Quỳnh Lưu: Tỷ phú làng tôm
Người dân xã Quỳnh Xuân bảo ông nhiều tiền, có tài nhưng không phải là “tuýp” người chỉ tay năm ngón mà là một nông dân miệng nói, tay làm, trăn trở với nghề. Ông là Vũ Văn Đức, một giáo dân tại Giáo xứ Xuân An, xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu - chủ nhân của 12 ha tôm, nay đã là tỷ phú…
Ông Vũ Văn Đức, sinh năm 1946 trong một gia đình nông dân công giáo nghèo tại xã Quỳnh Xuân (Quỳnh Lưu). Mồ côi cha mẹ từ năm 16 tuổi, 2 anh em ông phải nương tựa vào nhau, kiếm miếng cơm manh áo đắp đổi qua ngày. Lam lũ quanh năm ở vùng sông nước, Vũ Văn Đức sớm làm quen với con tôm, hiểu được những đặc tính sinh trưởng, phát triển của loài tôm.
Sau nhiều năm tham gia công tác chính quyền tại địa phương (đại biểu HĐND xã, trưởng thôn) năm 2000, khi đã ngoài ngũ tuần, ông Đức quyết tâm thực hiện giấc mơ làm giàu bằng nghề nuôi tôm. Lúc ấy, ở xã cũng đã có không ít người nuôi quảng canh nhưng hầu hết đều thất bại. Đồng trũng, quanh năm nhiễm mặn, nhiễm phèn, trồng cây lúa không mọc lên được khỏi mặt đất, nuôi cá cũng còi cọc, con tôm sú vốn khó tính làm sao sống nổi? “Tôi bắt đầu tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư mời chuyên gia nước ngoài về trực tiếp giảng dạy. Ở thời điểm đó, mỗi ngày bỏ ra 200 nghìn đồng ngồi nghe giảng về kỹ thuật nuôi tôm với nhiều người là điều xa xỉ nhưng tôi vẫn kiên trì” - ông Đức tâm sự.
Ông Vũ Văn Đức đã thành công với tôm thẻ chân trắng.
Trở về từ lớp tập huấn, ông bắt đầu nuôi thâm canh tôm sú trên diện tích 3.700 m2. Vựa tôm đầu tay, ông thu hoạch được 2 tấn, thu lãi trên 100 triệu đồng. Thành quả ban đầu khiến không chỉ gia đình ông mà cả xã bất ngờ. 3 năm liên tiếp (2001, 2002, 2003), ông vinh dự được mời đi dự lễ tổng kết nuôi trồng thủy sản, báo cáo nuôi tôm điển hình tại Hà Nội, Thái Bình. Ông say sưa nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đăng đàn kể về những điều tươi đẹp của người nông dân ở các nước Nam Mỹ khi đầu tư nuôi thâm canh loài tôm thẻ chân trắng. Trở về quê ông quyết tìm đến với đối tượng nuôi mới này.
Trước những thành công của gia đình ông Đức, từ năm 2003, nhiều hộ dân trong xã bắt đầu nuôi tôm, ruộng đồng chiêm trũng được biến thành những hồ tôm rộng. Họ nhờ ông tư vấn kỹ thuật, bày cho họ cách chọn giống, vệ sinh ao nuôi… Trước mỗi hiện tượng bất thường của con tôm, ông Đức sẵn sàng “lăn” vào tìm hiểu một cách say sưa. Quá trình ấy đã giúp ông tích lũy được nhiều vốn kinh nghiệm, kiến thức về loài tôm. Ông được bà con trong xã, huyện, các huyện lân cận tin tưởng, thường xuyên đến trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Để thành công, ông liên hệ lấy giống tận Thái Lan, xử lý ao và nuôi đúng quy trình kỹ thuật. Nhưng do con giống đã nhiễm bệnh từ trước nên vụ ấy, ông lỗ 40 triệu đồng. Trong khi tôm thẻ chân trắng chưa tạo được niềm tin cho người nuôi tôm thì con tôm sú lại xuất hiện nhiều mầm bệnh, chất lượng nguồn giống rất khó kiểm soát, rủi ro nhiều, thời gian nuôi lại kéo dài… Tìm được một giống tôm có năng suất, chất lượng cao lại dễ nuôi để thay thế tôm sú quả là điều hết sức khó khăn đối với ông và những người nuôi tôm Quỳnh Xuân.
