Thùng nước gạo

Trong thời buổi khó khăn, nhà nhà tìm cách tăng gia sản xuất, chăn nuôi..., thùng nước gạo thực sự quan trọng trong cách tạo thu nhập của mỗi gia đình.
Xưa, cái giại bếp bao giờ cũng được đóng cái đinh hay treo cái móc, để treo lên đó cái rổ rửa rau, cái rá vo gạo. Rổ, rá dùng xong vỗ cho sạch rồi treo lên đấy cho khô chứ không mốc rồi mục hết cả. Còn phía sân bể bao giờ cũng có cái chậu rửa bát, cạnh thùng nước gạo. Thùng nước gạo có khi là cái nồi sành, như cái nồi làm giá đỗ, khi là cái thùng gánh nước hỏng quai, có khi là cái xô đã bị gò lại đáy. Thùng nước gạo để chứa nước vo gạo cho mỗi bữa cơm, rồi thức ăn thừa sau mỗi bữa.

Xưa, người quê mải làm thường dậy từ tờ mờ sáng, chụm củi nhóm bếp thổi cơm. Mâm bát dọn ra từ sớm, sang thì cơm ăn với món mặn như cá tép kho, tôm rang, nếu không chỉ tương cà ăn với cơm trắng. Người đi làm, cứ phải ăn cơm mới chắc dạ được. Trẻ con cũng chỉ có cơm ấy ăn rồi đi học. Nhiều nhà lúc giáp hạt có khi chỉ đủ cơm cho đám trẻ, còn người lớn phải ăn độn khoai, độn sắn.
img4888-1601611788453253075768.jpg


Vất vả là thế mà thiếu đói rình rập, nên đương nhiên phải tính đến cấy trồng và chăn nuôi. Nếu nuôi trâu bò thì vốn lớn, lại lo chuồng trại, chăn thả sẽ vất hơn là nuôi lợn, nuôi gà. Thế nên thùng tích nước vo gạo cùng bèo rau cám bã sẽ khiến cho đôi lợn tháu trong chuồng gia chủ lớn lên trông thấy, chẳng mấy mà xuất chuồng được, sẽ có món lo được khối việc trong nhà.

Xưa, chưa nấu cơm bằng nồi cơm điện như bây giờ, gạo máy cũng còn nhiều mày, có khi còn sạn. Thế nên gạo vo bao giờ cũng cần rá, cần chậu, nước vo gạo trắng ngầu, gạo vo xong còn phải xóc, tráng kĩ. Chưa kể gạo đong sổ còn bị nanh chuột hay mốc, vo phải cho nắm muối vào sát kĩ mới đỡ mùi mốc. Vo gạo xong đã hao chứ chưa nói đến khi thổi cơm chín.

Nhìn chậu nước vo gạo thế, chẳng ai muốn đổ đi, lại cuống rau vừa nhặt cũng lưng rổ, rồi mê cháy quá lửa cứng chẳng ai ăn dồn vào đã lưng thùng. Ngày 3 lần đỏ lửa, rau cỏ, ruột cá, râu tôm cứ thế đổ cả vào thùng nước gạo. Xưa, cũng chưa có nước rửa chén bát như bây giờ, bữa ăn tươi, mỡ màng đến mấy cũng chỉ dùng nước nóng và chanh, nên cặn nước rửa bát cũng được dồn cả vào thùng nước gạo.

Nhà nào nuôi được con lợn phàm ăn, ăn sống thì thật tiện. Cứ nước gạo này, hòa cám với bèo băm, hay chuối thái đổ cả xô vào máng, nó xốc, nó rít tòm tọp đến khô máng rồi nằm lăn ra thở, cứ thế mà lớn đợi ngày bán thì gia chủ tính ra lãi ngay.

Chứ nuôi phải giống lợn ăn chín thì rất vất vả. Rau thì có thể vứt cho nhá sống, nhưng cám là phải hòa nước gạo nấu chín, thân chuối, bèo hay bã đậu tùy hôm có thế nào thì độn vào. Nước gạo sau 1 ngày, đầy lên tận miệng thùng, chắt bớt nước trong đi, còn đổ cả vào nồi to, đun kĩ. Nấu cám lợn cũng không phải dễ, nếu không biết đun vừa lửa hay khoắng là sẽ bị khê, lợn khảnh ăn là chê cám ấy. Cái nồi sau dăm lần khê cũng lồi đít, chẳng mấy mà nứt thủng, chảy nước đến tắt bếp.
Phải nói rằng cám lợn nấu bằng nước gạo sánh hơn hẳn, ai cũng nhìn ra chất của nước gạo và ai cũng nhìn ra có thùng nước gạo nuôi lợn vừa đỡ phí thức ăn thừa, lại như bỏ ống, khi xuất chuồng có khoản ra tấm ra món hẳn hoi. Là người lớn tính thế chứ đám trẻ con chưa mấy đứa nghĩ được, vo gạo xong cứ thẳng tay đổ chậu nước gạo đi, mẹ có nhắc thì cãi: Nước gạo để đến chiều nắng rọi, chua sực ghê chết mẹ ạ. Lợn ăn bã rượu được còn lo chua, mà nước vo nấu trong ngày có sao đâu.

Nhiều khi rửa bát xong không khoắng, 1 đôi cái thìa cũng được trút vào nồi nấu cám hết. Khi múc cám nấu cho lợn thấy bỏ ra là may, nếu không đổ vào cùng thức ăn, lợn ăn xong nhá nát. Kiểu gì cũng có đứa bị mắng vì tội cẩu thả.


