Chè Việt quá phụ thuộc vào thị trường Đài Loan

TT - Đến cuối tháng 10-2015, chỉ riêng doanh nghiệp Lâm Đồng đã có gần 5.000 tấn chè phải lưu kho do không vượt qua được hàng rào kỹ thuật của Đài Loan.
22750687666_e8bd32726a_o.jpg

Sơ chế trà ôlong tại một xưởng sản xuất ở Đà Lạt trước khi xuất khẩu - Ảnh: Mai Vinh
Ngày 3-11, tại buổi họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chè trên địa bàn do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng việc quá phụ thuộc vào thị trường Đài Loan khiến ngành chè Lâm Đồng bị thiệt hại nặng.

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã khuyến cáo các doanh nghiệp phải tổ chức liên kết sản xuất chè sạch, có thể truy nguyên nguồn gốc để có thể tồn tại và phát triển.

Trước đó, phía Đài Loan đưa ra quy định dư lượng fipronil - một hợp chất diệt sâu bọ phổ biến - trong chè thành phẩm không vượt quá 0,002 (MMP), cao hơn tỉ lệ 0,005 (MMP) khi vào thị trường châu Âu, khiến các doanh nghiệp chế biến chè và người trồng chè tại Lâm Đồng điêu đứng.

“Chết” do phụ thuộc 
vào Đài Loan

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông A Toàn - phó thư ký Hiệp hội Doanh nhân Đài Loan tại Lâm Đồng - cho biết trong khi chè xuất đi châu Âu, một thị trường rất khó tính, không bị chặn nhưng sang Đài Loan lại bị chặn bởi các hàng rào kỹ thuật vô lý. Theo ông A Toàn, do không bán được hàng, nhiều doanh nghiệp Đài Loan đang trồng chè tại Lâm Đồng hiện phải nợ lương nhân công.

Tính từ tháng 7-2015, khi Đài Loan bắt đầu áp dụng hàng rào fipronil đã có chín doanh nghiệp sản xuất chè tại Lâm Đồng phải tạm đóng cửa, các doanh nghiệp còn lại cũng hoạt động cầm chừng. Một số vùng nguyên liệu phải đốn bỏ để hạn chế công thu hái.

Theo thống kê đến cuối tháng 10-2015, chỉ riêng doanh nghiệp Lâm Đồng đã có gần 5.000 tấn chè phải lưu kho do không vượt qua được hàng rào kỹ thuật của Đài Loan.

Ông Phạm Đức Nguyên, giám đốc Công ty trà Phương Nam, cho biết sở dĩ ngành chè “lâm nạn” vì đã quá lệ thuộc vào thị trường Đài Loan. Khi cánh cửa này đóng lại, doanh nghiệp chè VN lúng túng không biết xoay xở thế nào.

“Đến 90% máy móc công nghệ chế biến chè trên địa bàn đều được mua từ Đài Loan qua những mối quan hệ hợp tác trồng chè. Giờ muốn mở cửa thị trường khác cũng phải thay đổi công nghệ, máy móc. Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lực” - ông 
Nguyên nói.

Liên kết sản xuất chè sạch

Dù chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp nhưng ông Phạm S - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho rằng nhà nhập khẩu Đài Loan có thể bắt chẹt được do chè VN có dư lượng fipronil. Do đó, đến đầu năm 2016, toàn bộ sản phẩm thuốc trừ sâu có gốc fipronil đều không được lưu hành ở Lâm Đồng. “UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất Bộ NN&PTNT chỉ đạo thực hiện” - ông Phạm S nói.

Theo ông Phạm S, vùng nguyên liệu nhỏ, da beo làm khó ngành chè trong việc áp dụng những quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt trên diện rộng.

Do đó, tới đây các doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu liên kết, hình thành các cánh đồng mẫu lớn để phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp. “Sẽ không còn chuyện doanh nghiệp sản xuất chè chỉ đi mua trôi nổi của nông dân mà không hề có một vùng nguyên liệu tương xứng với quy mô sản xuất vào năm 2016” - ông S nói.

