Syngenta về tay người Trung Quốc

Cuối cùng thì người Trung Quốc đã thành công khi tập đoàn hoá chất Trung Quốc ChemChina đã mua Syngenta, đại gia về ngành nông nghiệp của Thuỵ Sĩ.



ChemChina đã vung tay chi đến 465 usd/cổ phiếu, cao hơn 20% giá cổ phiếu đang chào bán trên thị trường thời điểm đó để thâu tóm Syngenta. Ảnh: TL

Khi đại gia về với đại gia

Tập đoàn Hoá chất Trung Quốc ChemChina đã thắng khi trả đến 43 tỷ USD. ChemChina đã vung tay chi đến 465 USD/cổ phiếu, cao hơn 20% giá cổ phiếu đang chào bán trên thị trường thời điểm đó. Monsanto, đại gia người Mỹ, đã đứng bên lề.

Syngenta là công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất thế giới, và là công ty có nhiều phát minh về công nghệ biến đổi gen, được cho sẽ phát huy được trên sân chơi lớn ở nước này.

Syngenta đã ăn sâu bén rễ ở Việt Nam từ bấy lâu nay, còn Monsanto thì đang nhăm nhe, dò dẫm để vào thị trường này. Sở dĩ phải nhăm nhe là vì công ty của Mỹ này đang “mắc nợ” rất lớn trong vụ kiện chất độc màu da cam mà rất nhiều nạn nhân tại Việt Nam đang đâm đơn kiện. Vì thế, sự trở lại của Monsanto là khá âm thầm, chỉ đề cao các thành tích công nghệ, không đả động gì đến vụ kiện và những hệ luỵ.

Bên lề một diễn đàn về Nông nghiệp tại Jakarta, Indonesia, Thế Giới Tiếp Thị tình cờ gặp Harvey Glick, giám đốc khu vực châu Á của tập đoàn này, phụ trách về Chính sách pháp luật và khoa học, bên lề diễn đàn Kinh doanh có trách nhiệm (Responsible Business Forum) về Lương thực và nông nghiệp ở Jarkarta diễn ra vào cuối tháng 4 và đặt câu hỏi về câu chuyện trên.

Harvey cho rằng nếu Syngenta về với Monsanto thì điều đó sẽ tốt hơn cho Monsanto, vì cả hai sẽ hợp thành sức mạnh rất lớn của một tập đoàn công nghệ khi một rất mạnh về hạt giống, một lại rất mạnh về hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Nhưng Harvey cho biết chuyện Syngenta chọn ChemChina là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ ChemChina là một tập đoàn nhà nước rất hùng mạnh ở Trung Quốc và việc chọn lựa đối tác này cho thấy Syngenta rất muốn trở thành một tập đoàn hùng mạnh trong tương lai.

Trung Quốc quả thật là một lựa chọn của Syngenta với 1,4 tỷ dân, chiếm 21% dân số thế giới nhưng diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 9%. Và đó là một sự lựa chọn thông minh.

Theo Harvey trước mắt việc ChemChina mua Syngenta sẽ có lợi cho Monsanto. Vì sao? Vì trong giai đoạn này cho đến ba năm nữa hai bên phải tập trung kiện toàn bộ máy, thị trường.

Monsanto vừa mới để hụt Syngenta vào tay ChemChina chưa được bao lâu, thì đối thủ đến từ Đức là Bayer đã đưa ra một lời đề nghị khiếm nhã: Bayer muốn mua lại chính Monsanto với mức giá 62 tỷ USD.

Mức giá được cho là khủng khiếp đó vẫn chưa khiến Monsanto hài lòng, và lãnh đạo công ty này cho biết: Bayer vẫn chưa trả đúng giá, nếu không muốn nói là “thấp hơn nhiều so với giá trị thực của Monsanto”.

Nói như thế có nghĩa là cửa vẫn mở cho Bayer trong thương vụ sáp nhập khổng lồ này. Chuyện gì xảy ra nếu hai tập đoàn này về chung một mái nhà? Câu trả lời đơn giản nhất đó là họ sẽ tạo ra một tập đoàn khổng lồ, kiểu hổ mọc thêm cánh.

Thương vụ lớn nhất liên quan đến Big Six – tức là sáu tập đoàn hoá chất nông nghiệp lớn nhất thế giới thuộc về Dow Chemical và Dupont, với giá trị của cả hai công ty lên đến 120 tỷ USD, giá trị của mỗi bên ngang ngửa nhau.

Thì nỗi lo chồng thêm nỗi lo

Sự chuyển động của các tập đoàn hoá chất nông nghiệp trên thế giới đang gây ra những quan ngại về sự độc quyền.

