Nông dân không chủ động thì ai giải cứu nông sản mãi được?

Mấy ngày hôm nay, các phương tiện thông tin đại chúng và báo chí lại đưa câu chuyện giải cứu dưa hấu ra bàn. Rồi mấy bạn tình nguyện viên, sinh viên lại vác từng quả dưa đi bán hộ giúp bà con nông dân ở Quảng Ngãi. Câu chuyện chẳng có gì mới, chỉ toàn kêu ca, than vãn, ... mà chẳng đưa được ra giải pháp nào cả. Chẳng lẽ, năm nào cũng giải cứu?
Xa xa hơn nữa, là cuộc khủng hoảng trong ngành chăn nuôi lợn. Có lẽ cảm giác này nhiều người con nhớ. Chúng ta giải cứu bằng cách ăn, ăn và ăn thật nhiều thịt lợn. Nhà nhà mổ lợn, người người mổ lợn. Nhiều nhà phá sản. Đau lòng hơn nữa là nhiều câu chuyện không công khai là việc nhiều người quyên sinh ... Câu chuyện về giải cứu lợn còn kéo theo nhiều ngành khác lao đao. Nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi phải sản xuất cầm chừng. Nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi bị “mất” giá nghiêm trọng, đặc biệt là ngô thương phẩm. Như hồi tháng 7/2017, ngô bắp có lúc xuống còn 1800 đồng/kg (cùng kỳ 2500 đồng/kg). Đau khổ hơn là nhiều nông dân không thể bán ngô do không có thương lái thu mua. Và còn rất nhiều những hệ lụy khác ...
1525917797-2480-1-104970.jpg
Còn nhiều loại nông sản khác cũng từng rơi vào cuộc hoảng gần đây như củ cải tại Hà Nội, nông dân cho người khác mà không ai lấy. Rồi dự báo về cuộc giải cứu các loại cây có múi trong thời gian gần nữa ...
Nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích tình hình và cũng đưa ra nhiều giải pháp. Nhưng có vẻ “vung nào vẫn về nồi ấy”. Nhiều nhận định cho rằng, muốn làm được việc lớn thì phải đồng bộ từ khâu nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ. Nhưng ai/cơ quan nào sẽ là người chủ trì việc này? Là cơ quan của trung ương hay các cấp chính quyền địa phương?
Trong lúc chờ những chiến lược đúng đắn, có lẽ người nông dân cần phải tự cứu lấy mình trước. Cứu mình bằng cách nào bây giờ?
Chúng ta đang bùng nổ cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, nông dân phải trở thành một nhà sản xuất, chứ không phải là một người canh tác nông nghiệp thuần túy nữa. Những điều chuyên sâu hơn, tôi cũng không thể nói đủ, nhưng tôi mong những nhận định dưới đây sẽ giúp ích cho các bạn nông dân thời 4.0:
Thứ nhất, lực lượng tham gia sản xuất không dừng lại là những bác nông dân chân chất được. Lực lượng này bao gồm cả những nhà khoa học (nghiên cứu phải có tính ứng dụng, phải tham gia sản xuất thì mới đủ sự đúng đắn trong suy nghĩ được); tri thức, sinh viên (học là để làm, được đào tạo là để thực hành, không thể nghĩ rằng học ra là để làm cán bộ được, ai dè một phòng ban có 1 trưởng phòng, 3 phó phòng mà không có nhân viên); đơn vị quảng bá, phân phối, tiêu thụ sản phẩm (họ chẳng thể nói hay nếu không hiểu hết về sản phẩm nông sản họ định nói, họ chẳng thể kinh doanh thành công nếu không đổ mồ hôi cùng nhà sản xuất, họ có lợi nhuận thì cần đầu tư ngược trở lại mới mong cải thiện về chất lượng sản phẩm, ... Chứ giống như mấy anh chị ở mấy cái đài lớn làm về truyền thông cho nông nghiệp mà toàn nói sai, nói ẩu, thậm chí có tiêu cực để quảng cáo ngầm mà không quan tâm sản phẩm có thực sự tốt cho người tiêu dùng hay không).
