Nông sản, nông nghiệp Việt trong mắt người Nhật

Vị Trưởng đại diện JICA nói ông rất quan tâm đến việc được ăn sạch, thế nhưng...
Sau khi Việt Nam tiến hành đổi mới, ngành có phản ứng nhanh nhạy với cơ chế thị trường nhất và thành công nhất chính là nông nghiệp.

Đây là nhận xét của ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, tại một cuộc họp báo về chuỗi nông sản tổ chức hôm 16/12 tại Hà Nội.

Rất nhiều vấn đề

Gạo, cà phê và hạt tiêu Việt Nam đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu có năng lực cạnh tranh cao, đứng vị trí thứ nhất hoặc thứ hai thế giới. Các mặt hàng như tôm, cá da trơn cũng được xuất khẩu mạnh. Ngoài ra, tháng 11 năm nay, xoài của Việt Nam đã bắt đầu được xuất sang Nhật Bản, khởi đầu cho sự xuất khẩu đa dạng hoa quả sang các nước.

Mặc dù vậy, nông sản Việt vẫn còn rất nhiều vấn đề, theo ông Mori Mutsuya.

Trước tiên là độ an toàn. Với tư cách là một người đang sống tại Việt Nam, vị Trưởng đại diện JICA nói ông rất quan tâm đến việc được ăn sạch, thế nhưng hiện tại dường như chưa có nhiều nguồn cung thực phẩm sạch đáng tin cậy.

Nhiều nhà sản xuất không xây dựng được cho người tiêu dùng niềm tin chắc chắn về tính an toàn, nên cho dù có sản xuất nông sản sạch cũng không có thị trường để bán được giá cao. Đó là còn chưa kể đến quy trình tiêu thụ hàng hóa phức tạp, khâu thanh toán phức tạp và chậm trễ khiến nông dân không thể dự toán được lợi nhuận, nên họ ngại đầu tư vào sản xuất. Cuối cùng, cho dù mục tiêu là hướng tới xuất khẩu, thì với giá đầu vào như đất và phân bón cao, thì năng lực cạnh tranh cũng không có.

Ông Mori Mutsuya nhấn mạnh, hoạt động quản lý chồng chéo cũng tác động rất nhiều đến sự phát triển của ngành nông nghiệp. Từ khâu sản xuất đến khâu bán hàng, có quá nhiều cơ quan quản lý của Nhà nước cùng chịu trách nhiệm liên quan, ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm sản xuất nông sản; Bộ Công Thương chịu trách nhiệm đối với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, ngoại thương, chế biến và quản lý thị trường… cho đến Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, cái thiếu hiện nay là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan này.

Lấy ví dụ tại Nghệ An và Lâm Đồng - hai tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, ông Yamamoto Satoshi, cố vấn cao cấp của JICA, nêu ra một loạt vấn đề gây tổn hại cho nông nghiệp hai tỉnh này: giá bán nông sản tại mỗi hộ gia đình nông dân không đồng nhất, đồng thời nông dân cũng không thể làm được khâu gia công, đóng gói, dán nhãn sản phẩm.

Ý thức của nông dân đối với năng suất, chất lượng, nhu cầu thị trường hay tuân thủ hợp đồng còn thấp, không thể đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp về chất lượng, số lượng nông sản. Nông dân tùy tiện bán cho thương lái khác ngay khi họ được trả giá cao hơn và vì vậy làm khó cho doanh nghiệp thu mua...

Về phía doanh nghiệp, với lợi thế nắm trong tay mạng lưới phân phối, họ cũng hay ép giá nông dân, và nông dân vì vậy cũng chỉ có thể bán được hàng hóa với giá thấp.

Hạ tầng quá yếu

Theo ông Yamamoto Satoshi, tập quán canh tác của nông dân Việt Nam hiện nay cũng mang nặng tính “ăn xổi”, khi trồng trọt chỉ dựa vào hợp đồng của bên trung gian thu mua với lợi ích ngắn hạn dẫn đến suy thoái đất, làm mất độ phì nhiêu của đất. Ngoài ra, sự can thiệp của nhiều khâu trung gian hay bán hàng tại chợ bán lẻ truyền thống cũng khiến kênh lưu thông phân phối bị phức tạp hóa, không thể cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin về nông sản thích hợp.

