So với vài chục năm trước đây, nền nông nghiệp Việt Nam đương đại đã có những bước tiến bộ vượt bậc: nhiều công nghệ mới đã được đưa vào thực tiễn sản xuất, mặt bằng dân trí và trình độ canh tác đã được nâng lên tầm cao mới, cơ chế thị trường cũng mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa lưu thông vv… Tất cả những điều đó làm cho đời sống nông dân ở các vùng nông thôn khởi sắc; đời sống nông dân bây giờ sung sướng hơn rất nhiều thế hệ cha ông họ…
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì bức tranh chung của nền nông nghiệp Việt Nam vẫn cơ bản màu xám: chất lượng hàng hóa còn thấp và chưa đồng đều, chưa có nhiều những vùng sản xuất tập trung cung cấp sản phẩm quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; tỷ lệ đưa vào chế biến để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cũng còn ít…Vì đó và nhiều lý do khác mà hàng hóa sản xuất ra bị dư thừa, không tiêu thụ được…
Bao trùm lên tất cả nhược điểm của nền nông nghiệp Việt Nam là tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; tỷ lệ dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cao, đến 70%; nhưng tài sản sở hữu kém, công cụ lao động còn thiếu và trình độ canh tác còn rất thấp so bình diện quốc tế; và cuối cùng là tuy nhiều mà không mạnh, không đáp ứng được nhu cầu thị trường trong, ngoài nước nên…gãy!
Nhiều người cứ cho là do thương lái ép giá và trách nhà nước không quy hoạch, định hướng cho nông dân để ra nông nỗi; cái điệp khúc “được mùa mất giá” cứ vang vang mãi hàng năm …. Có đúng thế không?
Cớ chế thị trường có nguyên lý “nước về chỗ trũng”. Trong cơ chế đó; thị trường sẽ tự điều tiết: cái gì sản phẩm ít, ngon, khách hàng cần nhiều thì giá tăng cao chót vót; cái gì quá nhiều, xấu, dư thừa thì mất giá là lẽ đương nhiên! Một khi hàng hóa khan hiếm đố “thằng” thương lái nào can thiệp vào giá được. Mặt khác, làm thương lái cũng chả phải là nghề gì cao siêu, đòi hỏi trình độ tiến sĩ, thạc sĩ... Người bình thường cũng có thể làm thương lái . Nếu ai làm thương lái cũng giàu lên ào ào thì thiên hạ bỏ ruộng đồng đi làm thương lái hết.
Có làm thương lái mới hiểu hết nỗi cơ cực của nghề này, và cũng đã có rất nhiều người bị phá sản.
Nhà nước hiện nay cũng xây dựng đầy đủ ban bệ, có đầy đủ các chính sách ở tầm vĩ mô và vi mô để phục vụ nền nông nghiệp, nhưng hiệu quả chưa đến đâu trong tình hình hiện tại; mặt khác, nông dân là chúa bảo thủ: một khi họ muốn làm là mặc cho cán bộ khuyến cáo, loa đài tuyên truyền ầm ĩ bên tai họ vẫn làm; nhưng khi thất bại lại quay trách nhà nước.
...Ơ! Dám làm thì phải dám chịu, cớ sao đổ thừa ?
Vậy, làm thế nào để giải phóng sức sản xuất cho nền nông nghiệp, mở ra cuộc cách mạng mới cho nông nghiệp Việt Nam tiềm ẩn lên nền sản xuất lớn, an toàn và bền vững?
Theo tôi, chỉ có cách đánh sập nền nông nghiệp hiện tại đi!
Phải thay đổi tận gốc trong thời gian nhanh nhất để cải biến nền nông nghiệp Việt Nam từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thành nền sản xuất lớn, tập trung, hiện đại; trong đó, tỷ lệ dân số làm nông nghiệp ít, ứng dụng tối đa thành tựu kỹ thuật và công nghệ, hàng hóa làm ra hầu hết phải có địa chỉ tiêu thụ trước. Chúng ta thà chịu đau một lần còn hơn chết chùm cả lủ!
Chúng ta sẽ làm được như vậy trong thời gian ngắn (khoảng 5-10 năm tới) không?
Với các nhà kỷ trị, đụng đến quyền lợi, cuộc sống của dân nghèo là đi vào chỗ chết. Nâng thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân… nhà nước không thể tự đâm đầu vào chỗ khó và nhạy cảm như thế.
Nhưng vẫn có cách làm và sẽ làm được!
TPP chính là cơ chế, là công cụ giúp nhà nước làm được cuộc cách mạng cải biến nền nông nghiệp. Tôi nghĩ, khi đi vào đàm phán TPP, các nhà đàm phán Việt Nam đã lượng giá được hết mọi hậu quả cũng như thành tựu mà hiệp định thương mại TPP mang lại cho Việt Nam. Tôi cho rằng, tuy nhà nước không nói ra, nhưng đang mượn bàn tay lông lá của hiệp định TPP để bóp chết nền nông nghiệp nhỏ lẻ, chấp nhận “xóa bài làm lại” cho nền nông nghiệp Việt Nam. Một khi các dòng thuế, rào cản nhập khẩu trở về con số 0, hàng hóa của các nước có nền kinh tế phát triển sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam với giá rẻ, chất lượng ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nông dân Việt Nam sẽ là người đầu tiên thấm đòn. Trừ những nông sản chủ lực riêng có của Việt Nam và những nông dân có đủ trình độ và mọi điều kiện cạnh tranh là còn đất sống, tất cả các nông sản phổ thông sẽ chết. Ví dụ: Con gà ta là đặc hữu của Việt Nam sẽ sống trong giai đoạn đầu; nhưng rồi các ông chủ lớn đang chăn nuôi gà công nghiệp không cạnh tranh nỗi với sản phẩm nhập nội, cũng sẽ chuyển sang nuôi gà ta; với chuồng trại, kinh nghiệm sẵn có lúc đó thì con gà ta cũng rẻ mạt...tất cả sẽ…chết chùm….Con heo, con bò cũng vậy!
Quá trình chuyển đổi này diễn ra ngày càng mạnh (vì người ta gở rào cản thuế quan từ từ chứ không“bụp” một lần). Nông dân sẽ thua lổ triền miên; những nông dân trẻ sẽ bỏ nghề, hòa nhập vào đội ngũ công nhân vào làm việc trong các nhà máy công nghiệp được các nhà đầu tư nước ngoài mở ngay tại địa phương, chấp nhận một cuộc sống bình lặng, đủ sống nhưng không có cơ hội làm giàu. Trên đồng ruộng chỉ còn lơ thơ người già và con nít. Riết rồi làm không được, phải bán đất thôi! Khi đó, các đại gia có tiền, có công nghệ sẽ mua gom hàng ngàn ha đất, đầu tư theo chiều sâu; ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Chỉ đến khi đó, nông nghiệp Việt Nam mới sánh vai với các cường quốc năm châu. Hàng làm ra đạt số lượng và chất lượng xuất khẩu; có sẵn nơi tiêu thụ. Nông nghiệp Việt Nam sẽ cất cánh từ đây…
Các bạn cứ ném gạch đá thoải mái; nhưng thời gian sẽ trả lời những dự báo của tôi có đúng hay không.
Last edited: