Tỷ phú cá lóc ở Đồng Tháp Mười

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Anh Phan Văn Chừng (Sáu Chừng) từ An Giang đến ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) lập nghiệp. 15 năm sau ngày vào Đồng Tháp Mười, vợ chồng anh đã sở hữu hàng chục ha đất ruộng canh tác lúa 2 vụ/năm và trang trại lớn nuôi cá lóc. Từ cuộc sống cơ hàn ngày đầu bây giờ gia đình anh đã trở thành tỷ phú.


Anh Sáu Chừng cho biết: Trước đây vùng đất này phèn nặng nên ít ai đến mua ruộng nên thời điểm đó chỉ vài chỉ vàng là mua được gần 1 ha đất. Có nhiều đất vợ chồng anh chăm chỉ làm 2 vụ lúa/năm nên thu nhập rất ổn định. Đến năm 1995, do giá lúa bấp bênh nên anh chuyển sang đầu tư nuôi thêm cá lóc. Anh đào 2.000m2 thả nuôi trên 35.000 con cá lóc giống. Sau gần 10 tháng nuôi, anh thu hoạch cá bán được cả trăm triệu đồng tiền lời.


 Rất phấn khởi, năm sau anh Sáu Chừng quyết định thả nuôi tiếp 70.000 con cá lóc giống. Vụ nuôi năm 1997, vợ chồng anh thu lãi trên 140 triệu đồng, sau khi đã trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc. Anh Sáu Chừng bộc bạch: Đó là một khoản lợi nhuận vượt ngoài mong đợi. Tôi quyết định mở rộng diện tích lên 2 ha nuôi cá lóc thâm canh, tăng vụ. Đầu tư hơn 1 tỷ đồng mở rộng hệ thống 9 ao nuôi được thiết kế cống thông nhau, trang bị máy nghiền thức ăn, bờ bao được xây cao ráo, trải bê tông thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển thức ăn cho cá.


Anh Sáu Chừng chọn thời điểm nuôi cá lóc nghịch mùa, nghĩa là thời gian thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm để bán giá cao hơn so với lúc vào mùa. Anh Chừng tính toán, nuôi cá lóc mùa nghịch ít bị dội chợ, giá bán cao, lợi nhuận tăng đáng kể. Anh còn mạnh dạn tham gia mua bảo hiểm rủi ro cho nghề nuôi cá lóc với mức đóng phí hàng tháng lên tới 10 triệu đồng.







Từ nhiều năm nay, trang trại nuôi cá lóc thâm canh của gia đình anh là một trong những đầu mối tiêu thụ trọng yếu nguồn cá biển, cá tạp các loại để làm mồi nuôi cá lóc và là nơi giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đây còn là một địa điểm cung cấp nguồn cá lóc giống và cá lóc thương phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp.






Đến nay, gia đình anh đã có một cơ ngơi đồ sộ với một trang trại rộng có tổng diện tích mặt nước gần 4 ha nuôi cá lóc thâm canh. Bình quân mỗi năm trang trại của anh đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng trăm tấn cá lóc thương phẩm, thu nhập cả tỉ đồng.


Về kỹ thuật nuôi cá lóc, anh Sáu Chừng chia sẻ: Yếu tố để nuôi thành công nghề nuôi cá lóc quan trọng nhất là trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm từ khâu chăm sóc cá lóc, con giống, môi trường đến thời điểm thả nuôi. Đặc biệt là phải thường xuyên theo dõi quá trình tăng trưởng của đàn cá để phát hiện những bệnh thường gặp mà có biện pháp phòng trị kịp thời. Hơn 10 năm trong nghề nuôi cá, gia đình tôi chưa bao giờ bị thất bại.


Chỉ riêng vụ nuôi cá năm 2010, anh Sáu Chừng đầu tư gần 2,5 tỷ đồng thả nuôi tổng cộng 300.000 con cá lóc giống. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, anh Sáu Chừng tát ao thu hoạch trên 150 tấn cá lóc thương phẩm, bán giá bình quân 24.000 - 28.000 đồng/kg, thu hơn 3 tỷ đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, anh Sáu Chừng còn lãi ròng trên 600 triệu đồng.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top