Tôi đang có ý định trồng rau mầm nhưng có rất ít kinh nghiệm. Tôi muốn tham quan một số mô hình và tìm một số tài liệu. Ai biết ở đâu có mô hình trồng rau mầm hay giới thiệu cho tôi với. Xin cảm ơn.:huh:
Rau xanh, nhất là rau sạch được trồng an toàn sẽ mang lại nhiều bổ dưỡng cho cơ thể con người. Hiện nay nhu cầu sử dụng rau sạch đang được nhiều người quan tâm.
Trong số các loại rau ấy, có một loại rau đang được trồng tương đối phổ biến trên địa bàn quận Bình Tân (TP.HCM), vì chúng có giá trị dinh dưỡng cao, trồng theo quy trình khép kín đúng phương pháp rất sạch và khá an toàn cho người tiêu dùng. Đó là lời nhận định ban đầu của anh Trần Ngọc Toản - Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Bình Tân về loại rau mầm...
Thật vậy, với quá trình đô thị hóa khá nhanh như hiện nay trên quận Bình Tân, đất canh tác nông nghiệp dần thu hẹp đã vắng dần hình ảnh người nông dân một nắng hai sương cần cù trên đồng ruộng, thửa vườn. Số lao động nông nghiệp của quận, đa phần đã chuyển đổi hẳn sang các ngành nghề khác để mưu sinh, một phần vẫn còn loay hoay tự tìm cho mình một mô hình vật nuôi hay cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng để tiếp tục nghề cũ, một số ít do điều kiện đất đai hạn hẹp, vốn không nhiều nên chọn cho mình mô hình trồng rau mầm. Và anh Quách Vĩnh Tấn ở khu phố 4, phường An Lạc là một trong những số ít ấy chọn cách mưu sinh cho gia đình bằng mô hình trồng rau mầm.
Anh Tấn cho biết: “Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu qua sách báo, tài liệu viết về mô hình trồng rau sạch, tôi nhận thấy mô hình trồng rau mầm rất phù hợp với diện tích, điều kiện chăm sóc của gia đình tôi. Nó đòi hỏi vốn đầu tư không nhiều, cách trồng và chăm sóc lại khá giản đơn. Ý nghĩ ban đầu của tôi chỉ trồng để phục vụ cho bữa ăn của gia đình, khỏi phải mua rau ngoài chợ. Nhưng khi có nhiều người đến hỏi mua về dùng, tôi mới lóe lên suy tính phải trồng thật nhiều để kinh doanh. Thế là tôi bắt tay ngay vào làm ngay và mọi việc tương đối suông sẻ theo như mình nghĩ”.
Mô hình gồm những chiếc kệ lưu động (có gắn bánh xe dưới các chân đế) với những thanh sắt nhỏ hàn lại với nhau, trung bình có chiều dài 1,2 m, ngang 0,4 m, thiết kế từ 8 đến 9 tầng, mỗi tầng có khoảng cách chừng 0,25 m được sắp xếp liền kề nhau trông thật gọn gàng, ít chiếm diện tích mặt đất. Trên từng tầng, những khay mốp (dài 0,6 m, ngang 0,4 m, cao 0,08 m) bên trong chứa những mầm rau xanh mơn mởn thật bắt mắt. Quy trình trồng và cách chăm sóc cũng khá giản đơn như anh Tấn đã từng trình bày ở các lớp tập huấn do Hội Nông dân quận tổ chức ở một số phường. Đầu tiên chọn và xử lý hạt trồng (thường là hạt củ cải trắng hay các loại hạt đậu, hoặc hạt vừng đen, mè đen, hạt cải bẹ xanh, rau dền...) theo phương pháp dân gian tự nhiên (3 sôi, 2 lạnh). Kế đến chuẩn bị mặt phẳng giá thể để gieo hạt (giá thể là cách gọi khác của đất sinh học, chế tạo từ bụi sơ dừa và không chứa bất kỳ một loại nông dược, phân bón, thuốc trừ sâu nào trong đó). Nền giá thể phải đan kín