TÔI PHẢI LÀM GÌ ĐỂ TRỒNG MĂNG TÂY XANH CÓ NĂNG SUẤT CAO >30 TẤN/HA/NĂM ?
Bạn CÙ NÈO hỏi: Chú Triều và Chị Xuân ơi, em đã xem “Bộ sưu tập sảnh Măng tây xanh” trong “BLOG MĂNG TÂY XANH” của Công ty Việt Hoa Mỹ. Theo như em biết, cây Măng tây mới trồng ở Việt Nam được vài năm nay. Vậy căn cứ vào đâu mà Chú lại viết là “cây Măng tây trồng từ năm thứ 5 trở lên sẽ cho năng suất 25-30-35 tấn/ha/năm” ?
Dr. BRIAN BENSON & Ks LÊ HỒNG TRIỀU - CÂU LẠC BỘ MĂNG TÂY XANH VIỆT HOA MỸ trả lời:
Bạn CÙ NÈO thân mến,
Chúng tôi rất bất ngờ vì câu hỏi này hay quá, thể hiện một tinh thần trách nhiệm rất cao. Câu hỏi này có nhiều ý nghĩa và rất có giá trị trong thực tiễn. Sau khi trao đổi với chuyên gia Dr. Brian Benson ở Mỹ, chúng tôi xin phép trả lời bạn Cù Nèo (tên nghe dễ sợ quá!) như sau:
Cây Măng tây xanh hiện diện trong thiên nhiên từ những năm 500-200 trước công nguyện ở Hy Lạp, La Mã cổ đại và vùng Địa Trung Hải, mặc dù chỉ là một loại rau (rau dinh dưỡng cao cấp) nhưng nó một có vòng đời sinh học tự nhiên rất đặc biệt và độc đáo, đó là: Cây Măng tây có thể sống thọ đến 25 năm !
Ở phương Tây nói chung và ở Châu Âu nói riêng, do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắc nghiệt, cây Măng tây phải trồng 3 năm mới có thể cho thu hoạch (cây 3 tuổi mới có bộ rễ phát triển đủ độ tuổi trưởng thành) và mỗi năm họ chỉ thu hoạch được sản phẩm trong một thời gian rất ngắn khoảng 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 5). Còn từ mùa thu đến mùa đông (tháng 6 đến tháng 12) họ phải nghỉ thu hoạch vì cây ngủ đông không phát triển và không cho măng, đến mùa xuân (tháng 1 đến tháng 3), họ mới bắt đầu chăm sóc cây (thực chất chỉ là chăm sóc bộ rễ vì toàn bộ cây trồng trên đất sản xuất đã được cắt hạ sát gốc trong suốt thời gian cây ngủ đông).
Ở Việt Nam, Cây Măng tây đã du nhập vào từ những năm 1960-1970, nhưng ngày đó do không tìm được thị trường nên cây Măng tây không thể phát triển được. Đến năm 1988, có một Việt kiều Đức mang về 500 gr hạt giống Măng tây để trồng thử ở Đà Lạt, nhưng khi cây vừa 2 - 2,5 tháng tuổi thì người trồng đã cắt lấy những cành lá kim xinh xinh đem bán chung với hoa cắt cành, từ đó hình thành nên một thị trường trồng cây Măng tây để cắt lá làm kiểng trang trí chung với hoa cắt cành định cư và phát triển mạnh mẽ ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cho thu nhập cũng khá cao. Mãi đến năm 2005, cây Măng tây mới thực sự có mặt trở lại ở Việt Nam đúng với giá trị thật của nó, hình thành một thị trường trồng cây Măng tây để thu hoạch sản phẩm Măng tây xanh phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Cây Măng tây dễ trồng hơn các loại cây ăn trái vì chỉ cần thu hoạch mầm chồi măng non mà không cần chờ cây ra hoa kết trái vốn ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Kết quả trồng thử nghiệm trong thực tế đã cho thấy cây Măng tây cho thu nhập kinh tế khá cao so với các loại rau củ quả khác, vì sau khi trừ chi phí người trồng vẫn có thể tích luỹ được >150-200-250-300.000.000 đ/ha/năm tuỳ theo cách chăm sóc. Với hiệu quả kinh tế cao và đà phát triển hiện nay, chúng tôi dám đoan chắc rằng chỉ trong 10-20 năm nữa, Việt Nam sẽ có tên trong danh sách các quốc gia xuất khẩu sản phẩm Măng tây xanh với diện tích trồng lên đến vài trăm, thậm chí vài ngàn hecta.
Về năng suất trồng cây Măng tây, các tài liệu khoa học về đặc điểm cấu tạo sinh học thực vật tự nhiên của cây Măng tây cho thấy các mầm chồi non lớn nhỏ của cây thường xuất hiện rất nhiều trong phạm vi bán kính 20-30 cm chung quanh cổ bộ rễ gốc cây măng đã trưởng thành; điều này cũng có nghĩa là các chồi Măng sẽ mọc tràn ra khắp mặt liếp đất trồng một khi cây đã đủ tuổi trưởng thành:
- Năm 1: Cây Măng chưa phát triển đầy đủ, chỉ có bộ rễ con, tạm gọi là bộ rễ thiếu nhi, bình thường chỉ xuất hiện lác đác trên mặt đất trồng khoảng 1-3 mầm chồi măng lớn nhỏ/gốc/ngày thu hoạch. Ở năm đầu tiên này, vì cây còn nhỏ và đang sức lớn, người trồng ở Việt Nam chỉ nên thu hoạch tượng trưng ở mức độ tỉa măng tơ, tuyệt đối không nên thu hoạch chồi măng cạn kiệt một cách thô bạo vì sẽ làm suy yếu cây trầm trọng về sau này.
