Liên kết chuỗi trong phát triển cà phê bền vững

Ngày 24 - 25/4/2017, tại tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề "Liên kết chuỗi trong phát triển cà phê bền vững".

Tham gia Diễn đàn có trên 260 đại biểu, trong đó gồm những chuyên gia từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đại diện doanh nghiệp chế biến cà phê; đại diện của Trung tâm khuyến nông và 193 nông dân sản xuất cà phê từ các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông.



toancanh_1.JPG

Toàn cảnh Diễn đàn​


Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần giải quyết công ăn việc làm cải thiện đời sống cho nhân dân, trong đó phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số; đóng góp đáng kể vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng nhiều chủ trương chính sách nhằm phát triển bền vững, nâng cao vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thực hiện định hướng chung của Bộ, Ngành, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã lồng ghép trong hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm góp phần phát triển bền vững ngành cà phê. Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề "Liên kết chuỗi trong phát triển cà phê bền vững" là sự kiện thứ 9 trong chuỗi 9 sự kiện liên quan đến sản xuất cà phê kể từ năm 2007 đến nay, trong đó có 7 Diễn đàn và 2 Hội thi. Mới đây Diễn đàn chủ đề về “Sản xuất cà phê thích ứng biến đổi khí hậu” tổ chức vào thời điểm cuối tháng 3/2017, trong tình hình mùa mưa năm 2017 đến sớm khiến 15 -20% hoa cà phê nở trái mùa trong đó 50-70% không đậu quả. Năm 2006 vào thời điểm các tỉnh Tây Nguyên vừa trải qua đợt hạn hán khốc liệt, nghiêm trọng nhất trong lịch sử hàng chục năm qua tại Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn "Giải pháp khôi phục sản xuất cà phê, hồ tiêu sau hạn hán kéo dài khu vực Tây Nguyên". Chủ đề của các Diễn đàn luôn là vấn đề “nóng” nên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, đặc biệt là nông dân trồng cà phê khu vực Tây Nguyên.

Thách thức của ngành cà phê Việt Nam

Trong những năm qua, cà phê Việt Nam phát triển không ngừng về diện tích, năng suất và sản lượng. Từ một nước sản xuất cà phê chưa được biết đến đã vươn lên chiếm vị trí thứ hai về sản lượng cà phê cung cấp cho thị trường thế giới, đứng hàng thứ nhất về sản lượng cà phê vối trong gần 2 thập niên qua. Nếu như năm 1961, diện tích cà phê của cả nước chỉ có 21,2 nghìn ha, thì đến cuối năm 2016, diện tích đã tăng gấp 30 lần (đạt trên 645 nghìn ha), năng suất đạt khoảng 24,5 tạ/ha, sản lượng xuất khẩu đạt gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch trên 3,35 tỷ USD.

Tây Nguyên là vùng trọng điểm có diện tích trồng cà phê đạt cao với khoảng 582.194 ha, chiếm khoảng 90,20% diện tích cà phê cả nước, trong đó trên 80% diện tích cà phê dưới 15 năm tuổi đang trong thời kỳ cho thu hoạch tốt, vượt rất xa so với quy hoạch đến năm 2020.

Mặc dù ngành cà phê Việt Nam đã khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng trọng xuất khẩu, nhưng phát triển cà phê Việt Nam hiện nay nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có việc nâng cao chất lượng, tính bền vững, nhất là giải quyết vấn đề tái canh cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ, diện tích trồng cà phê nông hộ chiếm 84,8 - 89,7%, số hộ có diện tích dưới 1 ha/hộ chiếm 63%, dẫn đến khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để đầu tư thâm canh, tái canh. Ngoài ra, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật chưa đồng đều, kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, bón phân không cân đối, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng cà phê chưa cao và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Sự cần thiết phải liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề "Liên kết chuỗi trong phát triển cà phê bền vững", các đại biểu cho rằng: Để xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất cà phê là hướng đi tất yếu hiện nay. Đây được xem là giải pháp cơ bản để đạt được mục tiêu tăng giá trị và phát triển bền vững.



