Quảng Bình: Cây lạc mang lại hiệu quả kinh tế cao

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Trong 5 năm qua, diện tích trồng lạc ở các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đều tăng cao mỗi năm. Vụ ĐX vừa qua, Quảng Bình gieo trồng được khoảng 5.000ha lạc, trong đó huyện Bố Trạch có diện tích lớn nhất với hơn 1.200 ha, tiếp đến là huyện Minh Hóa 1.050ha...; huyện Lệ Thủy từ một địa phương chỉ có 200ha đất trồng lạc, sau 5 năm đã nâng lên 510 ha.


Với năng suất dao động từ 16-18 tạ/ha, thì mỗi năm các địa phương trong tỉnh thu được xấp xỉ 9.000 tấn lạc. Vụ hè thu năm nay mặc dầu cây lạc không phải là cây trồng chính, nhưng các địa phương vẫn thực hiện được 1.700ha, dự kiến năng suất 16 tạ/ha. Hiệu quả trồng lạc cao hơn hẳn cây lúa, cây ngô nên nhiều địa phương xem cây lạc là cứu cánh để thoát khỏi đói nghèo.


Chúng tôi có dịp đến huyện Minh Hóa đúng vào thời điểm kết thúc vụ thu hoạch lạc năm 2009. Toàn huyện gieo trồng được 1.050ha, tăng 70ha so với năm trước, với năng suất bình quân 18 tạ/ha, tăng 2,5 tạ/ha so với cùng kỳ. Cây lạc ở Minh Hóa trồng tập trung ven sông suối và các thung lũng đất pha cát. Vùng trọng điểm lạc của huyện là các xã Hóa Phúc, Hóa Sơn, Trung Hóa, Minh Hóa. Xã vùng cao Hóa Phúc được xem là địa phương điển hình về trồng lạc của huyện. Năm 2000, Hóa Phúc bắt đầu trồng thử 5ha ở thôn Kiên Trinh và thôn Si trên vùng đất trồng màu. Đến nay diện tích gieo trồng vụ lạc xuân hè này toàn xã có 650 ha, năng suất bình quân 22 tạ/ha. Tổng sản lượng 143 tấn, trị giá gần 2 tỷ đồng. Nếu chia bình quân riêng cây lạc, mỗi hộ trong xã đã thu hơn 15 triệu đồng, trong đó có 3 hộ đạt trên 50 triệu đồng.


Nhận thấy hiệu quả từ cây lạc mang lại khá cao, vừa qua Sở NN-PTNT Quảng Bình đã đưa vào kế hoạch năm 2009 mở rộng diện tích lạc thêm 700 ha so với năm 2008. Đồng thời Sở chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh phối hợp với các Trạm Khuyến nông huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa thực hiện “dự án xây dựng mô hình nâng cao năng suất cây lạc của tỉnh”. Năm trước, dự án được tiến hành trên diện tích 100ha với lạc L14 và MD7, trong đó Lệ Thủy 30 ha, Tuyên Hóa và Bố Trạch mỗi địa phương 35 ha với 1.400 hộ tham gia mô hình. Một yếu tố kỹ thuật mang lại năng suất cao cho cây lạc là gieo giống đảm bảo mật độ 35-40 cây/m2, sử dụng Tisuper phun cho lạc để hạn chế một số loại bệnh, kích thích sự sinh trưởng nhằm tăng năng suất. Tiếp đó, khi tiến hành gieo trồng, lúc bón thúc lần 1 và lần 2 cán bộ kỹ thuật trực tiếp có mặt tại ruộng lạc để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.


Vụ lạc năm nay, nông dân Bố Trạch áp dụng biện pháp gieo trồng mới 36-40 cây/m2 đã cho năng suất 24,5 tạ/ha, nếu so với phương pháp gieo trồng cũ thì năng suất tăng thêm 8 tạ/ha. Sau khi trừ các chi phí như giống, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận thu được từ mỗi ha mô hình đạt khoảng 22-27 triệu đồng. So sánh với ruộng lạc trồng theo tập quán của nông dân và thực hiện theo mô hình trình diễn thì làm theo mô hình mới mang lại hiệu quả cao hơn từ 5-10 triệu đồng/ha.


Tuy nhiên, cây lạc của Quảng Bình năng suất còn thấp, chỉ đạt bình quân 18 tạ/ha, trong lúc bình quân năng suất các tỉnh lân cận là Hà Tĩnh, Nghệ An đạt 30 tạ/ha. Để đưa cây lạc trở thành cây chủ lực cần đầu tư kỹ thuật đẩy mạnh thâm canh lạc bằng biện pháp tổng hợp: bảo đảm mật độ trồng 35-40 cây/m2, bón phân đầy đủ đúng quy trình, đặc biệt là đạm và kali, tăng tỷ lệ giống kỹ thuật bằng các giống lạc đã trồng mang lại năng suất cao và các giống mới như Trạm dầu 207, L23...











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top