Chăn nuôi chưa "tắt" hết cơ hội!

Trước khi nền chăn nuôi Việt Nam phải "bơi" xuyên Thái Bình Dương, nhiều DN, HTX chăn nuôi trong nước đã tự mình chuẩn bị những “miếng đánh” khá tự tin và đa dạng.

17-32-40-2173718468.jpg

Nếu liên kết lại, người chăn nuôi trong nước không phải hoảng sợ trước ngưỡng cửa TPP

+ Liên kết hay chọn vật nuôi bản địa?

Trước khi nền chăn nuôi Việt Nam phải "bơi" xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TTP), nhiều DN, HTX chăn nuôi trong nước đã tự mình chuẩn bị những “miếng đánh” khá tự tin và đa dạng cho sự kiện đầy cơ hội lẫn thách thức này.

CHỌN SẢN PHẨM BẢN ĐỊA

Là DN tham gia vào chuỗi chăn nuôi của Hà Nội cách đây đã gần một thập kỷ, anh Trương Cao Sơn - Tổng Giám đốc Cty CP Chế biến thực phẩm sạch 3F ở huyện Thạch Thất đúc kết cho mình một con đường làm kim chỉ nam là chọn sản phẩm chăn nuôi có thế mạnh của Việt Nam.

Anh đúc kết: Trước đây khi Việt Nam gia nhập WTO, và bây giờ là chuẩn bị TPP, không ít DN lo sợ. Nhưng nếu chủ động nhìn bằng con mắt lạc quan, việc gia nhập TPP cũng có thể là một cơ hội sàng lọc lại ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt buộc các DN chăn nuôi trong nước phải có hướng đi riêng.

Vị này phân tích: Mấu chốt nhất của TPP là thuế suất XNK giữa các thành viên sẽ về 0%. Điều này, dĩ nhiên là thời cơ để các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt gia cầm, thịt bò tràn vào nước ta. Người nuôi gà công nghiệp chắc chắn sẽ phải nhận cú sốc lớn, bởi sức cạnh tranh của DN chăn nuôi gà công nghiệp trong nước với tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam hiện nay chẳng khác gì “trứng chọi đá”. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác, giá nguyên liệu TĂCN lúc ấy cũng sẽ có lợi rất lớn cho người chăn nuôi trong nước. Trong hoàn cảnh đó, nếu DN nào tìm được hướng đi riêng, sẽ vẫn sống khỏe.

Chủ động nắm bắt được xu hướng tất yếu của chăn nuôi trong nước từ khi DN chăn nuôi nước ngoài vào Việt Nam, Cty 3F lập tức chuyển hướng SX sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, kết hợp quản lí chất lượng và chế biến theo chuỗi.

Cụ thể, Cty này hiện đã xây dựng được mạng lưới trang trại chăn nuôi gà thịt và gà đẻ trứng rộng lớn ở các tỉnh phía Bắc với tổng cộng hơn 100 trang trại. Các trang trại thành viên hoàn toàn tự chủ về tài chính và hoạt động SX, tuy nhiên để bán được hàng cho Cty 3F, họ buộc phải tuân thủ các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật rất nghiêm ngặt do Cty 3F đặt ra.

Ngược lại, các trang trại thành viên luôn bán được sản phẩm với giá cao hơn thị trường tối thiểu 20%. Việc phân phối tới siêu thị hoặc bán lẻ, sẽ do Cty 3F đảm nhiệm. Với cách làm này, toàn bộ hệ thống trang trại thành viên của 3F lẫn Cty 3F đều sống khỏe suốt 10 năm qua, kể cả khi làn sóng đầu tư của DN chăn nuôi nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam.

Hiện tại, mỗi ngày anh Sơn xuất bán cho thị trường Hà Nội và các vùng lân cận trên 100 nghìn quả trứng gà, 2.000 con gà ta lai và hơn 3 tấn thịt lợn rừng lai. Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật cho các trang trại thành viên, mới đây Cty 3F đã mở ra một hướng kinh doanh mới khá độc đáo đối với các sản phẩm thịt gia cầm chất lượng cao (giống gà ta lai), gắn chặt giữa SX từ trang trại tới bàn ăn, thậm chí đã vươn được ra thị trường quốc tế.

Cụ thể, Cty này vừa đầu tư hệ thống giết mổ rất hiện đại, đảm bảo nghiêm ngặt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP để chế biến sản phẩm thịt gà thui rơm. Sản phẩm này hiện đã thâm nhập khá tốt tới thị trường đồ ăn sẵn tại Hà Nội.

“Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Cty chúng tôi đã XK thí điểm hơn 4.000 con gà ta lai thui rơm sang thị trường Mỹ, Pháp, Nga và nhận được phản hồi rất tích cực. Hiện tại, số lượng đơn hàng đăng ký đã tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể XK sản phẩm gia cầm của Việt Nam qua các thị trường khó tính” – ông Sơn đánh giá.

Ông Trương Cao Sơn khẳng định, không chỉ Cty 3F mà sẽ có nhiều DN sẽ vươn lên để XK sản phẩm mang bản sắc của Việt Nam sang các nước phát triển khó tính khi gia nhập TPP.
Rõ ràng, các DN chăn nuôi trong nước tìm những “miếng đánh” riêng như Cty 3F sẽ là một hướng khác biệt, ngay cả các DN giống gia cầm hiện cũng khá tự tin cho rằng, TPP chẳng phải là điều gì đó quá sợ hãi.

