lác Campuchia vào nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn". Với những kết quả đã đạt được và sự hỗ trợ này, hy vọng trong thời gian đến mô hình nuôi cá nước ngọt sẽ mở ra một cơ hội mới cho người dân TD-MN góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.



Phạm Ngọc Thái

 


Last edited:


Back
Top