Cây Mã Đề Và Cây Lá Lốt Trị Bệnh.

  • Thread starter ngoinhanhotrenthaonguyen
  • Ngày gửi
1. Tác dụng chữa bệnh của cây mã đề
1703035.jpg
Cây mã đề.
Các thử nghiệm cho thấy, mã đề (đặc biệt là phần lá) có tác dụng lợi tiểu, tăng thải trừ urê, axit uric và muối trong nước tiểu. Do đó, có thể dùng nó để hỗ trợ điều trị chứng tăng huyết áp bên cạnh các thuốc đặc hiệu. Hạt mã đề được sử dụng trong một số bài thuốc hiệu quả chữa sỏi đường tiết niệu.
Mã đề cũng có tác dụng long đờm và trị ho. Thuốc viên bào chế từ cao mã đề và terpin đã được áp dụng trên lâm sàng, điều trị hiệu quả các bệnh viêm cấp tính đường hô hấp trên, làm nhẹ quá trình cương tụ niêm mạc hô hấp, chữa ho và phục hồi tiếng nói ở bệnh nhân viêm thanh quản cấp. Cao nước mã đề đã được áp dụng cho hơn 200 bệnh nhân viêm amiđan cấp, kết quả 92% khỏi bệnh, 8% đỡ. Tác dụng hạ sốt, phục hồi số lượng bạch cầu và làm hết các triệu chứng tại chỗ của mã đề được đánh giá là tương đương các thuốc kháng khuẩn thường dùng.
Mã đề cũng được sử dụng trong các dược phẩm trị mụn nhọt và bỏng. Thuốc dạng dầu chế từ bột mã đề khi đắp lên mụn nhọt có thể làm mụn đỡ nung mủ và viêm tấy. Còn thuốc mỡ bào chế từ cao đặc mã đề đã được sử dụng để điều trị các ca bỏng 2-45% diện tích da, đạt kết quả tốt. Bệnh nhân cảm thấy mát, dễ chịu, không xót, không nhức buốt, dễ thay bông và bóc gạc. Vết bỏng đỡ nhiễm trùng, ít mủ, giảm mùi hôi thối, lên da non tốt, thịt phát triển đều, không sần sùi. Bệnh nhân giảm được lượng thuốc kháng sinh dùng toàn thân.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, chất polysacharid trong hạt mã đề có tác dụng nhuận tràng, trị táo bón mạn tính.
Trong y học cổ truyền, mã đề được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa một số bệnh về tiết niệu, cầm máu, phù thũng, ho lâu ngày, tiêu chảy, chảy máu cam... Liều dùng mỗi ngày là 10-20 g toàn cây hoặc 6-12 g hạt, sắc nước uống. Phụ nữ có thai cần thận trọng khi sử dụng loại thuốc này. Đối với người cao tuổi hay đi tiểu đêm, tránh dùng mã đề vào buổi chiều tối.
Sau đây là một số bài thuốc cụ thể:
- Lợi tiểu: Hạt mã đề 10 g, cam thảo 2 g, sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.
- Chữa tiểu ra máu: Lá mã đề, ích mẫu, mỗi vị 12 g; giã nát, vắt lấy nước cốt uống.
- Chữa viêm cầu thận cấp tính: Mã đề 16 g, thạch cao 20 g, ma hoàng, bạch truật, đại táo, mỗi vị 12 g; mộc thông 8 g, gừng, cam thảo, quế chi, mỗi vị 6 g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa viêm cầu thận mạn tính: Mã đề 20 g, ý dĩ 16 g, thương truật, phục linh, trạch tả, mỗi vị 12 g; quế chi, hậu phác, mỗi vị 6 g; xuyên tiêu 4 g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa sỏi niệu: Hạt mã đề 12-40 g, kim tiền thảo 40 g, thạch vĩ 20-40 g, hoạt thạch 20-40 g, tam lăng, ý dĩ, ngưu tất, nga truật, mỗi vị 20 g; chỉ xác, hậu phác, gai bồ kết, hạ khô thảo, bạch chỉ, mỗi vị 12 g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa viêm bàng quang cấp tính: Mã đề 16 g, hoàng bá, hoàng liên, phục linh, rễ cỏ tranh, mỗi vị 12 g; trư linh, mộc thông, hoạt thạch, bán hạ chế, mỗi vị 8 g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa ho, tiêu đờm: Mã đề 10 g, cát cánh, cam thảo mỗi vị 2 g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa lỵ: Mã đề, dây mơ lông, cỏ seo gà mỗi vị 20 g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa tiêu chảy: Mã đề tươi 1-2 nắm, rau má tươi 1 nắm, cỏ nhọ nồi tươi 1 nắm. Sắc đặc, uống ngày một thang.
- Chữa tiêu chảy mạn tính: Hạt mã đề 8 g, cát căn, rau má, đẳng sâm, cam thảo dây mỗi vị 12 g, cúc hoa 8 g. Sắc uống ngày một thang.
GS Đoàn Thị Nhu, Sức Khỏe & Đời Sống


2. Những bài thuốc hay trị bệnh từ cây lá lốt
Xưa nay bạn vẫn quen dùng lá lốt những một loại rau trong việc nấu nướng mà không hay biết về những công dụng chữa bệnh hay từ loài cây này.

