TỶ PHÚ NÔNG DÂN 9X

  • Thread starter TrạiGàGiữaThànhPhố
  • Ngày gửi
Những 9x trở thành tỷ phú nông dân trẻ
logo.gif
- Lớn lên từ những miền quê nghèo nhưng bằng sự năng động, sáng tạo, khát khao làm giàu, những 9x đã phấn đấu hết mình và trở thành những tỷ phú khi tuổi đời còn rất trẻ.

4 doanh nghiệp trẻ nhận bằng khen của Thủ tướng
Chàng trai 9x chinh phục "đông trùng hạ thảo"


Ngô Kim Lai, chàng trai quê Phú Yên, sinh viên chuyên ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Năm trước hai mẹ con dắt nhau vào TP.HCM. Mẹ cậu đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con trai học đại học.

Đầu năm học thứ 2, Lai phát hiện ra một loại nấm "đông trùng hạ thảo" mà ở Việt Nam chưa ai trồng được, chính vì thế nó có giá rất đắt, tới gần 1,8 tỷ đồng/kg. Lai quyết tâm trồng bằng được loại này.


Ngô Kim Lai trong phòng thí nghiệm nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở công ty


Lai lao vào nghiên cứu. Từ đó, Lai phải làm đi làm lại trên 1.000 thử nghiệm. Cái phòng trọ nhỏ xíu của Lai đã biến thành… phòng thí nghiệm, còn Lai thì ngủ ngoài hành lang. Lai quên ăn quên ngủ để làm thí nghiệm. Ròng rã một năm như thế thì cậu thành công.

Sau đó sản phẩm "đông trùng hạ thảo" Lai được đưa đi kiểm định ở Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam có dược tính đạt chỉ tiêu cao hơn trong tự nhiên rất nhiều. Trong tự nhiên lượng dược tính Cordycepin chỉ đạt 0,901mg/g còn trong sản phẩm của Lai đạt tới 3,34mg/g.

Thời gian đó, dù được rất nhiều công ty mời gọi nhưng Lai đều từ chối. Hiện Lai cùng một vài người bạn đã mở công ty riêng, đầu tư 2 phòng lạnh để nuôi ĐTHT, công suất đạt 150 kg/tháng.

Lai vừa thu hoạch mẻ sản phẩm "đông trùng hạ thảo" đầu tiên, dự kiến sẽ tung ra thị trường trong 1-2 tháng nữa với nhãn hiệu mang chính tên mình – đông trùng hạ thảo Kim Lai. Giá bán dự kiến 100 triệu đồng/kg.

Biến phế thải nông nghiệp thành tiền tỷ

Từng là một kỹ sư cơ khí có công việc ổn định ở Hà Nội nhưng mỗi lần về quê ở Giao Thủy, Nam Định Lê Trường An, sinh năm 1990, luôn trăn trở bởi thực trạng phế thải nông nghiệp như vỏ trấu, rơm rạ, mùn cưa bị người dân mang đi đốt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường.

Trong một lần đi công tác miền Tây, Trường An được tiếp cận với nhà máy sản xuất củi trấu (loại chất đốt làm từ vỏ trấu) phục vụ sản xuất công nghiệp. Trường An nảy ra sáng kiến về quê hương Nam Định xây dựng nhà máy tương tự. Nghĩ là làm, chàng kỹ sư trẻ quyết định nghỉ việc ở Hà Nội, xách ba lô về quê xây dựng dự án sản xuất củi đốt công nghiệp từ phế phẩm nông nghiệp.


Lê Trường An tại xưởng sản xuất củi trấu sinh học.

Tuy nhiên, khi trình bày ý tưởng An gặp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè. Bởi mô hình này quá mới mẻ, ở Nam Định chưa có ai làm. Để thuyết phục bố, An dẫn bố đi tham quan thực tế một số nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh, Hải Phòng. Dần dần, An được bố và một người chị họ ủng hộ cho vay vốn 200 triệu đồng.

Đầu năm 2013, An quyết định xây dựng nhà xưởng quy mô 1.000 m2. Chiếc máy đầu tiên, An đặt mua tận trong Nam. Một mình An đi khắp các làng xóm thu mua vỏ trấu, mùn cưa để làm nguyên liệu, gõ cửa khắp các nhà máy sản xuất công nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Hiện, nhà xưởng của An có 2 máy sản xuất và 10 công nhân làm việc thường xuyên. An nhẩm tính, tổng doanh thu mỗi năm đạt 2 – 2,5 tỷ đồng. An đang gấp rút các công đoạn để mua thêm máy và mở rộng quy mô nhà xưởng.

Làm giàu từ chim trĩ đỏ

Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1990 ở Lý Nhân, Hà Nam. Tốt nghiệp cấp 3 năm 2009, anh đến giúp việc cho trại nuôi chim của người chú. Một năm sau, anh về nhà cùng gia đình xây dựng trại nuôi chim trĩ đỏ với diện tích khoảng 30m2, vốn đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng.

