Nghề nuôi chim yến trong nhà đang phát triển rất mạnh ở xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, mở ra hướng làm giàu mới cho nhiều hộ dân ở địa phương, nhờ mô hình này nhiều gia đình trở thành "đại gia chim yến”...
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch xã Long Bình, ông Võ Ngọc Hồng cho biết: “Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 1.800ha, trong đó có 1.200ha đất nông nghiệp. Do ảnh hưởng chế độ bán nhật triều mạnh, nên phần lớn đất đai nơi đây bị nhiễm phèn nặng. Tuy nhiên địa phương cũng có nhiều thuận lợi, xã nằm giữa hệ thống sông rạch lớn: Rạch Tra ở phía bắc chảy ra cửa biển Soài Rạp, rạch Vàm Giồng đổ vào cửa Tiểu rồi ra biển đông. Địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu quanh năm mát mẻ, nguồn phù du và côn trùng rất phong phú, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nghề nuôi chim yến. Hiện nay trên địa bàn toàn xã có trên 30 hộ và 2 công ty ở TPHCM đầu tư nhà và trang thiết bị để nuôi chim yến, nhờ đó nhiều gia đình trở thành tỷ phú”.
ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU
Ông Mười Thiết (ấp Khương Ninh, xã Long Bình), một chuyên gia nuôi chim yến cho hay, chim yến sống ở Gò Công Tây, làm tổ không khác so với tổ yến ở hốc đá ngoài biển đảo. Tổ yến được tạo ra bằng chính nước bọt của yến tiết ra và kéo thành sợi nhỏ, cuốn lại giống vỏ sò còn gọi là yến sào. Chim yến về làm tổ không chỉ báo hiệu điềm lành, mà theo các nhà chuyên môn, tổ chim yến là thực phẩm chứa trên 10 loại nguyên tố vi lượng cần thiết, rất tốt cho cơ thể con người, nhất là việc tái tạo máu, ổn định thần kinh, tái tạo tế bào chống lão hóa và ngăn ngừa ung thư. Ngoài ra tổ yến còn chế biến được rất nhiều món ăn, thức uống bổ dưỡng, giúp bình phục sức khỏe nhanh cho người sau khi mổ, phụ nữ sau sinh, bồi bổ sức khỏe cho người già, trẻ em suy dinh dưỡng… Hiện nay ở xã Long Bình có trên 100 ngôi nhà tầng để nuôi chim yến, đây cũng là nơi phát sinh nghề nuôi chim yến đầu tiên của tỉnh Tiền Giang…
Ông Mười Thiết cho biết, tổ yến thô (chưa nhặt sạch lông) giá khoảng 40-45 triệu đồng/kg, nếu qua sơ chế, nhặt bỏ sạch lông giá bán trên 50 triệu đồng/kg. Dự kiến trong thời gian tới giá còn cao hơn nữa, với giá trị và hiệu quả kinh tế cao như vậy thì nghề nuôi chim yến cho lợi nhuận rất cao. Hiện nay mỗi tháng gia đình ông thu hoạch khoảng 10 kg tổ yến, để mở rộng quy mô nuôi, ông đang đầu tư xây dựng trên khu đất rộng 2.000m[SUP]2[/SUP], trong đó chia làm 4 nhà, mỗi nhà xây 4 tầng, với kinh phí toàn bộ công trình khoảng 40 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Dành, người cùng ấp Khương Ninh cho biết, nuôi chim yến đang là nghề thời thượng. Tuy nhiên người nuôi cần có kiến thức, tìm hiểu đặc điểm sinh học của loài chim yến, đó là nền tảng. Nếu không nắm được đặc tính sinh học thì nhiều khi áp dụng đúng kỹ thuật nhưng chim vẫn không vào, hoặc vào lại bỏ đi…
Chim yến cần môi trường có 50% cây thấp khoảng 1m như cỏ tranh, đồng lúa; 30% cây cao dưới 5m; 20% mặt nước ao hồ. Khoảng 4 – 5 giờ chiều, chim bay về ngang các khúc sông hay đầm phá để tắm và uống nước, 6 giờ chiều chúng bay về tổ. Trước khi chọn vị trí xây nhà yến phải lưu ý những yếu tố trên, kết hợp đặt hệ thống phát tín hiệu âm thanh (đĩa phát những tiếng kêu của chim yến), máy phun sương để tạo độ ẩm. Chim yến thường ưa bóng tối, thích hợp độ ẩm cao từ 80 – 95%, nhiệt độ thích hợp từ 27 – 28[SUP]o[/SUP]C. Xác định hướng chim bay đi kiếm ăn, hướng bay về, để ta thiết kế cửa cho chim bay ra, bay vô. Thông thường, buổi sáng chim bay đi kiếm ăn ở hướng Đông, buổi chiều chim bay về hướng Bắc. Tường nhà có thể xây bằng gạch 4 lỗ hoặc gỗ cách nhiệt, xung quanh tường phải làm hệ thống thông gió. Trong tường nhà đóng những tấm gỗ chuyên dụng, không có chất dầu và không có mùi lạ (mùi khó chịu), có thể đặt các tổ yến giả, tạo môi trường trong nhà nuôi giống như môi trường thiên nhiên, có như vậy chim yến mới bay về cư ngụ và làm tổ, vấn đề còn lại là tổ chức nuôi thế nào hiệu quả và bền vững.
CƠ HỘI VÀNG NGHỀ NUÔI CHIM YẾN
Theo ông Dành, giai đoạn hiện nay là thời điểm tốt nhất nuôi chim yến ở Việt Nam vì biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho nhiệt độ trái đất tăng cao, hiện tượng động đất và sóng thần tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, cháy rừng, phá rừng ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái chim yến khu vực bán đảo Borneo, khiến cho chim yến phía Nam di cư về phía Bắc. Chứng cứ khoa học đó được kiểm chứng, với hiện tượng chuyển vùng sống, quần thể chim yến ở Việt Nam ngày càng tăng nhanh sẽ là yếu tố quan trọng nhất cho nghề nuôi chim yến. Ngoài các tỉnh ven biển, qua khảo sát của các nhà chuyên môn, điều kiện tự nhiên, môi trường, vị trí các tỉnh ĐBSCL và TPHCM rất thuận lợi cho việc phát triển loại chim quý hiếm này.
Qua việc nuôi chim yến, gia đình ông Nguyễn Văn Dành đã xây được nhà khang trang, thu nhập ổn định. Ngoài ra còn nuôi ba người con ăn học và đã tốt nghiệp đại học, 2 người con hiện đang công tác ở nước Úc, 1 người đi làm tại TPHCM.
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/2/2/84396/Hot-vang-trang-tu-nuoi-chim-yen.aspx