bcvan.JPG

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn​


Theo Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, các tỉnh vùng Tây Nguyên hiện có 71 hợp tác xã chuyên canh cây cà phê. Các hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp, dần khẳng định được thương hiệu và thâm nhập thị trường các nước, tạo thu nhập khá cho các thành viên hợp tác xã, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng.Lợi ích của hợp tác xã làđẩy mạnh liên kết giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ cách quản lý về chất lượng sản phẩmvà bảo đảm đầu ra ổn định... Thông qua việc sử dụng các dịch vụ của hợp tác xã, thành viên hợp tác xã được cung ứng nguồn giống cà phê có chất lượng, được phổ biến, trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây để đạt hiệu quả cao hơn. Tại vùng Tây Nguyên, nhiều hợp tác xã đã thực hiện tốt việc liên kết với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho thành viên hoạt động hiệu quả, giúp cải thiện thu nhập và mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác cho thành viên cũng như góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Mặc dù hiện đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất tốt từ sản xuất đến tiêu thụ, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nhưng phần lớn sản xuất còn nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, thiếu bền vững, hiệu quả thấp.

Giải pháp liên kết trong phát triển cà phê bền vững

Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã cùng trao đổi, tư vấn cho bà con nông dân những khó khăn, vướng mắc, từ đó giúp bà con đầu tư vào mô hình liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị thu được hiệu quả và lợi nhuận cao nhất.

Các chuyên gia đã giải đáp gần 40 câu hỏi của đại biểu, bà con nông dân đưa ra tại Diễn đàn. Các câu trả lời của chuyên gia sát thực tế và giúp ích cho hộ dân trong sản xuất cà phê, tập trung vào các vấn đề: Chính sách hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, chính sách hỗ trợ giống mới, kỹ thuật tái canh cà phê, sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, phương pháp ghép cải tạo, chế biến, thu hoạch cà phê; phương pháp chăm sóc cà phê trong tình hình biến đổi khí hậu (hạn, mưa trái mùa); cơ chế để bảo vệ quyền lợi cho những nông hộ sản xuất cà phê sạch. Nhiều đại biểu đặt câu hỏi sâu về phương pháp đầu tư để hình thành liên kết chuỗi cà phê; quy trình sản xuất để đạt chứng nhận cà phê sạch; giới thiệu địa chỉ của các cơ sở, doanh nghiệp uy tín thu mua cà phê cho bà con nông dân ổn định hiệu quả…

Trong chương trình Diễn đàn, các đại biểu, bà con nông dân đã đi thăm quan mô hình sản xuất cà phê của Hợp tác xã Sản xuất thương mại - Dịch vụ Cà phê và Nông sản Thương mại Công Bằng Cầu Đất - Xuân Trường ở TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Anh Lý Minh Cường - kiểm soát viên của Hợp tác xã cho biết: "Mục đích của Hợp tác xã là giúp bà con nông dân trong Hợp tác xã ý thức được vị trí, vai trò của mình trong chuỗi giá trị sản xuất cà phê, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường; lợi nhuận được chia đều cho các thành viên. Sản xuất cà phê công bằng là khi Hợp tác xã có thu nhập, sẽ trích từ 20-30% để hỗ trợ cộng đồng xung quanh. Với sản lượng 100 tấn/năm, ngoài cung cấp cà phê cho các điểm rang xay trong nước, hiện Hợp tác xã đã tiếp cận một số thị trường Châu Âu, Mỹ".



maycaphe.JPG

Các đại biểu thăm khu chế biến cà phê của Hợp tác xã Sản xuất TM-DV Cà phê và Nông sản Thương mại Công Bằng Cầu Đất - Xuân Trường​


Để góp phần đưa ngành cà phê tiếp tục phấn đấu vươn lên, bảo vệ vị thế và tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới, cần có những bước đi chiến lược và cụ thể từ định hướng, trong đó có sự tham gia của các bên liên quan để cùng nhau thúc đẩy ngành cà phê phát triển theo hướng sản xuất theo chuỗi liên kết bền vững trong thời gian tới.