Ban đầu, anh nuôi chim nhân giống, rồi mới phát triển dần lên nuôi thịt, cung cấp giống và chim non. Hiện anh có trại nuôi rộng khoảng 2.000m2, lúc cao điểm nuôi trên 1.000 con.


Trang trại của anh Thắng hiện rộng khoảng 2.000m2 với 1.000 con chim trĩ đỏ đem lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Thắng cho biết, loài này nếu nuôi thương phẩm thì khoảng 5 tháng có thể xuất bán. Mỗi con trống đến khi bán nặng khoảng 1,4 đến 1,7kg, con mái khoảng một đến 1,2kg. Mỗi tháng, trung bình Thắng xuất bán khoảng 70 đến 100 con chim thịt.

Anh cho biết, mỗi con chim thịt nuôi từ nhỏ đến khi xuất chuồng, người nuôi mất chi phí khoảng 110.000 đồng. Với giá bán mặt hàng này khoảng 200.000 đến 220.000 đồng một kg, mỗi tháng riêng loại để thịt, anh Thắng có thể thu lãi từ 15 đến 20 triệu đồng.

Hiện tại Thắng cung cấp thịt chim cho các nhà hàng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định... Còn chim giống và hậu bị, khách chủ yếu là các trại nuôi ở nhiều tỉnh lân cận.

Theo anh, đầu tư cơ sở ban đầu cũng không quá lớn, quan trọng là có diện tích làm chuồng. “Mình đầu tư mỗi chuồng 100m2 thì xây dựng hết khoảng 30 triệu đồng. Ban đầu làm chuồng nhỏ, sau đó mới mở rộng quy mô dần”, Thắng nói.

Ông chủ trẻ cho rằng nuôi chim thương phẩm, bán thịt thì nhanh thu hồi vốn hơn, còn phát triển nuôi giống thì hơi khó, đầu tư lâu dài và phải có kỹ thuật chăm sóc tốt. "Hơn nữa, người nuôi cũng phải nghiên cứu để nắm bắt tình hình thực tế từng thời điểm mà phát triển số lượng đàn cho phù hợp. Tránh tình trạng nguồn cung quá lớn, giá giảm thì khó tránh khỏi thiệt hại”

20 tuổi làm giàu nhờ nuôi ong

Phạm Văn Bảo Trung (sinh năm 1994, tại thị trấn Đinh Văn, H.Lâm Hà, Lâm Đồng) là một tấm gương rất đáng để học hỏi. Do không có duyên với chuyện học hành, Bảo Trung quyết định nghỉ học khi mới vào lớp 10.

Từ đó cậu làm phụ cho vườn cà phê của bố mẹ. Không chịu cảnh nghèo khó quanh năm, Trung đã mày mò học cách nuôi ong lấy mật nhằm tận thu những mùa hoa cà phê của gia đình.


Bảo Trung và đàn ong của mình.


Sau 6 tháng bỏ nhà đi học nghề, cậu đã có trong tay kinh nghiệm chăm ong hiệu quả và quyết định về quê vay mượn được hơn 50 triệu đồng đầu tư nuôi 80 đàn ong. Thắng ngay từ trận đầu chỉ sau 4 tháng, Trung thu hồi được vốn liếng và trả nợ. Từ đó cậu bạn 9X này phát triển đàn ong của mình lên tới con số hàng trăm đàn, tạo thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

9x kiếm trăm triệu từ vườn phật thủ

Phạm Văn Xoa (24 tuổi, xã Đồng Lương, H.Lang Chánh, Thanh Hóa) đang quản lý vườn phật thủ với 300 cây, rộng 4 ha. Ngoài ra anh còn nuôi 20 cặp chim trĩ giống và 400 con gà ri để tăng thêm thu nhập.


Phạm Văn Xoa bên vườn phật thủ của mình.

Học xong lớp 12, thay vì như bạn bè trang lứa lên phố thị đi học tiếp thì Xoa lại xác định sẽ không thi đại học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Khi ấy, ở tuổi 18 dù xác định sẽ làm một nông dân nhưng Xoa vẫn chưa định hình trồng trọt hay chăn nuôi như thế nào?

Xoa kể: “Tết năm 2011, mình có mua về vài quả phật thủ trưng trong nhà. Mình thấy loại trái này khá nhiều người mua, có tiềm năng và thị trường khi ấy vẫn khan hiếm. Ở chỗ mình cũng chưa ai trồng nên quyết định sẽ trồng loại cây này”. Nghĩ là làm, sau Tết thì Xoa bắt đầu tìm hiểu về phật thủ và khăn gói tìm đến các nhà vườn ở Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang… học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm.