Thứ hai, phải phát huy đúng các tiêu chuẩn của nghành. Hiện tại, theo hiểu biết của tôi, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều bộ tiêu chuẩn về chất lượng nông sản, ví dụ như VietGap, GlobalGap, ... Tôi khẳng định những tiêu chuẩn này rất tốt cho ngành sản xuất nông nghiệp để đảm bảo nông sản làm ra chỉ có tốt cho sức khỏe con người mà không có xấu đi. Nhưng, nếu ai đó để ý kỹ, dường như bộ tiêu chuẩn này đang bị lợi dụng để chưng ra làm bình phong cho chất lượng nông sản chứ không phải là bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nông sản thực sự. Rất nhiều những công ty lớn (của Việt Nam nhưng tầm quốc tế), nhiều liên minh về nông nghiệp, ... quảng bá, tung hô việc họ đạt được tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia nhưng thực sự lại khác rất nhiều. Việc này có lẽ để mọi người tự tìm hiểu thôi. Tôi chỉ muốn nói rằng, đã là nhà sản xuất nông nghiệp thì cần đặt cái tâm vào đó. Mỗi một nông sản làm ra cũng giống như một đứa con được sinh ra từ máu mủ của mình vậy. Chỉ có như thế, người tiêu dùng mới ủng hộ nhà sản xuất và là cơ hội để cạnh tranh lành mạnh với nông sản của đối thủ.
Thứ ba, đã là nhà sản xuất thì phải biết mình sẽ bán nông sản của mình ở đâu trước khi bắt tay vào sản xuất. Thuật ngữ chuyên môn người ta gọi là định hướng thị trường, nghiên cứu thị trường, phát triển thị trường , ... Hiện nay rất nhiều bạn cứ làm theo phong trào, họ trồng cam thì mình cũng trồng cam, họ bỏ ngô trồng chanh leo thì mình trồng chanh leo, ... Đầu tư cả núi tiền của, công sức mà không biết tương lai mình sẽ thế nào. Tôi có về một vùng chuyển từ ngô sang trồng rất nhiều cam, bưởi, nhãn. Có lẽ nơi đây tới 70% họ chuyển đổi như vậy. Những người chuyển đổi này khi được hỏi về việc sẽ tiêu thụ sản phẩm thế nào, họ trả lời rằng không biết. Thật phũ phàng, cả núi công núi của mà lại không biết nó đi về đâu!!! Nhưng trong số đó vẫn có một số ít người có lối suy nghĩ khác hẳn. Một là, tất cả mọi người chuyển, tôi ở lại trồng ngô, ai có đất tôi thuê lại. Cam, bưởi, nhãn, ... không bán được chỉ vất đi, còn tôi ngô không bán được thì làm thức ăn chăn nuôi; Hai là, mặc kệ họ trồng càm, bưởi, nhãn, ... mình tôi trồng một loại cây khác là mít, ít người trồng hiển nhiên tôi sẽ sống khỏe. Thật khó để biết ai đúng, ai sai nhưng thấy cái ông suy nghĩ trồng ngô có lẽ sẽ sống khỏe nhất.
Thứ tư, cần ngay sự vào cuộc cơ quan chức năng. Kinh tế của địa phương ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, chính trị. Dân giàu tự khắc cán bộ sẽ khỏe, quản lý dễ dàng, an sinh xã hội được đảm bảo. Nhưng một thực trạng hiện nay là nhiều cơ chức năng không hiểu hoặc chỉ đạo bừa bãi, sai; không phải việc của tôi; dân làm thì tự chịu, ... Đó là sự vô trách của những công bộc của người dân. Đáng lẽ, những cán bộ này cần phải hiểu hơn, cần phải đưa ra nhiều đường hướng, cần phải mạnh dạn quy hoạch, cần phải có kiến thức để tư vấn, ... cần phải hiểu người nông dân để cho những nhà sản xuất nông nghiệp một cánh tay thực sự từ hệ thống chính quyền. Tôi biết, vẫn rất nhiều người có tâm, tự đặt bản thân vào suy nghĩ của người nông dân và từng ngày họ định hướng, giúp đỡ những nhà sản xuất nông nghiệp. Cần ngay, cần ngay một “bản đồ quy hoạch” nông nghiệp để không ai cần phải giải cứu ai cả ...
Nói tóm lại, hơn ai hết, nông dân phải tự hiểu mình, hiểu người và trở thành một nhà sản xuất nông nghiệp thực sự. Không ai có thể nhanh tay cứu mình bằng chính bản thân mình được!
 




Back
Top