Thảo luận Vì sao chè Việt Nam chưa có thương hiệu trên thế giới

  • Thread starter tranngocluyen
  • Ngày gửi

Việt Nam hiện có 124.000 ha diện tích trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô mỗi năm. Đứng thứ 7 thế giới về sản xuất và đứng thứ 5 về xuất khẩu. Các sản phẩm chè của Việt Nam đã được xuất khẩu đi hơn 100 nước trên thế giới, với nhiều chủng loại chè phong phú và đa dạng. Theo số liệu từ bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu chè của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm ước tính đạt 26.000 tấn, tương ứng với giá trị 38 triệu USD, tăng 12,6% về khối lượng và tăng 6,4 % về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, giá chè xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm ở mức 1.472 USD/tấn.

Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa được thế giới ghi nhận là nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu. Chè Việt Nam cũng chưa có thương hiệu trên thế giới. Thị phần xuất khẩu của chè Việt Nam vào các nước phát triển như EU, Mỹ…vẫn còn khá thấp, ít doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn của các nước đề ra. Đa phần chè xuất khẩu Việt Nam vẫn chủ yếu xuất sang thị trường dễ tính như: Pakistan, Ba lan, ẢRập Xêút, Trung Quốc ,… Cùng với đó, các sản phẩm chè mới chỉ được xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu, thương hiệu vẫn còn hạn chế.

Vậy lý do của hạn chế này là gì?

Sản xuất manh mún, không đạt tiêu chuẩn

Cách thức trồng, chế biến chè hiện không tuân thủ tiêu chuẩn nên rất khó đảm bảo chất lượng. Theo hiệp hội Chè Việt Nam, trước đây nông dân thu hái chè búp tươi khoảng 20 lá, nhưng nay người dân cắt cả cành, không theo tiêu chuẩn chung. Nhiều nhà máy có quy mô nhỏ không được kiểm tra, giám sát về quy chuẩn của máy móc, nguyên liệu, vệ sinh an toàn thực phẩm nên chất lượng chè vẫn là vấn đề bất cập.

Ông Nguyễn hữu Tài – Chủ tich hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, mỗi năm, ngành chè phải chịu thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, thiệt hại này là do ngành chè chưa thực hiện đúng luật tiêu chuẩn, quy chuẩn về nguyên liệu, cách thức chế biến, tiêu thụ do nhà nước ban hành.

Ngoài ra, vấn đề tranh mua, tranh bán nguyên liệu cũng là một trong những bất cập của ngành sản xuất chè. Theo Ông Tài, hiện nay, các địa phương tạo điều kiện cho nhiều nhà máy chè “ mọc lên” nên tình trạng cạnh tranh thu mua nguyên liệu, xuất khẩu thường xuyên xảy ra. Điều này khiến cho sản xuất, kinh doanh chè không ổn định và giá cả bấp bênh. “ Một DN đã đàm phán được giá xuất khẩu là 3 USD, vài hôm sau DN khác đã hạn thấp xuống khoảng 2 USD, thế là mất bạn hàng, trong khi chất lượng chè của các DN là như nhau” Ông Tài nói

Theo bà Nguyễn Thị Ánh hồng – Phó chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam, nguyên nhân làm chất lượng chè chưa được tốt là do việc chăm sóc cây chè không đúng cách dẫn đến chúng ta không thể thu hoạch dài hạn cũng như nâng cao chất lượng của sản phẩm

Sản phẩm chè Việt Nam vẫn được khách hàng thế giới biết đến về khả năng cung cấp khối lượng lớn, giá rẻ và chất lượng xuất khẩu trung bình. Ngoài ra, các nhà sản xuất và xuất khẩu chè Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về chi phí sản xuất, công nghệ chế biến, tiêu chuẩn chất lượng, quảng bá, xây dựng thương hiệu.
Giá chè xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2017 đạt 1.471 USD/tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong tháng 1 năm 2017, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 41,5% thị phần – giảm 20,7% về khối lượng và giảm 27,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016

Vậy giải pháp nào được đặt ra để giải quyết tốt cho vấn đề này?

Tổ chức sản xuất theo chuỗi, đồng bộ nâng cao giá trị

Trước thực trạng trên, giới chuyên gia kiến nghị thách thức lớn trước mắt của Việt Nam là phải thay đổi được hình ảnh này bằng cách tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Mới đây, tại Hội nghị phát triển ngành chè bền vững lần thứ 5 do Ban Chỉ đạo phát triển ngành chè phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hiệp hội chè Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, một trong những mục tiêu chính được đặt ra của ngành chè Việt Nam là phải tiếp tục thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng.

Trong đó, Nhà nước cần đứng ra phân vùng nguyên liệu để các nhà máy có trách nhiệm với nông dân, còn nông dân gắn bó với nhà máy, cung ứng đầu vào bảo đảm tiêu chuẩn. Ngoài ra, cần có những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đủ mạnh tham gia để đưa ngành chè phát triển và xây dượng được thương hiệu cho chè Việt Nam. Qua đó biến bán sản phẩm từ dạng nguyên liệu sản xuất bán thành phẩm sang thành phẩm, nâng cao giá trị sản xuất.



Bà nguyễn Thị Ánh Hồng cũng cho rằng, cần giới thiệu các sản phẩm chè đặc sản của Việt Nam đến với các thị trường, người tiêu dùng. Đồng thời, hiệp hội chè Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn với bộ NN&PTNT để Bộ đưa ra những quy định tốt hơn về quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như đưa ra những hỗ trợ trong việc đào tạo người nông dân.


Mục tiêu đặt ra và các bước triển khai .

Theo mục tiêu của Hiệp hội chè, đến hết năm 2017 sẽ đào tạo, tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật cho 15 nhà máy cùng 16.500 nông hộ trồng chè trên cả nước về nông nghiệp bền vững, với sản lượng đạt chứng nhận khoảng 15 nghìn tấn, tiếp cận được thị trường thế giới và cung ứng cho Tập đoàn Unilerver Việt Nam.

Ngoài ra Hiệp hội cũng cho biết, trong năm 2017 sẽ xây dựng và áp dụng mô hình Agri Team (đội bảo vệ thực vật tập trung) nhằm giúp doanh nghiệp kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại vùng trồng chè, đồng thời thường xuyên cập nhật các thay đổi về quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các thị trường lớn và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nông nghiệp.

Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với Tổ chức phát triển bền vững Hà Lan (IDH) để nâng cao chất lượng sản xuất chè Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới thông qua cải thiện chất lượng của cả chuỗi giá trị từ sản xuất – chế biến – chứng nhận – tiêu thụ, từ đó nâng cao lợi ích của tất cả các thành phần tham gia chuỗi.
 




Back
Top