Ông Đoàn Trọng Phương, phó chủ tịch Hiệp hội Chè VN, cho biết hiện nông dân trồng chè chủ động chăm sóc, tự quyết định dùng thuốc bảo vệ thực vật, trong khi các doanh nghiệp chỉ thu mua, chế biến rồi xuất bán mà không có bất kỳ sự phối hợp nào.

“Doanh nghiệp chế biến chè phải liên kết với nông dân để tổ chức vùng nguyên liệu, hình thành được hệ thống truy nguyên nguồn gốc. Nếu chè của hộ nào bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn an toàn sẽ bị loại ra khỏi liên kết” - ông Phương 
đề xuất.

Mở thị trường mới tại châu Âu

Ông Phạm S cho biết đến cuối năm, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức hai đoàn xúc tiến thương mại tại châu Âu nhằm mở cửa thị trường này cho ngành chè Lâm Đồng. Hiện các cơ quan chức năng đang nghiên cứu các tiêu chí chất lượng, quy cách nhãn mác của các nước châu Âu để phổ biến cho những doanh nghiệp có đủ năng lực chuẩn bị.
Nguồn: tuoitre.vn/
 
“"Doanh nghiệp chế biến chè phải liên kết với nông dân để tổ chức vùng nguyên liệu, hình thành được hệ thống truy nguyên nguồn gốc. Nếu chè của hộ nào bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn an toàn sẽ bị loại ra khỏi liên kết” - ông Phương 
đề xuất."

Ông này mới là phó chủ tịch hiệp hội mà phát biểu như ra lệnh kiểu mệnh lệnh hành chính ý! Nhìn thực tế xem doanh nghiệp chế biến và nông dân vùng nguyên liệu có tuân thủ mệnh lệnh của ông không?

Doanh nghiệp chế biến có dám ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ, chốt giá cố định với mức giá nông dân có lợi nhuận tương đối, đầu tư phân giống và thuốc bảo vệ thực vật không?

Nông dân làm nguyên liệu sạch giá thu mua có cao hơn nguyên liệu không sạch và chắc chắn được thu mua không?

Khi hợp đồng ký kết thì khi doanh nghiệp hoặc nông dân phá hợp đồng tòa án có xét sử và thi hành phát quyết thật nhanh để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bên bị hại không?

Cả ba bên đều sống không chuẩn mà đòi hỏi góp gạo thổi cơm chung thì làm sao mà góp được! Thế nên mới có cảnh bi đát như hiện nay. Tất cả cùng chết!

Doanh nghiệp làm ăn chân chính bỏ tiền bỏ công sức xây dựng vùng nguyên liệu thì nhiều khi lại bị thương lái hoặc doanh nghiệp khác xơi mất! Vậy thì họ xây dựng vùng nguyên liệu sạch để làm gì khi chưa chắc chắn nó là của mình.

Nông dân chân chính sản xuất nguyên liệu sạch thì có bán được giá cao hơn đâu, không có doanh nghiệp nào dám đảm bảo chắc chắn mua với giá cao hơn cả. Mà sạch thì chi phí sẽ cao hơn bẩn, thị trường đi xuống họ là người chết trước. Ai dại! Nông dân họ tỉnh chán.

Thế nên mới có chuyện nguyên liệu trôi nổi chất lượng thấp như hiện nay. Kết quả là chất lượng sản phẩm chế biến thấp. Khi xuất khẩu sang nước khác bị nó dựng rào cản kỹ thuật là tất cả cùng chết.

Giải quyết vấn đề này khó gì! Chỉ cần nhà nước nhận lỗi mình đã thực thi pháp luật về kinh tế kém và làm tốt vai trò của họ. Bên nào vi phạm hợp đồng xử triệt để và nhanh chóng. Doanh nghiệp chế biến và nông dân nghiêm túc ngay!

Và sự liên kết sẽ diễn ra ngay không cần ngài phó chủ tịch hiệp hội phải ra lệnh như vậy!
 
Đầu ra phụ thuộc vào 1 đối tác thì rủi ro lắm. Nhưng người nông dân biết phải làm sao, chỉ trách mấy doanh nghiệp xuất khẩu ko tìm thêm đối tác khác!
 
Back
Top