Genus - công ty của Anh chuyên sản xuất và cung ứng tinh heo, tinh bò cho người nuôi trên toàn thế giới đang làm việc cùng với các nhà khoa học của trường đại học Missouri để tạo ra giống heo đầu tiên trên thế giới có thể kháng được những bệnh thông thường do virut gây ra - cụ thể Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp trên heo, gọi tắt là bệnh PRRS (Porcine Reproductive & Respiratory Syndrome) bằng cách sử dụng công nghệ điều chỉnh gien - công nghệ mới nhất hiện nay trong ngành nghiên cứu gien động vật.
Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp trên heo, hay còn gọi là bệnh tai xanh, có thể gây tử vong ở heo vì nó phá vỡ hệ miễn dịch của heo. Hàng năm bệnh này gây tiêu tốn đến hàng triệu Đô-la của ngành chăn nuôi heo trên toàn thế giới mà hiện vẫn chưa ai tìm ra cách chữa.
Tuy nhiên, đội ngũ các nhà khoa học của trường Missouri đang cố gắng sử dụng công nghệ điều chỉnh gien cực kì tỉ mỉ để tạo ra giống heo không sản xuất ra loại protein đặc thù, ngắt nguồn dinh dưỡng của virus để nó không thể phát tán rộng hoặc lây lan sang những con heo khác. Công trình nghiên cứu của họ đã được công bố trên tờ Nature Biotechnology.
Mặc dù nghiên cứu này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai nhưng đã cho được kết quả khả quan, cụ thể là giống heo mà họ mới tạo ra (giống heo kháng bệnh tai xanh), khi cho phơi nhiễm với virus tai xanh thì không thấy bị nhiễm bệnh mà vẫn tăng trọng bình thường.
Việc tạo ra giống heo kháng bệnh là một bằng chứng nữa cho thấy được tầm quan trọng của công nghệ điều chỉnh gien, một công nghệ vừa ra đời đã có thể làm mưa làm gió trong ngành công nghệ sinh học.
Trưởng phòng nghiên cứu khoa học của Genus - ông Jonathan Lightner nhận định: "Đây là một "con át chủ" có thể làm thay đổi cục diện ngành chăn nuôi heo toàn cầu".
Công nghệ điều chỉnh gien trên cơ thể sống mang lại sự hứa hẹn về khả năng chữa bệnh và cải thiện các giống loài đang được nuôi trồng trên toàn thế giới, kể cả thực vật lẫn động vật. Tuy nhiên, nếu áp dụng đối với con người thì nó sẽ được dùng để tạo ra "những đứa trẻ nhân bản theo thiết kế", và chắc chắn sẽ vấp phải những chỉ trích gay gắt từ phía công luận và sự kêu gọi cấm điều chỉnh gien trên phôi người.
Công nghệ này cho phép các nhà khoa học điều chỉnh được gien bằng cách sử dụng "những cây kéo sinh học" (cách vận hành những cây kéo này cũng giống như một chương trình soạn thảo văn bản) để điều chỉnh một đoạn gien. Chúng giúp tìm ra và thay thế một cách chọn lọc các quãng DNA.
Hiện công nghệ này đã được thử nghiệm và ứng dụng ở các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới, bất chấp các tranh cãi và chỉ trích về vấn đề đạo đức vẫn còn đang căng thẳng.
Mới đây, một hội nghị quốc tế về công nghệ điều chỉnh gien trên người được tổ chức tại Washington đã đẩy làn sóng quan ngại về việc ứng dụng công nghệ này trên người, nhưng những bên liên đới đã trấn an dư luận rằng công điều chỉnh gien này sẽ chỉ được áp dụng trên phôi người cho những mục đích nghiên cứu.
Theo ông Lightner, quá trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ điều chỉnh gien của công ty Genus vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai, nhưng nếu để phát triển nó hoàn thiện và đưa được sản phẩm ra thị trường thì dự là nó sẽ gặp phải rất nhiều chông gai, chỉ trích.
Nhà phân tích của Liberum, bà Sophie Jourdier nói, việc thương mại hoá sản phẩm đó (đưa nó ra thị trường) sẽ mất khoảng 5 năm, nhưng việc tạo ra giống heo kháng bệnh sẽ có đóng góp lớn vào quá trình phát triển lâu dài của công ty Genus, ít ra là sẽ tiết kiệm được cho công ty một khoản thiệt hại cực kì lớn do bệnh tai xanh gây ra hàng năm.
Theo thống kê của trường đại học bang Iowa phối hợp với công ty Genus, con số heo chết vì bệnh tai xanh trên toàn thế giới lên đến hàng triệu con, gây thiệt hại khoảng 700 triệu USD mỗi năm ở Mỹ; 1.5 triệu Euro (khoảng 1.6 tỷ USD) ở châu Âu.
Ha Thu
Tạp chí Asian Agribiz Magazine
Chuyên Ngành: Thị trường Thịt, Chăn Nuôi Châu Á
Mobile: _84.988.692.338
Email: corazondehathu@gmail.com