Kết luận Diễn đàn, TS.Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực, thế mạnh, có sức cạnh tranh cao, hiệu quả kinh tế tốt của Tây Nguyên, cần có sự chuyển biến mạnh trong chỉ đạo sản xuất và thâm canh theo hướng bền vững, hiệu quả. Vai trò của Hợp tác xã trong chuỗi liên kết hết sức quan trọng, trong đó trách nhiệm của nông hộ trong Hợp tác xã quyết định sự thành công của Hợp tác xã. Các nông hộ cần thực hiện theo quy chế chung của Hợp tác xã theo hướng thâm canh hợp lý, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, tuân thủ quy định chứng nhận chất lượng cà phê, tuân thủ quy trình sản xuất và thống nhất trong tiêu thụ sản phẩm.

Nhằm hướng tới mục tiêu chung: Xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, TS. Trần Văn Khởi đã tổng hợp các ý kiến, đề xuất một số giải pháp như sau:

- Về quản lý, quy hoạch: Trên cơ sở định hướng quy hoạch cà phê cả nước, các địa phương cần lập quy hoạch chi tiết các vùng trồng cà phê trên địa bàn. Rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê tái canh, xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp huy động nguồn lực thực hiện phương án tái canh. Ban hành hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cà phê phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế;

- Về cơ chế chính sách: Các địa phương tiếp tục triển khai một số chính sách đã ban hành: hỗ trợ kinh phí mua giống cây cà phê tái canh hoặc chồi ghép cải tạo; hướng dẫn lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng tái canh theo quy định; chính sách tín dụng cho trồng tái canh cà phê; chính sách hỗ trợ chế biến, tạm trữ, xuất khẩu cà phê;

- Về khoa học công nghệ: Tiếp tục đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Nghiên cứu và đưa vào sản xuất những giống chín muộn để tránh rủi ro do mùa mưa chấm dứt muộn, giống có khả năng thích ứng với điều kiện bất thuận của biến đổi khí hậu như khô hạn, mưa trái mùa; Nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ cà phê trong nước, dự báo thị trường ngoài nước để định hướng cho người sản xuất và doanh nghiệp chế biến;

- Về tổ chức sản xuất: Các địa phương quan tâm đẩy mạnh củng cố, phát triển kinh tế hợp tác, tổ hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn. Tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn như hợp tác xã kiểu mới cho năng suất, chất lượng đồng đều, hiệu quả cao. Tăng cường mối quan hệ giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản. Đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong các khâu canh tác, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch nhằm tăng chi phí, giảm chất lượng, tổn hại môi trường. Sản xuất chủ yếu theo chiều sâu, lấy trọng tâm là chất lượng, an toàn, bền vững;

- Về công tác khuyến nông: Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông và khuyến công đối với lĩnh vực trồng tái canh, tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa một số khâu chăm sóc, thu hái và chế biến cà phê; nhất là khâu sơ chế, bảo quản cà phê ở nông hộ. Xây dựng mô hình và tập huấn chuyển giao cho người sản xuất kết hợp tốt quy trình tái canh cà phê vối với tổng kết kinh nghiệm có hiệu quả để nhân rộng trong sản xuất. Hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chí hiệu quả nhằm mục đích giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng như canh tác theo GAP, sử dụng giống mới, bón phân cân đối, phun thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng;

- Bà con nông dân: Tích cực tham quan học tập, đổi mới về phương thức sản xuất, tham gia sản xuất theo hình hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập./.

Nguyễn Mai - Đức Trung

Trung tâm Khuyến nống Quốc gia
 




Back
Top