Với Việt Nam, chẳng hạn, khi Syngenta về đội ChemChina thì có thể nói, người Trung Quốc đã có thể chiếm lĩnh trên toàn bộ trận địa các loại hoá chất, phân bón, thuốc trừ sâu… từ chính ngạch, tiểu ngạch, buôn lậu, hàng giả, hàng dỏm…

Và đó là điều đáng lo trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang quá nhiều vấn đề, nhất là sử dụng hoá chất, thuốc trừ sâu một cách thái quá…

Syngenta không phải là tập đoàn đầu tiên thuộc về ChemChina, trước đây Pirelli và Krauss-Maffei-Wegmann cũng đã bị ChemChina nuốt chửng và mục tiêu của ChemChina là dẫn dắt cuộc chơi trong hoá chất cơ bản, đặc thù, hoá dầu, nông dược, vỏ xe, cao su, thiết bị ngành hoá.

Theo tổng cục Hải quan, năm tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi hơn 3.080 tỷ đồng (140 triệu USD) nhập khẩu thuốc BVTV từ Trung Quốc, tức mỗi tháng chi hơn 616 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng lượng hoá chất này đang được chế biến để xuất khẩu qua nước thứ ba.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc cũng sẽ đặt những bước chân khổng lồ ở những thị trường Việt Nam nhắm tới. Cổng thông tin trực tuyến về số liệu Statista Portal cho biết, công xưởng hoá chất lớn nhất thế giới này đã sản xuất 3,1 triệu tấn trong năm 2014, tăng 76.000 tấn so 2013.

Ngành hoá chất BVTV tăng liên tục 9,1% suốt trong năm năm trước tới thời điểm hiện nay, chỉ giảm mức gia tăng còn 3,8% (2014) khi họ nhận ra chính mình tạo thặng dư và mức gia tăng năm 2015 bằng 2014.

Năm 2016, dự kiến sẽ giảm 0,1% so năm 2015. Mức sản xuất của Trung Quốc từ tháng 6/2015 – 4/2016 là 320.000 tấn, nhưng mục tiêu tổng doanh số của ngành này là 81 tỷ USD gần như không thay đổi.

Đi kiếm tiền khi nương tựa vào hoá chất Trung Quốc sẽ dẫn các doanh nghiệp tới đâu khi Trung Quốc là quốc gia sử dụng hoá chất hàng đầu trên thế giới?

Cho dù đã cố tạo ra dòng sản phẩm hữu cơ nhưng Trung Quốc vẫn vẫn không lấy được lòng tin của các nước. Năm 2007, trong khi tại Mỹ, nông dân sử dụng 2,2kg/ha, thì tại Trung Quốc là 10,3kg/ha.

90% nguồn hoá chất BVTV nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam chỉ vì nguồn hàng giá rẻ, đa dạng, dễ nhập. Điều đáng nói là các loại hàng cấm cũng có thể chui lọt hàng rào kiểm soát.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, viện phó viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, cảnh báo, một số công ty từng giàu có nhờ kinh doanh hoá chất BVTV trên thế giới đang sử dụng cách làm dịu xã hội tiêu dùng bằng nhiều chương trình sửa lỗi làm sạch môi trường, vì sức khoẻ người dùng… gọi là “Green Washing”, chỉ mong sao họ chuyển đổi thật sự.

Trần Hoàng
Theo TGTT
 


đó là lý do e không còn sài hàng của sygenta nữa, 1 trong những mặt hàng e hay mua nhất là ridomin gold, trước hay sài giờ không còn thói quen sài nữa, vì e sợ hàng tq lắm rồi, giờ thay ridomin bằng metalaxy 50 wp, hay mancozed xanh
 
đó là lý do e không còn sài hàng của sygenta nữa, 1 trong những mặt hàng e hay mua nhất là ridomin gold, trước hay sài giờ không còn thói quen sài nữa, vì e sợ hàng tq lắm rồi, giờ thay ridomin bằng metalaxy 50 wp, hay mancozed xanh
metalaxy50wp nguyên liệu gốc tq có khác j
 
Ngành nông nghiệp quá phụ thuộc vào hóa chất thì sẽ ko thể nào bền vững. Đặc biệt khi người tiêu dùng luôn ưa chuộng các loại có mã vạch 9 và tẩy chay hàng TQ càng mạnh. Nếu muốn có đầu ra bền vững thì phải có 1 đầu tàu cho nông nghiệp mang mã vạch 9
 
Lại là Trung Quốc, hóa chất của trung Quốc vào việt Nam đã làm cho Việt Nam sử dụng quá phụ thuộc và đầu độc dân mình rồi!
 

Dân mình lại phải kêu trời rồi.. Phụ thuộc vào nó thì có nước chết. Không trước thì sau.
 
Ngành nông nghiệp quá phụ thuộc vào hóa chất thì sẽ ko thể nào bền vững. Đặc biệt khi người tiêu dùng luôn ưa chuộng các loại có mã vạch 9 và tẩy chay hàng TQ càng mạnh. Nếu muốn có đầu ra bền vững thì phải có 1 đầu tàu cho nông nghiệp mang mã vạch 9
Dù là mã vạch 9 thì cái ruột bên trong cũng đa số là được nhập về từ Trung Quốc thôi bạn ơi.
 


Back
Top