Những trang trại nuôi heo trên thế giới đều có chung một cơn ác mộng, mang tên PRRS. Nghe có vẻ bí ẩn, nhưng đây là tên viết tắt của Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp trên lợn, và nó có cái tên gần gũi hơn là bệnh "heo tai xanh".
Căn bệnh này do virus PRRS gây ra. Nó tác động đến phổi và đường thở của lợn con, khiến chúng chết từ rất sớm và gây thiệt hại khủng khiếp cho người nông dân. Nếu heo mẹ nhiễm bệnh, nó sẽ rất dễ bị sảy thai, trong khi vaccine lại tỏ ra chẳng mấy hiệu quả vì virus tiến hóa quá nhanh.
Ước tính chỉ riêng tại Mỹ và châu Âu, tổn thất do dịch heo tai xanh này gây ra có thể lên tới 2,5 tỉ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, cơn ác mộng này sắp tới đây có thể sẽ chấm dứt, nhờ công trình nghiên cứu của các chuyên gia tại Viện Roslin thuộc ĐH Edinburgh. Bằng công nghệ chỉnh sửa gene, các chuyên gia đã thay thế một đoạn ADN ngay từ buồng trứng của heo mẹ, đóng toàn bộ các mã gene cho phép tiếp nhận virus PRRS.
Những thế hệ heo này chỉ có 99,9999991% là gene của mình thôi
Kết quả, một thế hệ heo con sẽ ra đời mà không gặp bất kỳ rủi ro gì liên quan đến PRRS. Thậm chí ngay cả khi cho chúng tiếp xúc với virus, lũ "siêu heo" này cũng không có dấu hiệu nhiễm bệnh.
"Điều này thực sự rất khả quan. Tuy vậy, cần thêm vài năm nữa trước khi chúng ta thực sự chuyển sang tiêu thụ loại siêu heo này" - trích lời tiến sĩ Christine Tait-Burkard, tác giả nghiên cứu.
Thế nhưng, nhiều người cũng tỏ ra ngần ngại, vì dù nhìn ở góc độ nào thì đây cũng là thực phẩm biến đổi gene. Được biết ở thời điểm hiện tại, mọi sản phẩm động vật biến đổi gene đều bị cấm tiêu thụ tại châu Âu.
"Việc đầu tiên cần làm là nâng cao nhận thức của công chúng, giúp họ chấp nhận thực phẩm biến đổi gene. Đồng thời cần đấu tranh để các nhà chức trách có quy định cụ thể về sản phẩm này."
"Ngoài ra cũng cần các nghiên cứu tiếp theo, nhằm xác định xem việc thay đổi gene có gây ra tác dụng phụ trên cơ thể vật chủ hay không."
Theo tiến sĩ Burkard, đúng là công nghệ gene trước kia có thể khiến động vật gặp nhiều nguy hại khó lường. Nhưng với công nghệ mới - cụ thể là CRISPR/Cas9, chúng ta có thể chỉnh sửa gene với độ chính xác ở cấp độ ADN, với tác động lên chỉ 0,0000009% bộ gene tổng thể. Điều này cho phép khoa học tác động đến các tính trạng mong muốn mà không để xảy ra tác dụng phụ.
Đối với trường hợp của thế hệ siêu heo lần này, Burkard cho biết ông đã sử dụng một loại enzyme, cắt chính xác một đoạn ADN để loại bỏ gene CD163. Đây chính là gene cho phép virus PRRS tấn công hệ miễn dịch, gây ra bệnh heo tai xanh.
Tuy vậy, một số người cho rằng thực phẩm biến đổi gene có thể gây tổn hại cho sức khỏe của con người. Về vấn đề này, Burkard chưa dám khẳng định gì nhiều. Tuy nhiên theo một số báo cáo từ Hội đồng đạo đức sinh học (NCB - Anh Quốc), thì hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy thực phẩm biến đổi gene - ít nhất là với thực vật - có thể gây nguy hại cho người ăn chúng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Virology.
Tham khảo: CNN