"Vua" chế tạo máy nông nghiệp

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
3 năm trước, “Hai lúa” ở Tây Ninh chế tạo máy bay nổi đình nổi đám. Đáng tiếc, thiết bị bay của ông bị kết luận “không thể bay được”. Thế là, ông chuyển hướng chế tạo các loại máy phục vụ SXNN, gặt hái được những thành công lớn.


Đó là ông Trần Quốc Hải (xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Cách đây 2 năm, ông thực hiện thành công cái máy thổi lá cao su. Bởi lâu nay, việc quét lá phòng chống cháy trong vườn cao su được thực hiện thủ công mà vườn cao su rộng lớn, quét thủ công tốn rất nhiều thời gian, một người chỉ có thể quét 0,5 ha/ngày, chi phí cao. Từ khi chiếc máy thổi lá của ông Hải ra đời, công việc này trở nên đơn giản, chi phí giảm đáng kể.


“Bằng một hệ thống bình hơi nén với ống dẫn, hoạt động dựa vào lực kéo của máy cày, máy thổi ra luồng khí tốc độ 90km/giờ, đủ để làm sạch gốc cây. Trong 8 tiếng máy có thể thổi được 25 ha, tương đương với 50 người cùng quét mà chỉ cần 30 lít dầu. Nếu tính luôn đầu máy kéo, giá thành mỗi chiếc máy này khoảng 90 triệu đồng”, ông nói.


Cùng lúc chế tạo thành công máy thổi lá, ông cũng kịp cho ra mắt máy bón phân tự động cho cây cao su. Chiếc máy này vận hành trên đầu một máy kéo gắn với một rơ-moóc chứa phân bón. Thùng phân chia làm ba ngăn chứa ba loại khác nhau. Khi máy vận hành, các loại phân bón sẽ được điều tiết theo tỉ lệ đã định, xuống ống dẫn đưa ra luống cao su. Công suất bón phân của máy khoảng 25ha/ngày (8 giờ).


Ngoài ra, lâu nay khi khai thác mủ cao su, lượng mủ rơi xuống đất, dính lẫn tạp chất, lá cây, đất cát rất nhiều, thường bị coi là mủ tạp, giá trị không cao. Làm gì để giúp nông dân hạn chế lượng mủ tạp, nâng cao giá trị mủ là câu hỏi thường trực trong đầu ông Hải. Sau nhiều ngày mày mò nghiên cứu, cuối cùng một chiếc máy “giặt” mủ cao su cũng đã ra đời.


Ông Hải giải thích nguyên tắc hoạt động của máy gồm một thùng lớn bằng kim loại, giữa có một trục, xung quanh trục gồm nhiều “cánh tay”. Khi cho trục chạy bằng một máy nổ hay một môtơ điện, hoặc nối trực tiếp với động cơ máy cày, mủ cao su dính tạp chất trong thùng có chứa nước sẽ bị các “cánh tay” đánh cho tơi ra và mọi tạp chất đều bị tách ra. Mỗi giờ máy có thể “giặt” được 800 kg mủ.


Theo ông Lê Văn Thanh, một hộ trồng cao su tiểu điền ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, ông mua một chiếc máy “giặt” mủ của ông Hải giá 25 triệu đồng. Từ ngày có máy, thu nhập của gia đình ông mỗi tháng tăng thêm vài triệu đồng do hạn chế được tạp chất trong mủ phế phẩm thu mua và mủ cao su khai thác của gia đình.






Được biết, ông Hải đã và đang nghiên cứu chế tạo thêm các loại máy như máy làm cỏ đường băng cao su, máy thu hoạch cà phê, máy hái búp trà, máy chặt mía để phục vụ bà con nông dân phía Nam.



Không chỉ thành công trong việc chế tạo các loại máy phục vụ cây cao su, ông Hải đã từng thành công khi chế tạo xe rơ-moóc tự hành, hay giàn cày bừa cải tiến, máy bơm hút xác củ mì, máy phun thuốc trừ sâu. Ông Lê Văn Hưng (xã Suối Dây, huyện Tân Châu) trồng 10 ha mì cho biết về hiệu quả của máy “hút xác củ mì”, khi củ mì thu hoạch xong đem băm, xay, lọc lấy tinh bột và người dân thường đào hầm, đổ xác mì xuống, đến khi hầm đầy thì thuê người xúc lên bán cho những cơ sở SX thức ăn chăn nuôi.


“Với 10 ha trồng mì, hầm chứa xác mì có thể tích 10m3, bình thường phải thuê 2 người, xúc trong 2 ngày mới hết. Bây giờ, có chiếc máy hút xác mì do ông Hải chế tạo, chỉ trong 4 tiếng đồng hồ, 10m3 xác mì đã được giải quyết xong. Nếu làm một phép tính thấy chi phí giảm đáng kể, chẳng hạn thuê 2 người xúc 2 ngày tốn 400 ngàn tiền công, trong khi hút bằng máy, chỉ tốn 10 lít dầu, hết khoảng hơn 150 nghìn mà thời gian được rút ngắn rất nhiều”.


Còn theo ông Hải, bơm hút nước thì dễ, nhưng hút, bơm xác mì khó hơn bởi nó dạng đặc, nhão, nếu không tính toán kỹ, sẽ xảy ra hai hiện tượng: một là, phải tăng ga để tăng lực hút, đẩy, dẫn đến lượng nhiên liệu tiêu hao lớn; hai là, cháy hệ thống bơm của máy hút vì quá tải. Vì thế, chiếc máy của ông Hải vẫn dựa chính vào lực kéo của máy cày, được thiết kế một hệ thống hút đẩy, khi cần sử dụng thì lắp vào, không cần thì tháo ra. Đến nay, đã có hàng chục chiếc máy loại này xuất xưởng.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top