Phát hiện hội chứng giảm đẻ ở vịt do BYD Virus

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Những giống vịt bị ảnh hưởng (bao gồm vịt Bắc Kinh, ngan và vịt trời thuần dưỡng hay Ma Ya) biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ nhất là giảm đẻ trứng.

* Một Flavivirus mới cùng loài TEMBUSU 

Bắt đầu từ tháng 4/2010, một dịch bệnh nghiêm trọng do virus đã lan rộng khắp các vùng chăn nuôi vịt ở Trung Quốc, ngay cả trong mùa thu, khi mà hầu như không có hoặc rất ít muỗi hoạt động ở miền Bắc Trung Quốc. Những giống vịt bị ảnh hưởng (bao gồm vịt Bắc Kinh, ngan và vịt trời thuần dưỡng hay Ma Ya) biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ nhất là giảm đẻ trứng. 

Ở một số nông trang nuôi vịt, dịch bệnh đang bùng phát, làm mất hoàn toàn khả năng đẻ trứng của vịt. Hơn nữa bệnh dịch do virus này đã gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Dựa vào dịch tễ học, phân lập mầm bệnh, đặc tính của virus và đặc điểm bệnh lý của bệnh do chủng virus phân lập được gây ra (đáp ứng nguyên lý của Koch), các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu có hệ thống để giải trình tự gene của virus và phát hiện rằng bệnh giảm đẻ ở vịt là do một chủng flavivirus mới, có tên là BYD virus, cùng loài với Tembusu virus. 





25082011134450.jpg




Mổ khám cho thấy buồng trứng thoái hóa và xuất huyết nghiêm trọng







Dịch tễ học và đặc điểm lâm sàng

Hội chứng giảm đẻ không rõ nguyên nhân được phát hiện ở một số trang trại nuôi vịt tại miền nam Trung Quốc. Dịch bệnh nhanh chóng lan rộng ra hầu hết các khu vực chăn nuôi vịt đẻ ở Trung Quốc bao gồm rất nhiều tỉnh duyên hải và các vùng lân cận, như tỉnh An Huy, thành phố Bắc Kinh… Bệnh dịch ảnh hưởng tới cả đàn vịt nuôi thịt, vịt giống và vịt hướng trứng.

Do chăn nuôi vịt ở Trung Quốc vẫn theo cách truyền thống nên việc xác định chính xác số lượng vịt bị mắc bệnh là rất khó khăn. Tuy nhiên, theo những thống kê dịch tễ mà nhóm nghiên cứu thu thập được ở tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông và Triết Giang làm thí dụ, tổng số vịt nhiễm bệnh lần lượt ở các tỉnh ít nhất là 810.000; 1.500.000 và 2.100.000 con.

Kết quả cho thấy những đàn nhiễm bệnh có dấu hiệu đặc trưng là giảm ăn đột ngột, cùng với giảm đẻ mạnh. Thực tế, tỷ lệ trứng giảm nghiêm trọng £ 10% trong vòng 5 ngày. Triệu chứng tiêu chảy phân xanh cũng thường xuyên xuất hiện trong đàn. Theo sự tiến triển của bệnh, một số con vịt có biểu hiện đi lại bất thường, khó khăn hoặc bị liệt. Tỷ lệ chết dao động từ 5 tới 15% tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc.

Bệnh lý học

Buồng trứng xuất huyết nghiêm trọng, viêm buồng trứng và thoái hóa trứng non luôn xuất hiện dai dẳng ở vịt mắc bệnh. Một số có biểu hiện nang trứng vỡ và viêm màng bụng, đôi khi lách sưng.

Biến đổi bệnh lý vi thể đặc trưng nhất của bệnh là xuất huyết buồng trứng, nang trứng hẹp và vỡ. Nang vỡ và mô kẽ được chứa đầy thể ái toan hình hạt hoặc tròn. Thể ái toan cũng được tìm thấy trong huyết quản của nhiều cơ quan nội tạng. Tăng sinh tế bào thần kinh đệm ở não, thâm nhiễm tế bào lympho ở màng nhện.

Phân lập và đặc tính của BYD virus

Khi phân lập nhóm nghiên cứu đã loại trừ các nhiễm trùng thông thường do virus hay vi khuẩn đã biết, đặc biệt là virus cúm A và adenovirus EDS-76. Định hướng để phân lập được các tác nhân gây bệnh mới.

Mẫu não và buồng trứng của các con vịt nhiễm bệnh được xử lý để phân lập virus sử dụng phôi vịt và phôi chết sau 3 - 4 ngày gây nhiễm. Thu nước trong xoang niệu và tiếp đời. Ở đời thứ 5, liều gây nhiễm 10-5.8ELD50/ml (Liều gây chết 50% phôi nhiễm). Virus gây bệnh tích tế bào (CPE) trên tế bào xơ phôi vịt sơ cấp (DEFs) sau 36 giờ gây nhiễm.

Các tế bào nhiễm virus bị vỡ, nhân đỏ quan sát được khi nhuộm hematoxylin và eosin (HE). Virus này cũng nhân lên tốt trong tế bào Vero biểu hiện bệnh tích tế bào CPE là tế bào tròn và nổi lên bề mặt của ống nghiệm sau 60 giờ gây nhiễm. Chủng virus phân lập được có tên là Baiyangdian virus (BYDV), là tên của 1 khu vực, nơi mà virus được phân lập ra đầu tiên.

