Liên kết sản xuất nông nghiệp Việt - Nhật ở Hà Nam


Mô hình trồng rau mới theo công nghệ Nhật Bản được đưa vào trồng thử nghiệm từ tháng 7-2014 trên hai ha tại làng rau Phù Vân, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Bước đầu, mô hình được đánh giá cao với nhiều ưu thế như: chất lượng rau an toàn, năng suất cao và giá thành hạ. Sự thành công của mô hình đã mở ra triển vọng mới về quan hệ hợp tác giữa ngành nông nghiệp của địa phương với các doanh nghiệp của Nhật Bản.

Agriviet.Com-5279a9bb121bf68821c8045e9bbd1c15_XL.jpg




Hiệu quả từ mô hình điểm


Công ty cổ phần An Phú Hưng và Công ty H.B.C International (Nhật Bản) thỏa thuận hợp tác triển khai dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng và chế biến một số loại rau, củ trên địa bàn tỉnh Hà Nam phục vụ trong nước và xuất khẩu". Từ tháng 7-2014, những cây đậu bắp, khoai lang tím và đậu tương rau nhập khẩu từ Nhật Bản được triển khai trồng trên hai ha tại cánh đồng rau của xã Phù Vân. Đây là các loại rau có hàm lượng dinh dưỡng cao được người Nhật ưa dùng và cũng rất phù hợp với tập quán canh tác, khí hậu và thổ nhưỡng của Hà Nam.

Trên cánh đồng trồng rau theo công nghệ Nhật Bản tại xã Phù Vân, những mảnh đất màu của nhiều hộ gia đình đã được Công ty cổ phần An Phú Hưng tập hợp lại thành ô thửa lớn để thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngơi tay hái những trái đậu bắp, chị Nguyễn Thị Loan chia sẻ: "Nếu như trước đây, chúng tôi cũng quanh năm gieo trồng, nhưng năng suất lại chẳng được là bao, cứ giữ phong cách canh tác cũ, manh mún quá thành ra vất vả, quan trọng là chất lượng sản phẩm cũng không được bảo đảm bởi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá lớn.

Nay chúng tôi chỉ cần lo sản xuất làm sao cho đúng kỹ thuật của công ty để có sản phẩm đạt yêu cầu, hằng tháng nhận lương đầy đủ, còn đầu ra thì đã có công ty bao tiêu cả rồi". Giờ đây, không chỉ có chị Loan mà tất cả những nông dân đang tham gia sản xuất trên cánh đồng này đều hiểu và làm khá thành thục các quy trình gieo trồng theo đúng kỹ thuật của Nhật Bản. Đơn cử như: Trước khi gieo trồng cây, đất đã được cày sâu xử lý asen, kim loại nặng và các dư lượng thực vật.

Toàn bộ chế phẩm nông nghiệp được thu gom chế biến thành phân hữu cơ thay thế phân vô cơ làm giàu độ phì nhiêu cho đất. Thuốc bảo vệ thực vật được thay thế bằng thuốc thảo mộc và chế phẩm vi sinh vật.

Từ cuối tháng 9-2014, các sản phẩm đậu bắp, khoai lang cho thu hoạch. Sản phẩm đã được Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Công ty H.B.C Interntional lấy mẫu xét nghiệm tiêu chuẩn. Kết quả xác định các sản phẩm cây trồng được trồng tại đây có hàm lượng dinh dưỡng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Hưng Nguyễn Thị Thu Đang cho biết: Quá trình trồng, chăm sóc cây đều có sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của các chuyên gia Nhật Bản cùng Trung tâm Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm Hà Nội, từ việc xử lý nguồn nước, đất phục vụ các loại rau, củ đến chăm sóc, thu hái. Tuân thủ các kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến trên dây chuyền khép kín, hiện đại, không phát sinh chất thải độc hại làm ảnh hưởng đến môi trường, sản phẩm khi thu hoạch đã đạt chất lượng tốt, bảo đảm các yêu cầu của đối tác.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Nguyễn Quốc Đạt, thời gian tới, ngành sẽ tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đặc thù, có thế mạnh của địa phương, tạo ra sản phẩm nông sản có tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu chế biến của doanh nghiệp. Để phát triển các mô hình liên kết, tỉnh Hà Nam coi trọng việc triển khai điểm để chứng minh hiệu quả kinh tế với bà con nông dân và có sự rút kinh nghiệm. Từ thực tế "mắt thấy, tai nghe", bà con sẽ tự nguyện tham gia.