Vị giám đốc này dẫn chứng: Dù hơn hai thập niên trở lại đây, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thực phẩm đông lạnh trở nên phổ biến tại Việt Nam, nhưng về cơ bản món ăn xuất hiện trên bàn mỗi bữa ăn tối của người Việt vẫn là các loại thực phẩm truyền thống. Ông nhận định, xu hướng của các nước phát triển đều đi theo một quy luật chung là: thực phẩm sạch - thực phẩm xanh - thực phẩm hữu cơ… Nếu biết nắm bắt cơ hội, đi trước đón đầu, chăn nuôi trong nước hoàn toàn đủ hành trang để cạnh tranh.

Minh chứng cho điều mình nói, vị giám đốc dẫn tôi đi xem hệ thống chuồng trại nuôi gà bố mẹ, dây chuyền ấp gà và nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm trị giá gần 8 triệu USD có thể nói là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay và thậm chí sánh ngang tầm với các nước có nền chăn nuôi phát triển nhất thế giới. Khi đưa mô hình này vào hoạt động, giá thành chăn nuôi của đơn vị sẽ giảm được 10% thì việc cạnh tranh không phải là quá khó.

GIẢI PHÁP LIÊN KẾT

Ông Nguyễn Trọng Long - Chủ nhiệm HTX Hoàng Long ở thôn Ước Lễ, xã Tân Ước (Thanh Oai, Hà Nội) cũng là đơn vị liên tục tìm tòi đổi mới để thích nghi với nền chăn nuôi trong nước cho rằng: Nếu DN nào tìm được sự khác biệt để phát triển là rất đáng quý, tuy nhiên không phải ai cũng tìm ra sự khác biệt để lấy làm thế mạnh.

Theo ông Tạ Văn Tường, chỉ trong thời gian nữa thôi, người dân sẽ hình thành nên thói quen mua thịt được giết mổ hợp vệ sinh thay vì mua thịt ở những tấm phản trong chợ
hay ven đường.
Một khi người tiêu dùng tự nâng cao ý thức bằng việc mua thịt có nguồn gốc, nó sẽ tự điều tiết người dân và DN phải liên kết với nhau để tồn tại, khi đó thì dù Việt Nam có gia nhập TPP hay gì đi nữa thì cũng không có gì đáng sợ.

Theo ông Long, nếu các DN, HTX trong nước nỗ lực hết mình cộng với được nhà nước hỗ trợ đúng lúc và kịp thời, nuôi lợn công nghiệp vẫn có thị phần rất lớn. “Hầu hết các trang trại chăn nuôi trong nước của ta đều trong tình trạng đói vốn nên khi mua trang thiết bị, giống đều không dám mạnh tay đầu tư công nghệ mới nhất hoặc tốt nhất. Chính vì vậy, lợi nhuận tích lũy được bao nhiêu thì khoảng 5 năm sau lại đổ vào sắm thiết bị chuồng trại, thay giống là vừa.

Bây giờ, nếu được nhà nước cho cơ chế hỗ trợ để mua giống tốt, sắm thiết bị mới để tuổi thọ được 15 - 20 năm thì chăn nuôi trong nước lập tức ngang ngửa với DN nước ngoài ngay, đảm bảo khi đó chăn nuôi lợn công nghiệp hoàn toàn có đất sống”, ông Long đề xuất.

Một mặt hi vọng Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ kịp thời, song HTX Hoàng Long đã tự có những bước đi tự cứu mình bằng chuyển sang chăn nuôi theo mô hình sinh học và tự chủ một phần TĂCN.

Trước khi Việt Nam gia nhập TPP, ông Long cho biết, HTX sẽ cố gắng hoàn thiện quy trình chăn nuôi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Cụ thể, đơn vị sẽ xây dựng lò mổ và thành lập các cửa hàng bán thịt hữu cơ tại các quận, huyện của Hà Nội để giảm giá thành và tăng giá trị của chuỗi chăn nuôi. Ông Chủ nhiệm HTX Hoàng Long cho rằng, chỉ có cách làm duy nhất đó mới cạnh tranh được với sản phẩm giá rẻ của nước ngoài.

Là đơn vị tư vấn, hỗ trợ cho chăn nuôi của Hà Nội, ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, ông thật sự rất lo lắng với nội tại ngành chăn nuôi Thủ đô. Theo ông, giờ chỉ còn giải pháp các DN, HTX và người chăn nuôi trong nước cùng ngồi lại với nhau để hình thành nên những chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm khép kín, chủ động một phần thức ăn chăn nuôi, hạ giá thành mới mong đối trọng với các nước trong TPP.

Thực tế quá trình hỗ trợ chăn của Hà Nội cho thấy, các chuỗi liên kết tiêu thụ trứng, thịt, sữa… đang hoạt động khá hiệu quả và dần chiếm được thị phần đáng kể tại các siêu thị, cửa hàng và chợ của Thủ đô. Khi gia nhập TPP, chăn nuôi trong nước chiếm được thị phần lớn ngay tại sân nhà, để từ đó giảm việc nhập khẩu đã là một thành công lớn.

Nguồn: TTNN NGUYÊN HUÂN
 


không phải chúng ta mất chổ đứng hẵng đâu. chổ thì vẫn còn,nhưng chúng ta không còn đứng vững nữa mà phãi bò đấy, liệu còn chút hơi tàn nào để mà còn bò không đây,đành liều vậy
-một liều ba bãy cũng liều
-đến khi chân gãy thì tiêu cái đời
 


Back
Top