- Năm 2: Cây Măng chỉ mới bước đầu phát triển, chưa thật trưởng thành, chỉ có bộ rễ thiếu niên, và bình thường chỉ xuất hiện trên mặt đất trồng khoảng 1-5 mầm chồi măng lớn nhỏ/gốc/ngày thu hoạch;
- Năm 3: Cây Măng có bộ rễ vừa mới trưởng thành, bình thường xuất hiện trên mặt đất trồng khoảng 1-7 mầm chồi măng lớn nhỏ/gốc/ngày thu hoạch;
- Năm 4: Cây Măng có bộ rễ trưởng thành, bình thường có thể cung cấp khoảng 1-9 mầm chồi măng lớn nhỏ/gốc/ngày thu hoạch.
- Năm 5-10-15: Cây Măng có bộ rễ trưởng thành đủ độ chín, bình thường có thể cung cấp khoảng >5-10-15-20-25 mầm chồi măng lớn nhỏ/gốc/ngày thu hoạch. Đến lúc này cây sẽ trổ Măng rất nhiều như rạ và trông như nấm nở rộ sau mưa trên mặt đất rẫy trồng Măng tây. Đây chính là lúc người trồng ngủ một đêm sáng ra mở mắt là thấy tiền vào nhà !
Căn cứ vào đặc điểm sinh học tự nhiên này, chúng ta có thể tính ra năng suất bình quân của Măng tây xanh như sau (chúng tôi chọn bình quân thấp với hiệu suất thu hoạch 20% và cọng măng nhỏ chỉ nặng khoảng 10gr):
- Năm 1: 1 chồi 10gr x 200 ngày/năm x 18.000 cây/ha x 20% = 3-5 tấn/ha/năm.
- Năm 2: 2 chồi 10gr x 200 ngày x 18.000 cây/ha x 20% = 10-15 tấn/ha/năm.
- Năm 3: 3 chồi 10gr x 200 ngày x 18.000 cây/ha x 20% = 15-20 tấn/ha/năm.
- Năm 4: 4 chồi 10gr x 200 ngày x 18.000 cây/ha x 20% = 20-25 tấn/ha/năm.
- Năm 5: 5 chồi 10gr x 200 ngày x 18.000 cây/ha x 20% = 25-30 tấn/ha/năm.
- Năm 6: 6 chồi 10gr x 200 ngày x 18.000 cây/ha x 20% = 30-35 tấn/ha/năm.
- Năm 7: v.v…
Ở Peru, nhờ áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân tự động theo công nghệ Israel có thiết bị kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm 60-70% trong đất trồng, độ pH 6.5 - 7.5 trong đất và nước tưới, độ bốc hơi của nước tưới, độ ẩm trong không khí, hàm lượng dinh dưỡng trong đất đủ hay thiếu chất gì, v.v... người ta đã thu hoạch măng tây xanh và cả măng tây trắng với năng suất rất cao: 60-70-80-90-100 tấn/ha/năm !
Đối với nhà vườn, chúng tôi xin mạo muội có một lời khuyên nôm na như thế này: Nếu không trồng cây Măng tây thì thôi, chúng ta vẫn có thể làm bạn với nhau trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Còn nếu như đã quyết định trồng cây Măng tây thì chúng ta cần phải hạ quyết tâm chăm sóc cây cho thật tốt để có thể thu hoạch được thật nhiều, càng nhiều càng tốt, những cọng măng to bằng ngón tay trở lên, tức khoảng >20-25-30-35gr/chồi măng dài 23-25-27-30cm, cá biệt có thể lớn bằng ngón chân cái. Đến lúc này, nghĩa là từ năm thứ 4 thứ 5 trở đi, cứ sau một đêm ngủ sáng ra thức dậy là người trồng sẽ thấy tiền vào nhà, cứ thế tích luỹ, tích luỹ dần, tích luỹ dần…, trong nhà có của ăn của để giàu lên lúc nào tự thân người trồng cũng không hay !
Tuy nhiên, kết quả nói trên còn tuỳ thuộc rất nhiều vào các yếu tố chủ quan và khách quan khác nữa như: Điều kiện chăm sóc của người trồng (bón phân, tưới nước, làm cỏ, diệt sâu bọ côn trùng và nấm bệnh gây hại,…), điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, khí hậu, lượng nắng 8 giờ/ngày, lượng mưa <800 mm/năm, v.v…
Vẫn còn đó một bộ phận nông dân chúng ta hiện nay có thói quen rất tai hại là cứ chiều đến thì “Alô! Alô! Có món gì ngon không? Làm vài xị đi!”, sáng ra uể oải không dậy nổi để ra rẫy thì ai có thể thay mình thu hoạch măng hay chăm sóc cây đây ???!!!
Câu hỏi này rất hay, rất có ý nghĩa và rất có trách nhiệm. Hy vọng một ngày nào đó gần đây, chúng tôi sẽ có dịp tiếp xúc trực tiếp với bạn Cù Nèo nhé. Chúc bạn luôn vui khoẻ.
MỜI BẠN ĐỌC XEM THÊM CHI TIẾT TẠI ĐỊA CHỈ
“CÂU LẠC BỘ MĂNG TÂY XANH VIỆT HOA MỸ”:
“BLOG MĂNG TÂY XANH”