Chính quyền, doanh nghiệp cùng đồng hành với nông dân

Hà Nam xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế của tỉnh, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân các vùng nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, Hà Nam đã và đang xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Mới đây, trong chuyến xúc tiến đầu tư của đoàn công tác tỉnh Hà Nam tại tỉnh Shiga và Ibarali (Nhật Bản) do đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan về hợp tác trong phát triển nông nghiệp. Đây là hai tỉnh có nền nông nghiệp phát triển của nước bạn. Sau chuyến thăm, hai bên đã thỏa thuận một số hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Phía Nhật Bản cũng đánh giá cao môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh Hà Nam.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương liên kết sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi, cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, nhiều địa phương của tỉnh Hà Nam đã có thu nhập 170 triệu đồng/ha rau màu. Các sản phẩm của Hà Nam được thị trường Nhật Bản ưa chuộng như khoai lang, đậu tương rau, bí đỏ... đã xuất khẩu sang Nhật. Hiện nay, khả năng tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân Hà Nam tương đối tốt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa. Tuy nhiên, để thuyết phục được nông dân thay đổi tập quán canh tác và tư duy sản xuất cũ thì cách tốt nhất là bằng chính hiệu quả của các mô hình, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Từ thành công của mô hình sản xuất đậu bắp và rau xuất khẩu tại xã Phù Vân, TP Phủ Lý, UBND tỉnh Hà Nam đã chọn hai xã Nhân Khang và Nhân Chính (huyện Lý Nhân) để nhân rộng mô hình. Đây là hai xã có kinh nghiệm sản xuất nhiều năm, có thổ nhưỡng thích hợp với việc phát triển cây đậu bắp và rau xuất khẩu.

Diện tích được quy hoạch trồng tại xã Nhân Khang là 34,2 ha, xã Nhân Chính là 34,27ha. Đại diện Công ty cổ phần An Phú Hưng cam kết sẽ đồng hành cùng bà con trong quá trình sản xuất bằng cách cung ứng toàn bộ giống và bao tiêu sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Về phía tỉnh, khi thực hiện mô hình sẽ đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống thủy lợi, quy trình kỹ thuật sản xuất. Đặc biệt, kỹ thuật áp dụng trong quá trình sản xuất sẽ do chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn. Đối với diện tích sản xuất trong vùng quy hoạch sẽ hướng người dân cho doanh nghiệp thuê đất theo thỏa thuận, có sự bảo đảm của UBND tỉnh cùng các ngành chức năng. Đa số các hộ dân có đất thuộc vùng quy hoạch đều bày tỏ sự đồng tình cao với chủ trương của UBND tỉnh. Đây là mô hình mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng phải bảo đảm thắng lợi.

Bài, ảnh: ĐÀO PHƯƠNG
(Theo báo nhandan)
 
Các bác cho em hỏi một câu. Ở đây ta sử dụng công nghệ Nhật, rau sx ra cũng xuất vào thị trường Nhật nhưng (chỉ) đạt 170triệu/ha. Trong khi israel họ xuất vào Eu, chi phí sản xuất cao, lương trả cho công nhân cũng tầm 1 triệu đồng/người/ngày rồi. Chắc chắn là công nghệ Nhật ở Vn thì ko bằng công nghệ bọn israel được nhưng ko hiểu vì sao có sự chênh lệch quá lớn về giá trị đó?
 
Back
Top