Tận dụng vỏ cà phê làm phân bón

  • Thread starter tiduta
  • Ngày gửi
Trong sản xuất nông nghiệp nói chung cũng như trong việc trồng và chăm sóc cà phê, phân bón có một vai trò to lớn và là một trong bốn yếu tố không thể thiếu được đối với cây trồng. Cà phê là cây lưu niên, cho sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, chủ yếu cho xuất khẩu. Là loại cây trồng chỉ thích hợp với một vài loại đất nhất định, nhất là đất đỏ bagian. Tây Nguyên từng là thủ phủ của cây cà phê, từng là cây kinh tế mũi nhọn của các tỉnh thành ở Tây Nguyên, nhất là với các tỉnh Dak Lak, Gia Lai… Cũng như với nhiều loại cây trồng khác, phân bón cho cà phê phải đầy đủ, hợp lí thì mới mong có năng suất cao…
Trong thực tiễn sản xuất, người trồng cà phê thường sử dụng phân vô cơ (phân hoá học) để bón cho cây cà phê là chủ yếu. Vẫn biết rằng trong phân vô cơ cũng có các thành phần dưỡng chất quan trọng, các chất vi lượng bổ sung cho cây cà phê, nhất là ở giai đoạn đầu khi mới trồng. Song phân vô cơ lại có mặt hạn chế của nó như làm cho đất chai cứng, kiềm hoá đất, chất vi lượng (sắt, đồng, kẽm…) không dồi dào. Mặt khác, sử dụng nhiều phân vô cơ sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến môi trường sống của con người. Đó là chưa nói đến phân bón giả thì tác hại của nó đối với cây trồng là rất lớn… Trong khi đó, dùng các loại phân hữu cơ thì lại tốt cho cả cây và đất. Nó không chỉ tăng lượng muối khoáng, chất vi lượng mà còn làm đất tơi xốp, góp phần cải tạo đất. Điều muốn nói là trong thực tiễn sản xuất, nhiều địa phương ở Tây Nguyên có một lượng vỏ cà phê dồi dào đã không được sử dụng hay không được sử dụng làm phân bón cho cà phê một cách có hiệu quả nhất, thậm chí, nhiều năm trước người ta còn đổ bỏ hay chỉ đốt lấy tro. Những năm gần đây, người ta đã biết sử dụng nó làm phân bón. Nhưng có thể nói cách thức chủ yếu là bón trực tiếp cho cây hoặc ủ một thời gian rồi đem rãi lên vườn cà phê làm phân bón. Cách sử dụng vỏ cà phê như vậy là ít có hiệu quả, thậm chí còn vô tình tạo thêm độ PH cho vườn cây…
Vỏ cà phê, nếu được sử dụng đúng cách, hợp lí thì nó sẽ là một nguồn phân hữu cơ-vi sinh rất tốt cho cây trồng mà ở Tây Nguyên, nó còn ở dạng “nguyên liệu” rất lớn. Nhưng vấn đề chính là ở chỗ sử dụng vỏ cà phê bằng cách nào để có hiệu quả nhất? Có lẽ đây cũng là điều trăn trở của nhiều người, nhất là những người trong cuộc. Để việc sử dụng và tận dụng vỏ cà phê làm phân bón có hiệu quả, xin mạo muội nêu lên một vài cách xử lý hầu giúp người trồng cà phê có thể vận dụng vào thực tiễn sản xuất. Trước hết là bằng cách ủ đống. Vỏ cà phê được ủ thành đống với vôi và phân lân. Cả ba thứ ấy được trộn đều theo tỉ lệ thích hợp, thường là 8 phần vỏ cà phê và 2 phần vôi và lân. Nếu xử lý bằng cách này thì độ pH sẽ được giảm đáng kể. Đồng thời còn tạo thêm chất khoáng, các chất vi lượng khác cho đất… Ngoài ra, còn có cách làm khác, hiện nay trên thị trường Đak Lak (ở một vài địa phương như huyện CưMgar, TP Buôn Ma Thuột…) đã có loại men vi sinh ủ chất hữu cơ làm phân bón là KOM – BIO-X do Công ty TNHH – Thương mại Hoàng Gia (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) sản xuất. Đây là một loại phân vi sinh có thể ủ với vỏ cà phê hoặc rơm rạ với phân chuồng (nếu có), lân, vôi bột và đạm urê để làm phân bón rất tốt cho cây trồng nói chung và cây cà phê nói riêng theo khuyến cáo cách sử dụng của nhà sản xuất…
Quy trình ủ như sau:
Nguyên liệu:
- Vỏ quả cà phê: 1.000kg (4m<sup>3</sup>)
- Phân chuồng: 100kg
- Urê: 0,7kg
- Lân: 25kg
- Rỉ đường: 0,1 lít
- Chế phẩm vi sinh: 0,1 – 2kg.
Hoạt hoá men: Tiến hành hoạt hoá men vi sinh bằng cách cho 0,1 kg chế phẩm vi sinh vào 50 lít nước, bổ sung 0,1 lít rỉ đường hoặc 1kg đường đen, khuấy đều cho tan trước khi tiến hành ủ từ 3 – 5 giờ. Sau đó tưới dung dịch đã được hoạt hoá vào đống ủ.
Phối trộn nguyên liệu và ủ:
+ Vỏ quả cà phê được tưới nước bảo đảm đủ ẩm cho toàn bộ khối ủ và trộn đều với phân chuồng, phân lân, phân urê và tưới dung dịch đã được hoạt hoá.
+ Tiến hành lên luống cao 1,3 – 1,5m, bề rộng luống từ 2,3 – 3m, chiều dài đống ủ tuỳ thuộc vào khối lượng nguyên liệu.
+ Dùng bạt hay rơm rạ phủ đống ủ để giữ ẩm và giữ nhiệt cho đống ủ.
+ Sau 25 – 30 ngày tiến hành đảo trộn đống ủ và tưới bổ sung nếu đống ủ thiếu ẩm.
+ Sau khi ủ 3 tháng vỏ cà phê hoai mục, có thể sử dụng để bón cho cây trồng.
Có một thực tế dễ thấy là vỏ cà phê nếu bón trực tiếp thì khá lâu sau mới được phân huỷ và lượng chất hữu cơ thường không được bảo toàn trong quá trình phân huỷ. Nhưng nếu được xử lý bằng những cách như đã giới thiệu trên đây thì sẽ có hiệu quả cao hơn. Mặt khác còn tạo thêm nhiều chất hữu cơ cần thiết cho cây trồng bởi các phản ứng hóa học xảy ra trong quá trình xử lý… Và điều ấy thật đặc biệt có ý nghĩa hơn đối với người sản xuất cà phê trong thời buổi giá cả các loại phân vô cơ đắt đỏ như hiện nay…

<!--Tac gia-->
Trọng Nguyên
 




Back
Top