diện tích trong lòng khay mốp và dày khoảng 0,01 m, có độ ẩm vừa phải. Hạt được gieo thật đều trên đó. Sau đó là giai đoạn ủ mầm bằng cách đậy kín các khay mốp (khay này chồng trên khay kia hoặc lấy tấm chắn đậy lên trên), để chúng nơi mát mẻ có nhiệt độ khoảng 25oC. Khi ủ mầm vẫn tưới nước hỗ trợ ngày 2 lần sáng và chiều cho hạt mầm hút nước để tăng trưởng. Hai ngày sau, sắp xếp lại các khay mốp sao cho những hạt mầm vừa nhú lên khỏi giá thể được tiếp xúc với môi trường tự nhiên bên ngoài, nhưng không được để ánh nắng mặt trời rọi thẳng vào, hoặc để các kệ sắt di dộng ở những nơi quá nóng bức. Vẫn duy trì chế độ tưới nước hỗ trợ cho giá thể đủ ẩm để nuôi hạt mầm. Nước được tưới vào các khay mốp bằng hình thức phun sương hoặc tưới tràn hay tưới thẩm thấu cho đến khi thu hoạch. Thường là 5 ngày sau khi gieo hạt. Nếu để quá 5 ngày thì rau mầm sẽ trở thành rau non, ăn mất ngon và thiếu đi các chất dinh dưỡng cần thiết.
Về việc thu hoạch, anh Tấn bật mí: mỗi người có một quy cách trồng và phương pháp chăm sóc riêng để thu hoạch đạt yêu cầu. Riêng anh, nhờ chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu sâu nên trung bình một khay mốp anh trồng cho ra từ 1,2 đến 1,4 ký rau mầm sản phẩm chất lượng sau khi đã loại bỏ số rau mầm không đạt chất lượng yêu cầu. Hiện nay, với 6 kệ sắt di động và trên 10 nhân công là người thân trong gia đình, lượng rau mầm do cơ sở anh sản xuất ra thu khoảng 50 ký thành phẩm mỗi ngày. Chúng được đóng gói trong các hộp nhựa mỏng (trọng lượng 200 gram/hộp). Đa phần các đầu mối tiêu thụ là thương lái trong và ngoài thành phố, kế đến là các siêu thị, nhà hàng, quán ăn trong và ngoài quận, thỉnh thoảng cũng có khách vãng lai tìm đến mua với số lượng vừa phải về dùng trong bữa ăn gia đình. Anh Tấn cho biết thêm, sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu lợi gần 750.000 đồng/ngày nếu điều kiện sản xuất tương đối thuận lợi. Ngược lại, đôi lúc do thời tiết thay đổi bất thường hoặc dội hàng, số lượng rau mầm thu hoạch kém đi, tuy vậy gia đình anh cũng thu lợi không dưới 300.000 đồng/ngày. Một con số khá lý tưởng cho thành quả lao động cật lực của gia đình anh.
Nói về những định hướng trong tương lai, anh hồ hởi: “Hiện nay, do việc truyền bá về lợi ích dinh dưỡng của rau mầm chưa được rộng rãi, trong khi nhu cầu thị trường tiêu dùng không phải nhỏ đối với những ai muốn sản xuất, kinh doanh rau mầm nếu chúng ta khơi đúng hướng. Riêng bản thân tôi, nếu có điều kiện sẽ mở rộng thêm cơ sở sản xuất cùng trang thiết bị trồng rau mầm theo một chu trình khép kín hơn nữa để đáp ứng với nhu cầu thị trường và bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Khi ấy, hy vọng sẽ kéo giảm giá thành của rau mầm hơn so với hiện nay cho tương xứng vì đã thu hút được sự quan tâm của giới nội trợ cũng như người tiêu dùng...”. Hy vọng mô hình trồng rau mầm này sẽ ngày càng lan tỏa ra nhiều nơi và sẽ có thêm nhiều cơ sở sản xuất ăn nên làm ra như cơ sở sản xuất rau mầm của gia đình anh Quách Vĩnh Tấn.
(Theo website quận Bình Tân)