Thử nghiệm công cường độc bệnh

Để khẳng định nguyên nhân dịch bùng phát này, thử gây nhiễm chủng BYDV-byd1 trên vịt đẻ là điều cần thiết. Do vậy, BYDV sẽ thử gây nhiễm với đàn vịt có tỷ lệ đẻ trứng cao. Kết quả cho thấy, ở nhóm gây nhiễm tỷ lệ đẻ trứng giảm rõ rệt từ 60,9% xuống 12% trong vòng 6 ngày gây nhiễm. Mổ khám cho thấy buồng trứng thoái hóa và xuất huyết nghiêm trọng tương tự các trường hợp lâm sàng trong ngày 3, 4, 5, 6 sau khi gây nhiễm. Lách sưng to và viêm màng bụng ở hầu hết vịt nhiễm bệnh. Các phần mô của buồng trứng và não giống như ở vịt mắc bệnh tự nhiên.

Thảo luận

Đây là dịch bệnh nghiêm trọng trên vịt đầu tiên có nguyên nhân từ flavivirus truyền lây giữa người và động vật chưa từng được công bố. Nó có ảnh hưởng to lớn tới nền công nghiệp chăn nuôi vịt, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, nơi mà chăn nuôi vịt rất phổ biến và loài muỗi hoạt động rất nhiều.

Mặc dù vật chủ truyền bệnh của BYDV không được đề cập trong nghiên cứu, nhưng hầu hết (không hẳn toàn bộ) chúng quan hệ rất gần gũi với các chủng virus có khả năng lây truyền qua muỗi hoặc ve. Do đó chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu sau này (ví dụ sự phân lập của BYDV từ muỗi nên được thực hiện). Tuy nhiên, lưu ý rằng virus truyền nhiễm trong hội chứng giảm đẻ ở vịt vẫn tiếp tục bùng phát vào mùa thu, khi mà sự hoạt động của muỗi ít đi ở phía Bắc Trung Quốc.

Flavivirus được biết tới rộng rãi nhờ có bản chất truyền lây mạnh mẽ ở cả người và động vật. Trên thực tế, chúng có thể là nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho cả người và động vật. Bệnh truyền nhiễm trên gia cầm do flavivirus không phổ biến, như virus West Nile và virus viêm màng não truyền nhiễm ở gà tây Israel nhiễm trên gà tây và ngỗng. Thêm nữa, một chủng flavivirus châu Phi mới nổi gần đây, Bagaza virus đều là nguyên nhân gây ra ốm ở người và lây nhiễm cho các loài chim ở châu Phi.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bài báo đầu tiên về sự nhiễm của flavivirus trên vịt gây hậu quả nghiêm trọng và những phát hiện có ý nghĩa trong tương lai cần được chú trọng. Những phát hiện của các nhà nghiên cứu cho thấy rằng BYDV có liên quan rất gần với Tembusu virus. Tembusu virus ban đầu được phân lập từ muỗi từ rất sớm (1955), nhưng sự ảnh hưởng của nó tới sức khỏe của người hay động vật chưa từng được thông tin một cách đầy đủ.






Với việc phân lập được thường xuyên, flavivirus tiếp tục là nỗi đáng sợ cho sức khỏe con người và ngành chăn nuôi. Sự lan rộng của virus sốt xuất huyết, virus West Nile và virus ở rừng Kyasanur ở phía nam bán cầu, cũng như sự bùng phát của những virus mới (như BYDV, Sitiawan virus, Bagaza virus và sự tái xuất hiện của virus sốt vàng và virus viêm não Nhật Bản) cho thấy một điều rằng flavivirus không thể coi thường, không hề đơn giản. Sự giám sát trong tương lai nên được đề cao.







Tuy nhiên, cả sự tồn tại các kháng thể trong cơ thể người chống lại Tembusu virus và một chủng virus có quan hệ rất gần (Sitiawan virus) chủng mà gây bệnh viêm não và sinh trưởng chậm ở gà, gia tăng mối quan tâm đặc biệt về BYDV như là một tác nhân nổi bật. Trong mọi tình huống, mối liên quan của Tembusu virus, Sitiawan virus và BYDV đòi hỏi có những điều tra, nghiên cứu sâu hơn.

Ý nghĩa về sức khỏe cộng đồng của việc phân lập được BYDV như là một tác nhân gây bệnh ở vịt không thể xem nhẹ. Sự lây nhiễm tiềm tàng hoặc không có triệu chứng điển hình ở người cần được kiểm tra càng sớm càng tốt bởi mức độ tiêu thụ vịt ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc cực kỳ lớn. Sự liên hệ rất gần giữa người và vịt hoặc các sản phẩm của vịt là không thể tránh khỏi. Vì thế, mối lo ngại cho sức khỏe cộng đồng có thể xảy ra và phát triển chế tạo phòng BYDV nên được quan tâm.

Thực tế, một vài loại vacxin chế tạo thành công dành cho flavivirus đã được phát triển và được sử dụng rộng rãi (ví dụ virus sốt vàng và virus viêm não Nhật Bản), vì vậy một loại vacxin cho BYDV là hoàn toàn khả thi.








 
Last edited:
Back
Top