Nhà có đất xây chuồng nuôi được lợn, nhà chật không đủ chỗ xây chuồng lợn thì nuôi gà, cũng có thùng nước gạo, để nấu cám cho gà. Cám nấu sền sệt, trộn thêm rau, cả 1 lon sành đàn gà rỉa chẳng mấy đã hết sạch. Gà ấp, gà đẻ, gà giò, xem ra tháng nào cũng có gà bán. Thi thoảng nhà có giỗ chạp cũng có gà ngon thắp hương. Thông gia làng bên hay bạn bè của bố đến, bắt con gà nhà thịt vừa có mâm cơm thịnh soạn đãi khách vừa các con cũng được ăn tươi, bù đắp những ngày chỉ rau luộc với cà muối.

Nhiều khi thùng nước gạo nhà mình không đủ, mẹ lại hỏi người ngõ trong, ngõ ngoài xem nhà ai không chăn nuôi thì xin để cái vại sành để lấy nước gạo. Thế là chiều chiều anh chị em cầm cái xô đi gom nước gạo từ mấy nhà ấy về bèo rau, cám bã cho lợn gà nhà mình. Chẳng mất mấy công, chỉ cần chịu khó là đỡ được khối tiền đầu tư, chứ những như trông vào cám nhà hay đong cám chợ về nuôi lợn, gặp phải khi lợn hơi rẻ có khi lỗ vốn.

Thùng nước gạo - Ảnh 3.
Rồi mở cửa, quán hàng ngoài tỉnh mọc lên nhiều, hàng cơm phở cũng sáng đèn đến khuya, nhiều người trong làng có mối liên hệ, tính ngay việc thu mua thức ăn thừa của các hàng quán ngoài thị xã, thành phố về chăn nuôi. Những chiếc xe máy cà tàng với đôi thùng nhựa xanh mỗi tối băng băng về làng. Nồi cám to cũng chỉ cần dăm ca cho sánh, chứ nguồn thức ăn thừa này đàn lợn nào cũng không chê, chúng đều ăn xốc và lớn như thổi, bán lại được giá hơn đằng lợn trại nuôi cám tổng hợp. Trong làng cũng ít người nuôi lợn hơn, nên những thùng nước gạo nơi ngã ba các ngõ trong làng nhiều hơn. Phần vì các trại lợn ngoài đồng vẫn tận dụng nguồn thức ăn này, phần vì thói quen người trong làng sợ phí cứ phải dồn cho vào thùng nước gạo để nhà ai có lợn thì nấu cám. Có khi chưa hết ngày thùng nước gạo đã đầy, nhất là những dịp sau tết, nhiều nhà bỏ đi đủ thứ đã thiu hỏng.

Người đi thu gom nước gạo có khi phải đi 2 chuyến mới hết, ai cũng bảo giờ nuôi lợn sướng hơn xưa nhiều, nhưng kén được cái đằng thịt chắc, mỡ khổ dầy lại khó. Nhiều người thành phố về quê kể chuyện nuôi lợn ở đầu chái nhà tập thể, hay nuôi lợn trong bếp nhà tập thể mà cười thắt ruột. Cũng nhặt thùng nhặt hộp gỗ về làm củi nấu nồi cám, rồi gom nước gạo của cả khu chẳng khác gì trong quê. Một năm cũng xuất chuồng được hai con. Tết có nhà mổ cũng chung nhau thịt, nồi đông, nồi măng năm nào chung thịt đầy đặn hẳn. Nhìn người tỉnh mặt hoa da phấn, mấy ai biết độ khó khăn ấy cũng tảo tần, vất vả như chị em trong này. Đến giờ có khi nhà cũng chỉ dăm chục mét, không rộng rãi được như nhà đất trong quê. Là chị em cứ so thế, để thấy có chặng người nuôi lợn lại hóa ra lợn nuôi mình như người ta vẫn nói.

Thùng nước gạo - Ảnh 4.
Rồi người trong làng cũng không nuôi lợn trong chuồng nhỏ lẻ như trước nữa mà chuyển đổi cơ cấu, nhiều trại lợn mọc lên ngoài cánh đồng có tiêu chuẩn vệ sinh chuồng trại. Những thùng nước gạo dần vắng bóng trong mỗi gia đình, những vại sành nơi cột điện ngã ba ngõ cũng không có người đi gom nước gạo như trước, trẻ con có khi không còn biết "thùng nước gạo" là gì nữa.

Chị em nghe nhau, đôi người vo gạo xong chắt lấy nước rửa mặt. Nước gạo trong sòng sõng, chứ không đục và thơm như xưa. Lại nhớ sân bể, chậu rửa bát, thùng nước gạo, giếng khơi, bể nước mưa... Cảnh xưa giờ không mấy nhà giữ, đứng bóng cũng không có tiếng lợn phá chuồng đòi ăn hay tiếng gà eo óc...

Làng đã thành phố, nhiều xã ven đô đã lên phường, những con đường dẫn về làng chẳng nhiều cỏ may như xưa, khói lam chiều cũng hết. Người ta không còn để bình vôi ở gốc đa làng như xưa nữa. Khách phương xa thường về làng xin chụp ảnh ở những ngôi nhà cổ, cũ kĩ hay hỏi đường ra gốc gạo cổ thụ chụp ảnh vào cuối mùa Xuân, khi hoa rực trời. Chiếc cối đá thủng nằm trơ trơ bên gốc cây duối cõi. Chỗ ấy trước đặt cái vại sành chứa nước gạo - tôi nhớ, những vết sẹo băm bèo nấu cám vẫn hằn in trên tay tôi, đôi lần con tôi hỏi, tôi đã kể rất kĩ về những ngày đã qua ấy.

Theo DANVIET.VN
 




Back
Top