Trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến sự giảm giá nông sản, đặc biệt là cây công nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong đó cao su, mía, khoai mì ... chịu tác động khá lớn. Hiện tại, rất nhiều bà con nông dân trồng cao su và mía đường ở các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh đang đổ xô hạ cao su, bỏ mía đường chuyển sang đầu tư vào trồng khoai mì, do đặc tính khoai mì có thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch chưa đến một năm, vòng quay thu hồi vốn nhanh. Nhưng thực tế, rất nhiều bà con đầu tư vào khoai mì bị thua lỗ khá nhiều do nhiều nguyên nhân khách quan từ thời tiết, đến chủ quan từ kĩ thuật trồng đến chăm sóc và thu hoạch. Nhận diện ra các vấn đề bà con vướn mắc khi đầu tư khoai mì, chúng tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm và ý kiến để giúp bà con có thêm thông tin đánh giá, nhằm có một vụ mùa thành công khi đầu tư vào cây khoai mì.
I/ LỰA CHỌN ĐẤT TRỒNG:
Khi đề cập yếu tố này, rất nhiều người đã khinh xuất bỏ qua khi lựa chọn vị trí đất để trồng mì. Đất trồng mì phải thoát nước tốt, đặc biệt là vùng đất cao hay gò cao, không bị ngập nước vào mùa mưa. Để biết đất có bị ngập nước hay không, bà con nên đi xem đất vào tháng 6-7 AL sẽ thấy rõ, còn đi xem vào mùa khô thì không biết được. Ở Tây Ninh và Bình Phước có nhiều vùng đất gần núi có hiện tượng bị oi nước từ mạch nước ngầm, khi mì mới trồng xuống vào tháng 3-4 AL cây phát triển rất tốt, nhưng đến tháng 6-7AL do mưa nhiều, nước ngầm từ đất cứ tràn ra làm cây chết hàng loạt, do bị thối rễ nên bà con lưu ý .
Đối với 1 số nơi bà con trồng mì ruộng thì có thể nói như một canh bạc, vì mùa mưa đến sớm như năm nay thì xem như lỗ nặng, mì bị ngập nước phải lên sớm, củ chưa lớn, bột chưa có. Bà con ở Tây Ninh năm nay thua lỗ rất nhiều khi đầu tư mì ruộng, và kể cả mì trên gò, một số nơi cũng bị ngập thối củ hàng loạt. Tóm lại, khâu lựa chọn đất rất quan trọng, bà con nên lưu ý kĩ.
II/ KHÂU LÀM ĐẤT VÀ ĐỖ GÒ
Nói đến khâu cày đất sẽ có nhiều người cho rằng cứ cày đất rồi bừa sau đó đổ gò là xong, nhưng thực tế để đạt hiệu quả năng suất mì cao, đất trồng mì cần được cày lâm kĩ, tạo tầng đất tơi xốp thì khi củ mì non ra có điều kiện thuận lợi để vươn dài củ, củ mới to và nặng được. Đối với mì trồng hom đứng nếu cày lâm không đạt củ sẽ ngắn, củ không to, năng suất giảm.
Đối với khâu đổ gò cũng khá quan trọng vì tuỳ vào cách đặt hom mì và tuỳ vào mùa trồng mà người ta sẽ đỗ gò phù hợp. Nếu trồng vào mùa nắng tháng 10 AL thì nên đổ gò 2 hoặc gò 3 ( trồng hàng ngang 2 hay 3 hom mì) và trồng hom nằm sẽ hiệu quả cao. Mùa nắng hom nằm trồng sâu dưới đất giúp giữ ẩm tốt hơn , cây non dễ lên mầm.
Còn mì trồng mùa mưa tháng 3-4 AL nên đỗ gò 1 hoặc gò 2 sẽ tốt hơn vì mùa mưa cây dễ sinh bệnh, nên trồng khoảng cách thưa, thoáng giúp cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh. Riêng mì trồng hom đứng ( hom cặm) thích hợp trồng mùa mưa vì hom đủ độ ẩm để cây lên chồi non.
III/ KHÂU BÓN LÓT
Để khoai mì đạt năng suất cao, bà con nên thực hiện bón lót phân bón trong lúc làm đất, đây là nhân tốt quan trọng để giúp cây mì đạt năng suất củ cao nhất. Theo trải nghiệm, cần bón lót các thành phần phân bón như sau:
- Phân Lân: đây là nguyên tố đa lượng quan trọng không thể thiếu đối với cây mì, giúp cây non hình thành phát triển tốt thân,lá và tác động trực tiếp đến quá trình hình thành củ non từ rễ bất định. Hiện nay, trung bình 1ha bón lót 400-500 kg Lân, nếu có điều kiện có thể bón lót 1 tấn/1ha thì càng tốt.
- Phân NPK: trên thị trường có nhiều loại NPK dùng bón lót như NPK 15-15-5, NPK 16-16-8, hay NPK 20-20-15… có thể lót 200-300 kg tuỳ vào điều kiện đất trồng.