Nhưng rồi, vận may cũng đã mỉm cười với gia đình ông Đức và những người nuôi tôm Quỳnh Xuân. Đầu năm 2006, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (CP Việt Nam Corporation) đẩy mạnh chương trình chuyển giao công nghệ đến tận tay người nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Ông Đức được Công ty lựa chọn để triển khai mô hình đầu tiên tại huyện Quỳnh Lưu. Lúc đó, hiệu quả từ tôm thẻ chân trắng vẫn còn bị hoài nghi. Nhưng với uy tín nhiều năm theo sát con tôm, ông đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Sở Thủy sản lúc bấy giờ. Một phần diện tích nuôi tôm sú trước đây đã được gia đình ông chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Kết quả thật bất ngờ, với 500m2 thực nuôi tôm thẻ chân trắng, gia đình ông Đức thu về 7,5 tấn, lãi trên 150 triệu đồng. Nhận thấy ưu điểm và hiệu quả vượt trội của tôm thẻ chân trắng so với tôm sú, đến năm 2008, ông Đức chuyển toàn bộ diện tích sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Vụ tôm 2011, gia đình ông thu về gần 50 tấn tôm, lãi ròng trên 2 tỉ đồng. Chỉ qua vài vụ tôm, ông Đức đã sắm cho mình chiếc xe con trị giá tiền tỉ, xây dựng nhà cửa khang trang cho các con. Năm 2012, gia đình ông Vũ Văn Đức tiếp tục đấu thầu thêm diện tích ao hồ tại xã Quỳnh Lương, nâng tổng diện tích lên 12ha, tạo thêm việc làm cho 7 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ông cho biết, sở dĩ ông mở rộng thêm diện tích là muốn thử nghiệm khoảng 5-7ha hoàn toàn khép kín, tách biệt với bên ngoài để đầu tư nuôi tôm thương phẩm bằng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích. Đây sẽ là cơ sở để trong tương lai, ông hình thành và vận hành chu trình khép kín sản xuất tôm thương phẩm sạch, giới thiệu gian hàng tại các siêu thị và xuất khẩu.
Giàu từ nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Vũ Văn Đức tạo điều kiện để các hộ dân trong xã vươn lên thoát nghèo. Là đại lý thức ăn cấp 2 của Công ty CP, đến nay, ông đã bỏ vốn tạo điều kiện cung ứng thức ăn trả sau cho bà con trong xã, đến cuối vụ mới thu hồi. Từ thành công của việc chuyển đổi từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng, đến nay, riêng xóm 7, xã Quỳnh Xuân đã có 80% số hộ nuôi tôm, trong đó 100% nuôi tôm thẻ chân trắng, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn dưới 10%. Năm nay đã gần tuổi xưa nay hiếm nhưng ông không nề hà khó khăn, những người tìm đến với ông đều được ông tư vấn nhiệt tình. “Mình đã thành công, kinh nghiệm không chỉ để phục vụ cho riêng mình mà phải được đem ra để mọi người cùng vận dụng. Chúng ta có những người nuôi tôm giỏi thì mới có những vùng nuôi tôm bền vững, giảm thiểu bệnh tật và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, đối tác xuất khẩu” – ông Đức chia sẻ.
Cuối năm 2011, các hộ nuôi tôm tại Quỳnh Xuân đã thành lập Hiệp hội nuôi tôm của xã. Đây là tổ chức tự nguyện, hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao. Việc thả con giống phải được các thành viên trong Hiệp hội đồng ý khi hội tụ đủ các yếu tố, đúng quy trình kỹ thuật. Điều này sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro, thiệt hại mang lại cho người nuôi tôm. Thành công từ tôm thẻ chân trắng, ông Vũ Văn Đức trở thành một trong những hộ nuôi tôm giỏi nhất ở xứ Nghệ.
(--- Báo Nghệ An ---)