Năm 2012 chàng trai xứ Thanh mang từ Hà Nội về 300 gốc phật thủ (mỗi gốc trị giá 30.000 đồng). Ngoài ra trong thời gian đi “tầm sư học đạo”, anh cũng tìm hiểu việc nuôi chim trĩ, gà ri kết hợp trồng loài cây này. Vì thế, Xoa cũng trích ra 18 triệu để mua 12 cặp chim giống, 400 con gà ri.


Ngoài trồng phật thủ, Xoa còn nuôi kết hợp gà ri và chim trĩ để tăng thu nhập.

Trời không phụ lòng người khi dịp tết 2014, Xoa vui mừng khi 300 cây phật thủ mang về được hơn 1.000 quả. Với mỗi quả được bán trung bình 80.000 đồng, giúp Xoa có doanh thu hơn mong đợi. Ngoài ra, số gà ri và chim trĩ sau một năm nuôi cũng mang lại cho cậu mức thu nhập kha khá.

Hiện tại, vườn cây của Xoa vẫn cho ra quả hàng tháng nhưng tập trung vào tháng 7 và dịp Tết. Cậu dự tính: “Dịp Tết mình ước tính sẽ thu nhập được khoảng 300 triệu từ phật thủ, trừ chi phí sẽ còn 250 triệu. Còn hiện tại, nếu chưa trừ chi phí thì trong vòng một năm nay thì mình đã đạt doanh thu gần 300 triệu”.

Chàng trai tay trắng nuôi heo lập nghiệp

Triệu Văn Tuân sinh năm 1992 là một trong những chàng trai trẻ thành đạt trên chính mảnh đất quê hương. Hiện nay, Tuân đã là ông chủ của trang trại nuôi lợn hàng trăm con tại xóm Cua II, thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Học xong lớp 12, Tuân không thi Đại học mà ở nhà phát triển kinh tế theo cách riêng của mình. Tuân vay tiền của bố mẹ, bạn bè để xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động chăn nuôi.


Đàn lợn đem về cho Tuân hàng trăm triệu mỗi năm.

Tháng 10/2012 anh bắt đầu nhập 1.100 con lợn giống về để nuôi, sau khoảng 5 tháng lứa lợn đầu tiên được xuất chuồng, trừ hết chi phí Tuân thu lãi được hơn 400 triệu đồng. Từ đó Tuân mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình trang trại của mình.

Hiện nay, Tuân đang sở hữu một trang trại rộng trên 10.000 m2 và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 người lao động với thu nhập ổn định.

9X nuôi lươn kiếm hàng trăm triệu

Mới 24 tuổi nhưng Nguyễn Ngọc Phú đã là chủ một trang trại nuôi lươn lớn tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Không có điều kiện để học hành, Phú quyết tâm tính kế sinh nhai bằng chính đôi tay trên mảnh đất quê nhà.

Dù không có vốn và còn trẻ nhưng Phú đã dám đứng lên vay 60 triệu đồng từ nguồn vốn của quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Hội LHTN TP.HCM) để đầu tư làm ăn.


Sáng đang chăm sóc cho ao lươn của mình.

Cậu nhận thấy mô hình nuôi lươn đang rất được ưa chuộng, chi phí đầu tư ban đầu không cao lại nhanh chóng thu hồi được vốn và kĩ thuật nuôi không khó. Tất cả số vốn liếng vay mượn Phú đầu tư xây dựng hệ thống bể xi măng, mua lươn giống về nuôi.

Mới đầu, Phú chỉ dám đầu tư vào hơn 100m2 nhưng đã cho thu lãi đến 12 triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay Phú đang mở rộng mô hình thêm vài trăm m2 hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập cao hơn nữa.

21 tuổi làm VAC thu lãi lớn

Chàng trai trẻ Huỳnh Tấn Đạt (21 tuổi) là chủ một trang trại chăn nuôi hỗn hợp tại ấp 5, tổ 7, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Anh còn được Thành Đoàn TP.HCM tuyên dương là gương thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi năm 2012, với lợi nhuận thu về mỗi năm gần 200 triệu đồng.


Mô hình VAC đã đem đến cho Đạt thành công đáng mơ ước.

Năm 2011, Đạt đã thuyết phục gia đình vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để đào ao nuôi cá và lập trại nuôi heo. Tận dụng triệt để nguồn nước thải từ heo, Đạt tiếp tục đầu tư nuôi 5.000 con cá tra để tăng thu nhập.

Hiện trang trại của Đạt có tổng diện tích 1.000 m2, trong đó anh đang nuôi đàn heo hàng chục con, 10.000 con cá tra, 6.000 con cá trê, 5.000 con cá chim. Lợi nhuận từ việc chăn nuôi mỗi năm của Đạt khoảng gần 200 triệu đồng.

Thu Phương(tổng hợp)
THEO VIETNAMNET.VN
 
Back
Top