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động vận chuyển nông sản còn quá yếu, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều khu vực chưa được trải nhựa đường, thời gian vận chuyển nông sản tới nơi tiêu thụ quá dài. Hộ gia đình và doanh nghiệp không có xe tải lạnh giúp đảm bảo chất lượng nông sản sau thu hoạch.

Các doanh nghiệp nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong việc làm sao để có được đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bởi đất nông nghiệp đã bị chia quá nhỏ. Nếu muốn làm nông nghiệp trên quy mô lớn, doanh nghiệp sẽ phải đàm phán với quá nhiều bên và mỗi bên đòi một mức giá khác nhau. Khả năng đầu tư và phát triển sản xuất nông nghiệp của doanh nghiệp vì vậy chịu rất nhiều hạn chế.

Với tư cách là cầu nối cho doanh nghiệp Nhật - Việt, đại diện JICA cho biết ngoài các yếu tố địa phương, các doanh nghiệp Nhật rất quan tâm đến hợp tác công nghệ với Việt Nam. Hiện nay đã có ít nhất 8 trường đại học của Nhật sẵn sàng hợp tác với Đại học Cần Thơ và Đại học Nông nghiệp của Việt Nam để cải thiện công nghệ sau thu hoạch, chế biến sản phẩm và gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp Nhật cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng đầy đủ cơ sở gia công thực phẩm hay cơ sở thu gom, phân loại, lưu kho nông sản; cải thiện cơ chế lưu thông; xây dựng môi trường đầu tư để thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp; thành lập “khu sản xuất chế biến nông nghiệp” có sự tham gia của doanh nghiệp Nhật và thành lập mô hình hợp đồng giữa khu sản xuất nông nghiệp với nhà nông lân cận.
 
Nhật Bản là thị trường khó tính. Chỉ cần tuân thủ quy trình chuyển giao công nghệ chăn sóc bảo quản thực phẩm Vn sẽ có lợi thế. Các mặt hàng đầu tàu của chúng ta đã có cà phê, tiếp nữa là trái cây. Khâu quan trọng nhất là kết nối chặt chẽ giữa nhà nông với nhà khoa học cùng doanh nghiệp. Một khi Tpp có tác dụng chúng ta cần quán triệt khâu bản quyền thương hiệu. Thân mến.
 
Mình từng sống ở một vùng nông thôn của Nhật gần 6 năm, từng quan sát họ làm nông nghiệp, từ trồng khoai, trồng rau, trồng cam, dưa hấu...đến cả việc trồng lúa! Mọi thứ rất đơn giản, không có gì cầu kì! Ở đây mình nói trong điều kiện canh tác bình thường, chứ không phải trong nhà kính hay công nghệ gì cao siêu cả! Có thể do vị trí địa lý của họ nằm ngoài biển, việc xâm nhập của các loại sâu và dịch bệnh không dễ dàng gì nhưng cái quan trọng là tập quán và ý thức sản xuất của nông dân rất cao! Họ không tuỳ tiện dùng thuốc bảo vệ thực vật hay các loại phân bón hoá học! Bằng chứng là mình từng chứng kiến một ruộng bắp cải bị sâu ăn be bét phải cày xới ngâm nước bỏ! Hay một ông cụ cỡ ngoài 80 run lẩy bẩy đi kiểm tra từng củ hành tây trên thửa ruộng nhà mình, bà cụ nhà gần bên cần mẫn bê từng thúng cám gạo rải lên mặt luống trước khi đặt dây trồng khoai lang! Chưa từng thấy họ vác bình xịt thuốc hay bất cứ thứ gì lên vườn rau củ! Giá cao thì bán, giá thấp thì máy xới bằm nát! Mình tin chắc rằng họ chẳng cao siêu gì, chỉ là áp dụng các phương thức canh tác truyền thống: tôn trọng các quy luật tự nhiên, không lấy hết của thiên nhiên cái gì, luôn dành một phần kết quả canh tác của mình cho tự nhiên...tức là nương vào tự nhiên mà cùng tồn tại
 
chính xác tại dan việt nam cả thôi.muốn ăn hết thì phải chịu hậu quả từ sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.không hiểu sao người lớn tuổi họ không suy nghĩ làm vì lợi nhuận.con cháu chúng ta bây giờ muốn thay đổi theo nông nghiệp sạch thì đã quá muộn.
 
Back
Top