Lá lốt có tên khoa học Piper lolot C.DC. thuộc họ hồ tiêu, cây mềm mọc hoang ở nơi ẩm thấp trong rừng núi, và cũng được trồng ở nhiều nơi lấy lá làm gia vị trong nấu ăn và còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh.

Lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Theo đông y, lá lốt có vị nồng, tính ấm, có công dụng ôn trung (làm ấm bụng), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống) và chỉ thống (giảm đau), thường được dùng để chữa các chứng đau nhức xương khớp khi trời lạnh, chứng ra nhiều mồ hôi ở tay chân, mụn nhọt lâu liền miệng...
lalot.jpg
Lá lốt
Một số bài thuốc trị bệnh hay từ cây lá lốt
Chữa đau nhức xương khớp
Bài 1: Dùng 5-10g lá lốt phơi khô, hay 15-30g lá tươi, sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Bài 2: Lá lốt và rễ các cây bưởi bung, vòi voi, cỏ xước, tất cả đều dùng tươi thái mỏng, sao vàng, liều lượng bằng nhau (khoảng 15g khô mỗi loại), sắc với 600ml nước, còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
Bài 3: Lá lốt 20g, thiên niên kiện 12g, gai tầm xoong 16g, tất cả sắc với 400ml, còn 100ml dùng uống trong ngày. Có thể dùng một trong các bài thuốc này, sắc uống liên tục 7-8 ngày sẽ có tác dụng tốt.
Chữa đau răng
Lấy rễ lá lốt rửa sạch, giã nát với mấy hạt muối, ép lấy nước, dùng bông sạch tẩm vào răng đau, ngậm 2 – 3 phút rồi xúc miệng bằng nước muối. Ngày tẩm thuốc 3 – 4 lần, làm liên tục 1 – 2 ngày răng đau sẽ khỏi hoặc giảm đau rõ rệt.
Chữa đầu gối sưng đau
Lá lốt, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau.
Chữa mụn nhọt vỡ mủ lâu ngày không liền miệng
Lá lốt, lá chanh, lá ráy, tía tô, mỗi vị 15g. Cách làm: Trước tiên lấy lớp vỏ trong của cây chanh (bỏ vỏ ngoài) phơi khô, giã nhỏ, rây bột mịn rắc vào vết thương, sau đó các dược liệu trên rửa sạch, giã nhỏ đắp vào nơi có mụn nhọt rồi băng lại. Ngày đắp 1 lần. Đắp trong 3 ngày.
Chữa bệnh phụ khoa (các viêm nhiễm ở vùng âm đạo, ngứa, ra khí hư)
Lá lốt 50g, nghệ 40g, phèn chua 20g, đổ nước ngập lên mặt thuốc 2 đốt ngón tay, đun sôi, bớt lửa giữ cho sôi lăn tăn 10-15 phút, chắt lấy 1 bát, gạn lấy nước trong dùng rửa âm đạo. Phần còn lại tiếp tục đun sôi dùng để xông hơi vào âm đạo, có thể xông nhiều lần.
Chữa đổ mồ hôi nhiều ở tay chân
Dùng 30g lá lốt tươi cho vào 1 lít nước nấu sôi, cho thêm ít muối, để nguội dần dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối.
Đau bụng do lạnh
Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.
Chữa phù thũng do thận
Lá lốt 20g, cà gai leo, rễ mỏ quạ, rễ tầm gai, lá đa lông, mã đề mỗi vị 10g. Sắc với 500ml nước còn 150ml, uống trong ngày. Uống sau bữa ăn trưa khi thuốc còn ấm. Dùng trong 3-5 ngày.
Chữa lỵ: Lấy 1 nắm nhỏ lá lốt, sắc với 300ml nước, dùng uống.
Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay
Đồng bào Mường có kinh nghiệm lấy 1 nắm thật to lá lốt, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống làm một lần. Còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi vài lần rồi vớt bã để riêng. Khi nước âm ấm thì dùng rửa sạch tổ đỉa. Lau khô rồi lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1-2 lần, liên tục trong 5-7 ngày là khỏi.
(Tổng hợp)​
 


Last edited by a moderator:
Lá mã đề có trong bài thuốc nấu "nước sâm" mà hồi nhỏ mình thường uống. Ngoài việc nấu nước uống có tác dụng lợi tiểu, hạ nhiệt (dân mình thường nói là uống cho mát đó mà). Lá mã đề có thể nấu canh ăn như 1 loại rau. Mùi vị hơi bị ngon đấy!
 
Lá lốt ngoài làm thuốc ra thì nó còn nằm trong thực đơn " Nhậu "

bò cuốn lá lốt - rắn cuốn lá lốt - ếch cuốn lá lốt ... chẹp chẹp
 
Thịt trâu cuốn lá lốt ... nướng, làm mồi phá cay rượu thuốc "ông già chống gậy" thì bệnh gì cũng hết ................. biết!
 
Thịt trâu cuốn lá lốt ... nướng, làm mồi phá cay rượu thuốc "ông già chống gậy" thì bệnh gì cũng hết ................. biết!
Thịt trâu cuốn lá lốt ... nướng, làm mồi phá cay rượu thuốc "ông già chống gậy" thì bệnh gì cũng hết .
tới đây thì chấm hết được rồi. thêm một dãy chấm chấm.....biết. ông làm tôi hơi bị hoang mang.
hi...hi
 


Back
Top