Cách dự trữ bảo quản rơm cho trâu bò trong vụ đông

  • Thread starter tiduta
  • Ngày gửi
Chăn nuôi đại gia súc có vị trí rất quan trọng đối với nông nghiệp, đặc biệt với đồng bào vùng núi, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, vấn đề đói rét hàng năm đã gây thiệt hại rất lớn đối với đàn trâu bò của đồng bào vùng núi. Ở tỉnh Yên Bái, tại các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải.... là những huyện có tỷ lệ đàn trâu bò chết do đói rét hàng năm là rất cao.
Qua thực tế hàng năm cho thấy, trong thời gian 3 tháng mùa khô, cỏ tự nhiên hầu như không còn do sương muối và khô hạn thiêu rụi, tập quán dự trữ rơm khô cho trâu bò chưa trở thành thói quen của người dân, mà sau khi tuốt lúa bà con thường đốt rơm ngay tại ruộng. Do vậy trong 3 tháng mùa khô trâu bò không có thức ăn thô xơ... Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây nên tỷ lệ trâu bò chết cao trong mùa đông.
Để giải quyết vấn đề trên chúng tôi khuyến cáo bà con hãy giữ lại rơm, phơi khô, đánh cây thay bằng việc đốt rơm như trước đây. Đây là nguồn thức ăn thô xơ rất quí cho trâu, bò trong vụ đông.
Rơm thu hoạch từ vụ mùa, vụ chiêm xuân chúng ta dự trữ bảo quản như sau:
1. Phơi rơm: Rơm lúa sau khi tuốt hạt phải được phơi nắng ngay cho khô và tơi, nếu khô mà vẫn giữ được màu vàng xanh của rơm là tốt nhất. Sau khi khô thì thu dọn thành đống, có thể che kín để tránh mưa ướt.
2. Chọn địa điểm đánh cây rơm: Vị trí dựng cây rơm là ngoài trời, ở vườn hay góc sân có diện tích khoảng 5 đến 8 m2 thường xuyên dãi nắng.
3. Chuẩn bị nền: Nền cây rơm có thể làm bằng 2 cách, không nhất thiết phải ở vị trí bằng phẳng:
+ Cách thứ nhất: Làm trực tiếp xuống đất; chọn vị trí bằng phẳng hoặc tạo cho bằng phẳng, cao, không đọng nước, khi trời mưa không có dòng nước chảy trực tiếp vào cây rơm. Đường kính nền từ 2-3 m, ở giữa chôn một cột trụ thẳng và chắc cao khoảng 3 đến 5 m tuỳ theo lượng rơm nhiều hay ít.
+ Cách thứ hai: Đối với vùng đất hay ngập nước, hoặc nền đất dốc, nên dùng sàn bằng tre, gỗ, nứa để tạo mặt bằng nền, cũng có cột trụ ở giữa. Cách này tuy tốn kém vật liệu nhưng rơm luôn khô, sạch vì cách mặt đất.
Cây rơm có đường kính đáy khoảng 3m, cao 4 đến 5 m thì chứa hết lượng rơm của 1 mẫu lúa.
4. Xếp rơm lên cây: Lớp đế, dải rơm xung quanh cột trụ tạo thành lớp đế hình tròn đường kính tuỳ theo ý định và diện tích nền đã chuẩn bị ban đầu; rơm phải được rũ dối và dải đều từng lượt vòng tròn theo một chiều nhất định, vừa dải vừa dẫm nén cho chặt. Điều chỉnh lớp đế cho tròn, cột trụ phải chính là tâm của cây rơm. Sau khi song lớp đế thì tiếp tục rũ dải đều các lớp tiếp theo lên trên, đồng thời dùng chân dẫm nén cho thật chặt. Khi cây rơm lên cao được 2/3 thì dần dần thu nhỏ đường kính để tạo thành hình chóp nón.
5. Chải mái: Chải mái xung quanh là việc làm rất cần thiết, vừa tạo độ sóng mượt từ trên xuống vừa loại bỏ những sợi rơm bám không chắc phía ngoài dễ ràng bị xô đổ làm hư hỏng cây rơm, đồng thời sóng mượt từ trên xuống ở lớp vỏ ngoài chính là để khi mưa, nước mưa trôi tuột đi nhanh không thể ngấm vào bên trong.
6. Tạo chóp: Đây chính là mái chống mưa của cây rơm được xếp bằng loại rơm sóng, xếp theo kiểu lợp mái nhà đến sát với cột trụ cho đến khi tới đỉnh cột. Khoảng 3 - 4 lượt cuối cùng thì sau mỗi lượt lại được bó chặt vào cột tạo thành chóp nón dần dần lên đến đỉnh trên cùng.
7. Vét rãnh xung quanh: Nếu làm nền trực tiếp xuống đất thì sau khi đánh song cây rơm phải tạo rãnh thu nước xung quanh lớp đế, hoặc khơi rãnh thoát nước để khi mưa nhiều kéo dài nước mưa không thể đọng lại ngấm được vào làm ẩm mục toàn bộ số rơm ở phía dưới.

<!--Tac gia-->
Lê Thị Hải Yến - Trung tâm Khyến nông Yên Bái
 




Back
Top