- Phân hữu cơ: ở đây có thể dùng cho vùng đất đã chuyên canh khoai mì, giúp cải tạo đất. Hoặc những vùng đất cát, đất dễ bị rửa trôi khoáng thì có thể lót thêm phân hữu cơ, hay phân humic nguyên liệu dùng để bón lót, loại này giúp cố định NPK và khoáng trong đất, hạn chế khoáng bị mất do bị rửa trôi.
- Phân Trung-vi lượng: thường loại này ít được quan tâm sử dụng. Đối với đất đã thâm canh khoai mì nhiều năm, thành phần trung vi lượng trong đất mất đi rất nhiều, nên bổ sung phân bón Trung-vi lượng để cung cấp các vi lượng cần thiết cho cây con, tăng sức đề kháng bệnh, giúp cây tăng khả năng hình thành củ non. Trung bình dùng 40-50 kg phân bón Trung-vi lượng cho 1ha.
IV/ KHÂU XỬ LÝ HOM
Chủ đề này đã được trình bày, xin nhắc lại là hom mì cần được xử lý trước khi trồng để giúp cây con lên đều, nhất là vào mùa nắng. Cây được xử lý hom có bộ rễ nhiều hơn 40% so với không xử lý, số lượng củ non hình thành cũng tăng lên rất nhiều, đồng thời có thể phòng được một số bệnh về sau cho cây, nhất là bệnh xì mũ.
V/ KHÂU BÓN PHÂN:
Bón phân ở đây bao gồm 2 việc là bón qua lá và bón gốc.
1/ Bón phân qua lá:
Việc bón phân qua lá phần lớn phun khi cây mì còn nhỏ nhằm bổ sung thêm dinh dưỡng qua lá, đồng thời có thể sử dụng chất kích thích sinh trưởng tác động đến quá trình hình thành củ non, hay kích thích củ to-dài cũng như tăng hàm lượng tinh bột.
- Xử lý giúp cây mì non tạo củ: thời gian lí tưởng từ 45-55 ngày sau khi trồng, bổ sung các hoạt chất cần thiết để cây phát triển củ non với khả năng cao nhất , đồng thời tăng sức chống chịu với thời tiết khắc nghiệt do mưa nhiều hay nắng nóng, chống chiụ trước sâu bệnh.
- Xử lý cho cây to củ: việc xử lý to củ gồm 2 yếu tố, tác động kéo phom củ dài ra cũng như kéo dãn tế bào biểu bì của củ non, giúp củ vừa to vừa dài. Đồng thời kích thích quá trình tích tụ tinh bột ở củ, giúp cây đạt độ bột tối ưu nhất. Thời điểm phun lí tưởng là 90-100 ngày sau khi trồng.
- Xử lý tăng độ bột cho khoai mì: trong điều kiện cần thúc cây tăng tốc quá trình tăng độ bột để có thể lên mì sớm hay tránh ngập nước thì nên phun qua lá thời điểm trước 1 tháng trước thu hoạch giúp củ tăng bột, tăng trọng lượng rất đáng kể.
2/ Bón gốc:
Thông thường, quá trình bón thúc khoai mì chia làm 2-3 lần sau khi trồng, tuỳ vào điều kiện đất và khả năng đầu tư, trung bình như sau:
- Bón thúc lần 1: tiến hành bón thúc sau 90-100 ngày. Giai đoạn này, cây đã hình thành củ nên cần rất nhiều Kali, nên tập trung bón thúc Kali cho cây phát triển củ trung bình 100-150 kg/1ha. Có thể kết hợp thêm 100 kg NPK loại có hàm lượng Kali cao. Xin lưu ý, giai đoạn này không nên bón Đạm (Ure) vì làm cây tập trung phát triển thân lá quá nhiều, cây cao vọt, làm củ nhỏ, chậm lớn.
- Bón thúc lần 2: tiến hành bón thúc lần 2 cách 30-35 ngày trước khi thu hoạch để giúp củ đạt độ bột tối đa, giúp vỏ củ cứng hạn chế tình trạng nứt củ ở những vùng đất có tỷ lệ N cao hoặc đất ẩm. Có thể kết hợp với xử lý tăng độ bột để cây mì cho năng suất và độ bột cao nhất.
Một vấn đề khác là bà con nên xử lý cho cây mì lùn, hạn chế chiều cao, giúp mắc cây khít, thân to, chống đỗ ngã vào mùa mưa hay gió lớn. Đồng thời, giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi củ. Thời điểm xử lý thích hợp từ ngày thứ 50 sau khi trồng và có thể phun nhắc lại 1 lần vào ngày thứ 100 sẽ cho kết quả cao nhất. Hoạt chất sử dụng ở đây là Chlormequat Chloride ( có tên thương mại là CCC ).
Kính mong bà con mình có thêm thông tin để Thành công khi đầu tư vào Khoai mì vào thời gian tới. Nếu có thắc mắc xin vui lòng Email về chúng tôi: Lethanhan118@gmail.com.
Last edited: