Canh tác không đất trong vùng nước nổi

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Canh tác không đất là một kỹ thuật thực hành nông nghiệp nổi nhằm ứng phó với các biến đổi khí hậu làm cho nhiều châu thổ rộng lớn như ĐBSCL trở nên ngập lụt kéo dài vào mỗi mùa mưa lũ, một phần do thời tiết cực đoan thay đổi thất thường, do nền đất trầm tích lún chìm, nhưng quan trọng hơn cả là do nước biển dâng sẽ biến nhiều diện tích châu thổ thành các đồng ngập. Canh tác không đất hay canh tác trên các bè nổi làm băng rơm rạ và cỏ lục bình không phải là một kỹ thuật mới, nhưng là kế thừa một truyền thống canh tác đã có lâu đời ở Đông Nam á. Cho tới gần đây các bè nổi bằng rơm liên kết bởi thân cỏ lác hoặc lau sậy vẫn còn được nhìn thấy ở ĐBSCL, làm chỗ ở cho các loài gia cầm trong mùa nước nổi.

nhobongsung131933964.jpg



Nông dân ĐBSCL thu hoạch bông súng trong mùa nước nổi

Trước đó loại bè này được nông dân tạo ra quanh những nhà sàn hay các trại ruộng làm nơi trồng rau để ăn vào mỗi mùa lụt. Nhưng nay kỹ thuật nông nghiệp nổi phát triển mạnh nhất ở Bangladesh, nơi có hàng ngàn ngôi làng với hàng triệu nông dân áp dụng.

Bangladesh không phải là một quốc gia hải đảo. Nhưng cứ mỗi mùa lụt kéo dài từ 4 - 5 tháng thì có tới một phần tư diện tích đất của quốc gia 156 triệu dân này chìm ngập dưới nước. Trận lụt năm 2004 ảnh hưởng đến 2/5 diện tích đất, 1/4 hoa màu bị tàn phá và hơn 10 triệu người bị mất nhà cửa. Biến đổi khí hậu đang làm cho mùa lụt ở đây trở nên tồi tệ và mọi người phải tìm những cách thức thích ứng cho cuộc sống.

Nông dân trong những vùng hàng năm chịu cảnh ngập lụt kéo dài đang áp dụng kỹ thuật canh tác không đất trên các bè nổi, gọi là baira hay dhap. Từ phong trào thực hành nông nghiệp nổi ở Bangladesh, nông dân nhiều nước cũng đang phục hồi truyền thống canh tác nổi của chính cha ông họ hoặc áp dụng kỹ thuật canh tác không đất được các viện nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ đúc kết hướng dẫn.

Kỹ thuật làm bè nổi để canh tác khá đơn giản và tùy thuộc vào nguyên liệu tại chỗ, chủ yếu là thân các loài thủy sinh trôi nổi như rau muống hay cỏ lục bình, có nơi gọi là bèo lục bình hay bèo Nhật Bản.

Trung bình mỗi bè nổi có bề rộng từ 1,5- 2 m, dài trong khoảng 15- 50 m tùy vào vùng nước và dày trên dưới 30 cm tùy vào độ sâu ngập nước, hay có khi đến 60 - 90 cm để người và vật có thể đi lại trên đó. Nhiều bè nỗi tạo thành một vùng canh tác nổi, mới nhìn như thể các trang trại với những luống dài mà ở giữa là các rãnh nước dùng làm nơi ghe xuồng đi lại.

Người ta chọn một cây xoài, cây mít hay cây gáo giữa vùng ngập nước, hay cắm các thân cây tre để làm điểm cố định cho các bè nổi. Nông dân dùng sào kéo các mảng lục bình trôi nổi vào thành những luống, rồi gác thưa nằm ngang lên đó các cành hay thân nhỏ của những cây tre. Cứ sau mỗi lần gác tre lại đắp thêm một lớp cỏ lục bình cho đến khi đạt độ dày thiết kế.

Cuối cùng người ta phủ lên mặt bè nổi một lớp mùn đất hay bùn hữu cơ phân hủy lấy ngay bên dưới ruộng ngập. Khoảng 7 ngày sau, cấu trúc bè nổi bắt đầu ổn định và người ta phủ lên mặt một lớp đất giàu chất dinh dưỡng rồi bắt đầu canh tác cho đến hết mùa nước nổi.

Các nhà khoa học đang nhận ra giá trị to lớn của kỹ thuật canh tác nổi truyền thống đã mai một này, cả về mặt kinh tế và xã hội. Tiến sĩ Papon Deb, Giám đốc Dự án cộng đồng phát triển tài nguyên đất ngập nước (WRDS) cho biết sản lượng của hệ thống canh tác nổi ở vùng đông nam Bangladesh cao gấp 10 lần so với cùng loại cây trồng canh tác trên cạn.

Rezaul Haq, nhà nghiên cứu tại WRDS cho biết nơi làng Chandra trong vùng dự án, nông dân trồng 23 loài rau và 5 loài cây gia vị, bao gồm mướp, dưa leo, bầu, bí, các loài cà, đậu, cà chua, củ cải, cần tây, cà rốt, gừng, tỏi... Chúng phát triển rất mạnh, cho sản lượng cao, gần như không nhiễm sâu bệnh, mặt khác lại chẳng cần quan tâm đến việc tưới nước hay bón thêm phân.

Tuy không có con số đo đạc cụ thể, các nhà nghiên cứu cho biết lượng tôm cá trong vùng nông nghiệp nổi sinh sôi rất nhanh, một phần được nông dân thu hoạch tại chỗ, phần khác được ngư dân đánh bắt khi chúng di chuyển vào các dòng sông.

Chưa kể tới nguồn lợi thủy sản, thêm công ăn việc làm cùng các ảnh hưởng tích cực đến môi trường và đời sống xã hội thì hệ thống canh tác nổi đang tạo nên nguồn thu nhập rất lớn cho nông dân nghèo khó trong các vùng sâu vùng xa, và đó là lý do nông nghiệp nổi được nhiều nông dân ở các nước áp dụng.

Nông nghiệp nổi đang là một giải pháp tích cực để ứng phó với biến đổi khí hậu, biến các vùng đồng ngập nhiều tháng mỗi năm thành những diện tích canh tác năng suất cao.

Kỹ thuật canh tác không đất hay canh tác nổi sẽ tùy thuộc rất lớn vào thời gian chìm ngập ở từng địa phương, vào nguồn nguyên liệu tạo bè, vào thị trường nông sản, và cả vào điều kiện vận chuyển hay nơi bảo quản.



Các vùng nông nghiệp nổi đang mang trong mình 5 lợi điểm chung là biến đất ngập lụt thành diện tích canh tác cho năng suất cao, chất lượng tốt mà ít sâu bệnh; việc canh tác không cần tưới nước hay bổ sung phân bón; bè nổi đã qua sử dụng một mùa trở thành phân bón cung cấp dinh dưỡng cho vụ canh tác tiếp theo trên cạn; bè nổi được dùng làm nơi chăn nuôi trong mùa nước lũ và cuối cùng người nông dân vừa thu hoạch được nông sản, thịt trứng, lại vừa đánh bắt được nhiều tôm cá.

Theo nongnghiep.vn
 
Last edited:
Back
Top