Xem dân Hiệp Tân trồng vải sai quả

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Năm nay, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vải thiều bị mất mùa, nhưng đối với bà con ở thôn Hiệp Tân - xã Hồng Giang lại được mùa vải thiều to.


Không phải người Hiệp Tân được mùa do may mắn, mà bởi họ đã nắm chắc khoa học kỹ thuật, biết cách tác động hiệu quả vào cây vải thiều giúp cho cây ra hoa đều và kết trái sai.


Không phải ngẫu nhiên năm 2007, UBND huyện Lục Ngạn lựa chọn thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang là một trong những thôn đầu tiên được áp dụng quy trình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn Viet Gap, bởi từ lâu người dân nơi đây đã có tiếng cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Người dân Hiệp Tân hiểu rõ được quy luật sinh trưởng của cây vải thiều, cộng với những kiến thức đã được các nhà khoa học (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) tập huấn, từ đó áp dụng hiệu quả vào việc chăm sóc để có được những mùa vải thiều bội thu. Trong 4 năm gần đây, năm nào 106 hộ dân ở thôn Hiệp Tân cũng được mùa vải thiều. Mặt khác quả vải ở đây thường to, mã đẹp hơn so với những nơi khác, vì thế mà bà con bán được giá cao hơn so với giá bình quân của cả huyện từ 3 nghìn đến 4 nghìn đồng/kg. Năm nay, mặc dù là năm mất mùa của huyện nhưng thôn Hiệp Tân lại được mùa to, sản lượng vải thiều đạt 4.500 tấn, với giá bán trung bình khoảng 10 nghìn đồng/kg, bà con đã thu về khoảng 45 tỷ đồng.


Vụ vải thiều năm nay, nếu ai có dịp đến thăm vườn vải thiều của gia đình anh Trương Ngọc Hùng, chị Trần Thị Hoàn (ở thôn Hiệp Tân – xã Hồng Giang - Lục Ngạn) hẳn sẽ phải trầm trồ thán phục bởi kinh nghiệm sản xuất của vợ chồng anh chị. Vườn vải thiều của gia đình anh Hùng rộng 2 mẫu, có tổng số 250 cây, cây vải nào quả cũng sai trĩu trịt từ mặt đất đến ngọn, quả vải to, mã đẹp. Gia đình anh thu hoạch được hơn 17 tấn quả tươi, với giá bán trung bình được 11,5 nghìn đồng/kg (cao hơn nhiều so với mức giá bình quân trong toàn huyện 3,5 nghìn đồng/kg), anh Hùng thu về được ngót 200 triệu đồng. Vì vải thiều nhà anh được sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap, quả to, chín đẹp nên tư thương đến tận nhà đặt mua, đỡ được công vận chuyển. Không chỉ có năm nay được mùa, mà đã 5 năm liên tục, vườn vải nhà anh chưa khi nào bị mất mùa.


Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm làm vải của gia đình mình, anh Hùng cho biết: Muốn cho cây vải thiều ra hoa, kết quả sai thì cần phải nắm chắc quy luật sinh trưởng của cây. Sau khi thu hoạch vải thiều xong, cần thực hiện ngay khâu tỉa cành và dọn gốc vải. Sau đó thực hiện việc bón phân để bù lại dinh dưỡng cho cây có sức nảy lộc.







Bên cạnh phương pháp sản xuất vải thiều theo quy chuẩn Viet Gap, trong vụ vải này một số hộ dân ở thôn Hiệp Tân còn thực hiện việc sản xuất vải thiều hữu cơ (mô hình do Hội nông dân huyện triển khai).


Với việc sản xuất vải thiều hữu cơ, thì trong quá trình sản xuất không cần đến bất cứ loại thuốc trừ sâu nào, phân bón cũng sử dụng phân chuồng đã qua ủ với chế phẩm. Vì thế giảm được chi phí sản xuất, đất được cải tạo tốt hơn, quả vải vẫn to đẹp, đảm bảo tuyệt đối an toàn.






Việc chăm sóc lộc vải cũng rất quan trọng, cần thường xuyên thăm vườn để xem cây có biểu hiện sâu bệnh thì xử lý ngay. Chăm sóc tốt nhất để cây ra lộc được ba lần và lần lộc ba không muộn quá so với thời điểm ra hoa. Muốn cho vải thiều không bị mất mùa thì đến khi lập xuân, phải khoanh gốc vải thiều. Việc khoanh sâu hay nông, cao hay thấp tuỳ thuộc vào sức của từng cây. Nếu cây có sức tươi tốt thì khoanh dưới gốc, còn cây yếu phải khoanh ở cành nhánh bên trên. Việc khoanh cành đúng thời điểm (Lập xuân hoặc Đông chí) sẽ đảm bảo vải thiều ra hoa 100%.


Với cách làm như vậy, vườn vải thiều của gia đình anh Hà Văn Quân (ở thôn Hiệp Tân) năm nay cũng được 9 tấn quả tươi, bán trung bình được giá 12 nghìn đồng/kg. Anh Quân cho biết: Để cho quả vải to, chín đẹp cần phải áp dụng nghiêm chế độ chăm sóc theo quy trình sản xuất vải thiều an toàn. Trong đó các yếu tố quan trọng là nguồn nước tưới cho vải đảm bảo sạch, trung bình cứ cách hai ngày nắng, phải tưới cho cây một lần để quả vải không bị thiếu nước, phát triển to. Nhưng muốn quả vải thiều to không bị nứt thì sử dụng sun fat đồng, phun cho vỏ quả dầy hơn. Bên cạnh đó cần thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, riêng với loại sâu đục cuống quả phải phun thuốc phòng hai lần, mỗi lần cách nhau khoảng nửa tháng.











Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top